Cơ sở pháp lý và khoa học để thiết lập và gắn kết hai chiến lược bảo tồn và phát triển du lịch - văn hóa trong Khu di sản Vịnh Hạ Long
PGS.TS Đặng Văn Bài
PCT Hội di sản văn hóa Việt Nam
Giám đốc Quỹ Bảo tồn DSVH Việt Nam
1 Vai trò và ý nghĩa của di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới trong đời sống xã hội. Đây là nhận thức cơ bản có tính chất “chìa khóa nhận thức” để xác định thái độ ứng xử văn hóa với loại tài sản văn hóa quý giá của nhân loại nói chung và từng quốc gia nói riêng. Mục I B, khoản 7 trong hướng dẫn thực hiện Công ước di sản thế giới (Công ước 1972), UNESCO khẳng định “Di sản văn hóa và thiên nhiên thuộc nhóm những tài sản vô giá và không thể thay thế, không chỉ của một dân tộc, mà còn là của nhân loại nói chung. Bất kỳ di sản nào trong số đó nếu biến mất do xuống cấp hoặc thất thoát, cũng sẽ làm nghèo đi kho tàng của tất cả các dân tộc trên thế giới”. Đó là tuyên bố có tính phổ quát toàn nhân loại mà chúng ta cần quán triệt trong các mặt hoạt động bảo tồn di sản văn hóa.
Nhà nước ta cũng đồng quan điểm với UNESCO khẳng định trong lời nói đầu của Luật Di sản văn hóa năm 2001, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (gọi tắt là Luật DSVH): “Di sản văn hóa là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta”.
Công ước 1972 đã xác định rõ những mục tiêu cơ bản nhất cần hướng tới là “Nhận diện, bảo vệ, bảo tồn, giới thiệu và truyền lại cho đời sau những di sản văn hóa và thiên nhiên có giá trị nổi bật toàn cầu” (Mục I B, khoản 7, Hướng dẫn thực hiện Công ước 1972). Ở Việt Nam chúng ta đã cố gắng cụ thể hơn nữa những mục tiêu cần hướng tới cho phù hợp với tinh thần Công ước 1972 là “Để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu về văn hóa ngày càng cao của nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa thế giới” (Lời nói đầu Luật DSVH). Tôi nghĩ rằng, tất cả các hoạt động liên quan tới việc bảo vệ và phát huy giá trị Khu di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long (Khu di sản Vịnh Hạ Long) cũng nhằm đạt tới những mục tiêu cao đẹp nêu trên.
2 Cần nhận thức toàn diện và sâu sắc về giá trị nổi bật toàn cầu của Khu di sản Vịnh Hạ Long. Chúng ta tự hào vì Việt Nam có một Khu di sản được UNESCO vinh danh hai lần với hai tiêu chí khác nhau về giá trị nổi bật toàn cầu là:
Tiêu chí VII: Giá trị thẩm mỹ thể hiện ở cảnh quan thiên nhiên kỳ thú và tuyệt mỹ kết hợp giữa biển, núi non, hệ thống đảo và hang động với nhũ đá hình thù đa dạng và phong phú.
Tiêu chí VIII: Giá trị về mặt địa chất, địa mạo với địa hình xen kẽ các vách đá vôi dựng đứng với các trũng biển và hình ảnh xưa nhất của lãnh thổ miền Bắc Việt Nam cách ngày nay khoảng hai trăm triệu năm.
Tuy nhiên, xét từ góc độ di tích và thắng cảnh quốc gia đặc biệt, Vịnh Hạ Long còn hàm chứa mặt giá trị nổi bật sau đây:
- Giá trị sinh học bao gồm các loại động thực vật, hải sản quý hiếm, đặc biệt là các rặng san hô ngầm dưới biển.
- Giá trị lịch sử - văn hóa thể hiện rõ nhất qua các di chỉ khảo cổ gắn liền với văn hóa Hạ Long, thươn cảng cổ Vân Đồn và các di tích lịch sử văn hóa khác.
- Khu di sản Vịnh Hạ Long còn được đánh giá cao với tư cách là loại tài nguyên du lịch có khả năng tạo ra những điểm đến du lịch và các sản phẩm du lịch hấp dẫn có đẳng cấp quốc tế.
