Đang tải... Vui lòng chờ...

Giáo dục hòa bình - chìa khóa của hòa giải

Trong suốt 15 năm (1931-1945), nước Nhật đã tiến hành liên tiếp nhiều cuộc chiến tranh xâm lược. Những cuộc chiến tranh ấy đã tạo ra những vết thương sâu sắc và di chứng nặng nề cho cả Nhật Bản và những nước châu Á khác. Tuy nhiên, không đầy 20 năm sau Nhật Bản đã trở lại vũ đài quốc tế đầy ngoạn mục trong tư thế một cường quốc văn minh. Giáo dục - mà trọng tâm là giáo dục hòa bình, đã góp phần giúp Nhật Bản làm nên kỳ tích ấy.

Những “vết đen” của lịch sử

Trong 15 năm tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lược, quân đội Nhật đã gây nhiều tội ác đối với người dân châu Á và cả đối với người Nhật trong nước. Nhưng phải chờ đến một khoảng thời gian nhất định sau 1945 khi tinh thần của Hiến pháp 1946 thẩm thấu vào quốc dân và một thế hệ học sinh trưởng thành trong nền giáo dục dân chủ, những tội ác đó mới được phơi bày. Các nhà sử học cùng những chứng nhân của lịch sử đã làm rõ những vụ thảm sát của quân đội Nhật, những cuộc đàn áp của chính quyền phát xít nhằm vào những người phản đối chiến tranh. Đấy là vụ thảm sát Nam Kinh, các cuộc bắt bớ, tra tấn và giam cầm của cảnh sát đặc biệt nhằm vào những người Nhật yêu hòa bình, phản đối chiến tranh, tấn bi kịch của người dân Okinawa khi bị đẩy vào giữa hai làn đạn của quân Đồng minh và quân đội Nhật vào những ngày cuối cùng của chiến tranh...

Trong khi tiếp cận những sự thật bi thảm ấy, người Nhật đã đặt ra câu hỏi “Tại sao chiến tranh lại xảy ra?”, “Tại sao người Nhật đương thời đã không thể ngăn chặn nổi chiến tranh?”. Những câu hỏi ấy trở thành tiền đề để người Nhật phản tỉnh nhìn lại quá khứ.

Tôn trọng sự thật

Nước Nhật sau 1945 rất khác so với nước Nhật trước đó. Nếu như trước 1945 chỉ cần ai đó nói những điều trái với thánh chỉ của Thiên hoàng hay quan điểm của chính phủ, họ sẽ bị coi là “phi quốc dân” và trở thành mục tiêu tấn công dưới mọi hình thức. Nhưng ở nước Nhật dân chủ sau 1945, sự đa dạng về tư tưởng được pháp luật bảo hộ. Vì thế, trước một sự thật lịch sử, đặc biệt là những “vết đen” của lịch sử, các nhận thức về nó rất đa dạng. Tuy nhiên, dòng chảy chủ lưu trong khối dân sự vẫn là tinh thần tôn trọng sự thật và hướng sự giải thích sự thật đến các giá trị nhân văn. Tấm bia ở công viên hòa bình Okinawa và tấm bia Hanaoka là sự minh chứng cho điều ấy.

Đối với người Nhật, trận chiến Okinawa (26.3-23.6.1945) giữa quân Nhật và quân đội Đồng minh chủ yếu là quân Mỹ là một tấn thảm kịch. Đây là trận chiến có quy mô lớn nhất trên đất Nhật trong chiến tranh thế giới thứ hai và là cuộc đối đầu quy mô lớn cuối cùng giữa Nhật và Mỹ. Trong trận chiến này cả hai bên đã sử dụng một lượng vũ khí, phương tiện chiến tranh khổng lồ vì thế người Mỹ mô tả cuộc chiến như là “Typhoon of Steel” (Cơn bão thép). Kết quả phía Nhật chết và mất tích hơn 18 vạn người, trong đó có hơn 9 vạn dân thường. Phía Mỹ chết và mất tích hơn 1,2 vạn người. Trong trận chiến đẫm máu này, người dân Okinawa đã bị đẩy vào tấn bi kịch “tự sát tập thể” và bị chính quân Nhật giết hại. Để tưởng niệm các nạn nhân và nguyện cầu hòa bình, năm 1965, công viên quốc gia về dấu tích cuộc chiến Okinawa được xây dựng trên đảo lớn Okinawa với diện tích 81,3km2. Ở đây lưu giữ lại rất nhiều vết tích của cuộc chiến và có cả công viên kỷ niệm hòa bình Okinawa với nhiều tổ hợp công trình như: bia tưởng niệm, bảo tàng tư liệu, tháp hòa bình, nghĩa địa chôn người tử nạn trong cuộc chiến Okinawa...