Hệ thống các mặt giá trị liệt kê ở trên mới chỉ tạo ra những điều kiện cần mà chưa đủ để UNESCO vinh danh Vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới. Theo hướng dẫn thực hiện Công ước 1972 của UNESCO, Di sản thiên nhiên thế giới là khái niệm rộng lớn, là danh hiệu của một loại tài sản chung của mọi công dân ở tất cả các quốc gia thành viên tham gia Công ước. Chúng được coi là loại tài sản tuyệt vời nhất trong số các di sản tốt nhất của thế giới. Bởi vậy, tính toàn vẹn của di sản cũng được coi là nhân tố làm nên giá trị nổi bật toàn cầu của di sản đó.
Tính toàn vẹn là chỉ bảo vệ tính tổng thể và sự nguyên vẹn/không suy xuyển cũng như các đặc tính căn bản của di sản như: các yếu tố cần thiết qua đó các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản được hiển lộ ra, quy mô các vùng lõi và vùng đệm đáp ứng yêu cầu bảo toàn và chuyển tải các giá trị di sản tới cộng đồng. Và cuối cùng là một tổ chức quản lý thống nhất và hoàn chỉnh có khả năng tạo lập những điều kiện thích hợp cho việc bảo vệ và phát huy, đồng thời còn phải xây dựng một kế hoạch quản lý di sản (về mặt bảo tồn và phát triển du lịch) và một chương trình hành động với hàng loạt các dự án thành phần có khả năng kiểm soát và ngăn chặn những tác động tiêu cực tới giá trị di sản trong suốt quá trình tồn tại và phát triển. Chỉ với những điều kiện cần và đủ nêu trên UNESCO mới chính thức công nhận một di sản thế giới có giá trị nổi bật toàn cầu. Quan niệm rất toàn diện, cụ thể của UNESCO về khái niệm giá trị nổi bật toàn cầu đối với tất cả các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới phải trở thành nền tảng tinh thần cho việc hoạch định chiến lược bảo tồn Khu di sản Vịnh Hạ Long gắn với phát triển du lịch.
Vịnh Hạ Long với tư cách là Khu di sản thiên nhiên thế giới đặt ra cho chúng ta những thách thức vô cùng to lớn trong hoạt động bảo tồn cũng như quản lý mà nguy hiểm nhất là thách thức về khả năng ô nhiễm môi trường thiên nhiên - một bộ phận quan trọng cấu thành môi trường sống của con người nói chung và Vịnh Hạ Long nói riêng. Có thể liệt kê ở đây hàng loạt các mâu thuẩn mà nếu không được xử lý thấu đáo, bài bản theo các nguyên tắc khoa học chuyên ngành thì rất dễ dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường nước và không khí trong vùng di sản. Cụ thể là: Mâu thuẫn giữa quy mô rộng lớn của Khu di sản (438 km2 gồm 788 hòn đảo lớn nhỏ) với khả năng quản lý và khai thác của con người trên vùng biển Vịnh Hạ Long; mâu thuẫn giữa nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và du lịch với yêu cầu có nguyên tắc bất di bất dịch phải bảo vệ tính toàn vẹn, nguyên trạng và môi trường thiên nhiên trong lành (yếu tố hàng đầu của điểm đến du lịch sinh thái) của Vịnh Hạ Long; mâu thuẫn giữa nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho du lịch; việc tu bổ, tôn tạo di tích với khả năng hạn hẹp từ nguồn ngân sách của Nhà nước cả ở Trung ương lẫn địa phương; mâu thuẫn nảy sinh từ quá trình tồn tại và phát triển của Khu di sản với sự hoạt động đa dạng của nhiều cơ quan từ Trung ương tới địa phương gồm nhiều ngành nghề khác nhau (hình thức tư nhân, tập thể và Nhà nước v.v…) với khả năng phối hợp quản lý liên ngành một cách chặt chẽ theo một định hướng chung nhằm đạt được những mục tiêu căn bản đặt ra trong Công ước 1972 cũng như Luật DSVH. Trường hợp Khu di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long có 4 đối tượng cần được bảo tồn nguyên vẹn và chuyển giao cho các thế hệ tương lai là: Bảo vệ môi trường nước, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và bảo vệ các di tích lịch sử, văn hóa trên vùng Vịnh v.v… Vậy mô hình quản lý như thế nào cho phù hợp (quản lý Nhà nước, quản lý công - tư, ủy thác từng khâu khai thác cho các đơn vị tư nhân…?) là câu hỏi lớn đặt ra, cần có lời giải đáp hiện nay.
3 Khu di sản Vịnh Hạ Long cần được quản lý với tư cách là một điểm đến du lịch đặc thù và hấp dẫn vào bậc nhất ở Việt Nam
Nhìn từ góc độ tài nguyên du lịch và sản phẩm du lịch ta thấy tính đặc thù và hấp dẫn của Khu di sản thể hiện ở chỗ, nó có được tất cả các danh hiệu cao quý theo nhiều cấp độ: Khu thắng cảnh xếp hạng cấp quốc gia, quốc gia đặc biệt, danh hiệu di sản thiên nhiên thế giới và cuối cùng là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên thế giới. Vậy với tư cách là một điểm đến du lịch hấp dẫn như Vịnh Hạ Long thì những mục tiêu nào là căn bản? Hướng tới du lịch cộng đồng thu hút số đông du khách hay là hình thức du lịch cao cấp? Điều cần quan tâm là sự gia tăng số lượng du khách hay khả năng dung chứa của Khu di sản vần đặt ra để không bị quá tải? Ở Hạ Long có thể cung cấp những loại sản phẩm du lịch nào mang tính đột phá và sáng tạo để phát huy thế mạnh riêng có của địa phương?
Về mặt lý thuyết, người ta quan niệm điểm du lịch theo nghĩa thông thường là những nơi có tài nguyên du lịch/di sản văn hóa và thiên nhiên cùng với các loại hình dịch vụ (tạo nên một sản phẩm du lịch) có khả năng đáp ứng nhu cầu khám phá, hưởng thụ giá trị văn hóa và vui chơi giải trí một cách tích cực theo hướng tự học tập suốt đời… Một hay nhiều điểm du lịch được liên kết lại thành các tuyến điểm du lịch để tạo lập một không gian văn hóa - vật chất có khả năng thu hút, đáp ứng nhu cầu và lưu giữ du khách ở lại ít nhất cũng phải một ngày đêm thì mới đạt hiệu quả văn hóa - kinh tế tương xứng.
Như vậy, chúng ta phải suy nghĩ tới một mô hình kết hợp được hai chức năng: Quản lý di sản với tư cách là tài sản văn hóa đặc thù và quản lý điểm đến du lịch hấp dẫn. Chức năng thứ nhất đảm bảo tính toàn vẹn của di sản - điểm đến du lịch cho hôm nay và mai sau, còn chức năng thứ hai là sáng tạo một hình thức phối hợp/một liên minh giữa các nhóm lợi ích khác nhau nhằm cung cấp những sản phẩm hay lợi ích thiết thực cả về tinh thần lẫn vật chất. Mục tiêu lớn nhất cho mô hình quản lý hỗn hợp là: Tính toàn vẹn của di sản được duy trì và du khách có sự hài lòng cao nhất trước khi dời điểm đến du lịch Hạ Long. Và như vậy cùng một lúc sẽ phải thực hiện cùng một lúc 3 nhiệm vụ căn bản nhất: Bảo vệ và phát huy ở mức cao nhất các mặt giá trị nổi bật toàn cầu của Vịnh Hạ Long; sáng tạo và cung cấp các loại sản phẩm du lịch ngày càng có chất lượng cho người tiêu dùng/du khách; kiểm soát, ngăn chặn, hạn chế những tác động tiêu cực từ các hoạt động kinh tế đặc biệt là du lịch đến môi trường sinh thái của Khu di sản và cộng đồng cư dân địa phương.
Trong chiến lược bảo tồn Vịnh Hạ Long gắn với phát triển du lịch văn hóa, chúng ta nhất thiết phải tuân thủ triệt để 6 nguyên tắc cơ bản được đặt ra trong Hiến chương quốc tế về du lịch văn hóa:
Một là, du lịch nội địa và quốc tế là một trong những phương tiện trao đổi văn hóa hàng đầu cho nên các hoạt động bảo tồn cần tạo ra những cơ hội chịu trách nhiệm và tham gia quản lý cho các thành viên cộng đồng địa phương và du khách để họ trực tiếp trải nghiệm và thấu hiểu các di sản và nền văn hóa của cộng đồng đó.
Hai là, quan hệ giữa các Khu di sản và du lịch có tính chất linh hoạt và có thể bao gồm những giá trị trái ngược nhau (nhưng có thể điều hòa được TG) như kinh tế và văn hóa, tinh thần và lợi nhuận. Mối quan hệ đó cần được quản lý một cách bền vững cho các thế hệ hiện tại và tương lai.
Ba là, kế hoạch bảo tồn và du lịch cho các Khu di sản cần đảm bảo rằng các trải nghiệm của du khách là đáng giá, thỏa mãn và thú vị.
Bốn là, các cộng đồng địa phương và người bản địa cần được tham gia vào việc hoạch định kế hoạch bảo tồn và du lịch.
Năm là, các hoạt động bảo tồn và du lịch cần mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương.
Sáu là, các chương trình quảng bá du lịch phải bảo vệ và làm nổi bật đặc điểm của di sản văn hóa và thiên nhiên.
Cũng cần nhấn mạnh rằng, UNESCO luôn triển khai hàng loạt các hoạt động nhằm liên tục giám sát và kiểm soát việc nghiêm chỉnh thực hiện Công ước từ phía cộng đồng địa phương và quốc gia thành viên thông qua các chuyến viếng thăng chính thức và không chính thức của các chuyên gia hàng đầu cũng như các cộng tác viên nghiệp dư để có được thông tin tương đối sát thực về thực trạng của các di sản thế giới. Đồng thời thông qua cơ chế báo cáo thường niên và định kỳ của các quốc gia thành viên và đặt họ trước thách thức là phải đáp ứng yêu cầu của Ủy ban Di sản thế giới và Trung tâm Di sản thế giới nếu không muốn di sản của mình bị rơi vào danh sách các Khu di sản trong tình trạng nguy cấp hoặc có thể bị loai khỏi Danh mục di sản thế giới.
Trong cuốn sách “Quản lý du lịch tại các Khu di sản thế giới” (Tài liệu hướng dẫn thực tiễn cho các nhà quản lý Khu di sản thế giới do tác giả Arthur Pederson biên soạn. Trung tâm Di sản thế giới của UNESCO xuất bản năm 2002), các quốc gia thành viên được yêu cầu phải xây dựng một hệ thống cơ chế chính sách phù hợp nhằm đạt được các mục tiêu đặt ra như:
- Tạo và duy trì việc làm, thu nhập và phát triển cho cộng đồng địa phương.
- Đảm bảo tất cả các hoạt động được cấp phép triển khai trong Khu di sản sẽ được kiểm soát cho phù hợp với điều kiện lịch sử vad tự nhiên của khu vực.
- Tạo cơ hội cho công tác nghiên cứu có lợi ích xã hội.
- Giáo dục du khách và cộng đồng địa phương nhằm nâng cao sự tôn trọng giá trị của Khu di sản cũng như khuyến khích sự quan tâm đến môi trường sinh thái - nhân văn.
- Tạo dựng hạ tầng cơ sở đảm bảo an toàn cho du khách, bảo vệ môi trường tự nhiên của Khu di sản hoặc khôi phục và bảo vệ các loài động thực vật đang bị de dọa.
Tóm lại, dựa trên cơ sở pháp lý và khoa học có trong các Công ước quốc tế và các văn bản pháp luật hữu quan của Việt Nam, chúng ta phải thiết lập được chiến lược bảo tồn Khu di sản Vịnh Hạ Long gắn với phát triển du lịch bền vững (gắn kết, đan xen và song hành cùng một lúc hai chiến lược bảo tồn di sản và phát triển du lịch).
Vấn đề quan trọng là thông qua các giải pháp và mô hình quản lý thích hợp (quản lý Nhà nước, kết hợp công và tư, tư nhân quản lý một số mặt hoạt động, một số khâu trong cả chuỗi hoạt động liên hoàn để có thể giảm thiểu những xung đột trong quá trình quản lý Khu di sản Vịnh Hạ Long (về bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội, mức độ quá tải do lượng du khách tăng nhanh, phân chia lợi ích một cách công bằng) có thể xảy ra giữa các nhóm cộng đồng/nhóm lợi ích: nhóm quản lý/hoạch định chính sách - nhóm các nhà nghiên cứu khoa học - nhóm doanh nghiệp - nhóm cộng đồng cư dân địa phương - nhóm du khách trong nước và quốc tế. Có thể coi đó là nguyên tắc bất biến để lựa chọn mô hình quản lý Khu di sản Vịnh Hạ Long trong tương lai.