Bia tưởng niệm khắc hơn 240.000 tên tuổi nạn nhân cuộc chiến Okinawa từ dân thường đến binh lính hai phía tại Công viên Hòa bình Okinawa. Ảnh AFP-JIJI

Thứ trở thành điểm nhấn của tư duy tôn trọng sự thật và hướng đến hòa bình, hòa giải là những tấm bia tưởng niệm dựng trong công viên. Đây là tấm bia nguyện cầu cho thế giới mãi mãi hòa bình, khắc tên toàn bộ những người đã chết không phân biệt dân thường hay quân nhân, người Nhật hay người nước ngoài. Ở đó có tên của người Nhật xếp theo từng tỉnh và tên của người Mỹ, người Triều Tiên, người Anh... Bia được dựng vào tháng 6.1995 nhân kỷ niệm 50 năm kết thúc cuộc chiến Okinawa-Thái Bình Dương. Số người được khắc tên tính đến thời điểm 23.6.2010 là 24.931 người. Ở Hanaoka, tỉnh Akita có một tấm bia khác được dựng cũng với tinh thần như thế. Tấm bia này khắc những dòng chữ:

Trong chiến tranh Thái Bình Dương để bù đắp lực lượng lao động thiếu hụt chính phủ quân phiệt Nhật đã cưỡng bức khoảng 4 vạn người Trung Quốc tới Nhật lao động. Trong số trên có 986 người được đưa vào đội Kagoshima để lao động tại mỏ khai thác khoáng Hanaoka và trong số đó có 8 người đã chết trên đường di chuyển.

Những người này đã bị đưa vào ký túc xá sâu trong núi và phải lao động tàn khốc, sinh hoạt tồi tệ dưới sự giám sát nghiêm ngặt vì thế liên tiếp có người tử vong.

Buổi tối ngày 30.6.1945 khoảng 800 người sống sót đã nhất tề khởi nghĩa. Trong cuộc chiến đấu ác liệt giữa vòng vây của hiến binh, cảnh sát, quân đồn trú tại địa phương cuối cùng toàn bộ những người Trung Quốc này bị bắt. Quân Nhật đem họ phơi nắng dưới trời nóng thiêu đốt trong sân tòa nhà Kyoraku suốt ba ngày ba đêm không cho ăn uống để điều tra khiến cho nhiều người liên tiếp gục ngã. Vào tháng Bảy số người chết được ghi nhận là 100 nhưng sự bi thảm ở đây không lời nào diễn tả được. Ngày nay Hiệp ước hòa bình quan hệ hữu hảo Nhật-Trung mặc dù đã được ký kết nhưng chúng ta cần phải không quên sự thật trước đó để xây đắp quan hệ hữu hảo không lặp lại chiến tranh giữa hai dân tộc Nhật-Trung.

Tấm bia này được dựng vào tháng 5.1996 trong lễ bế mạc phong trào tìm kiếm hài cốt các nạn nhân của người Trung Quốc để gửi cho người thân của họ với thành viên chủ chốt là các giáo viên trực thuộc Hội Các nhà giáo dục lịch sử Nhật Bản. Sự kiện bi thảm này cũng được nhiều giáo viên ở địa phương đưa vào các giờ học lịch sử.

Thông tin đa chiều, thực chứng

Trong bối cảnh tồn tại nhiều luồng tư tưởng, nhiều nhận thức lịch sử và luôn diễn ra các cuộc tranh luận gay gắt, giáo dục hòa bình đóng vai trò như chiếc chìa khóa hướng đến sự hòa giải và kiến tạo các giá trị văn minh. Ở Nhật giáo dục hòa bình được tiến hành thông qua tất cả các môn học và hoạt động giáo dục trong trường học. Nó được coi là một trong các trụ cột lớn của giáo dục nhân quyền, giáo dục lý giải quốc tế, giáo dục hòa đồng và giáo dục về giới.

Những chủ đề thường được đưa ra trong giáo dục hòa bình là “vũ lực”, “hậu quả chiến tranh”, “tình hình quốc tế-trong nước”. Khi học về vũ lực, giáo viên sẽ giúp học sinh hiểu được rằng việc dùng vũ lực để giải quyết mọi vướng mắc, mâu thuẫn giữa các dân tộc, chủng tộc, tôn giáo trên thực tế chỉ đem lại bất hạnh và bi kịch. Khi học về “hậu quả của chiến tranh”, các giờ học tập trung vào sự bi thảm của hai vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima, Nagasaki, trận chiến Okinawa...

Sách giáo khoa lịch sử, nhờ sự đấu tranh bền bỉ của giới sử học và giáo dục lịch sử, đã dần dần được biên soạn với những thông tin ngày càng đa chiều, thực chứng. Ở đó những “vết đen” của lịch sử đã được đề cập.

Lời thề bất biến

Bảy mươi năm sau chiến tranh, nước Nhật đang có những thay đổi lớn trong chính sách ngoại giao và an ninh. Tuy nhiên với người dân Nhật, ba nguyên lý “hòa bình”, “dân chủ”, “tôn trọng con người” mãi mãi không bao giờ thay đổi. Tinh thần tôn trọng sự thật lịch sử và khoan dung đối với các nhận thức khác biệt để hòa hợp và hòa giải ở Nhật tồn tại và phát triển được là nhờ dựa trên nền tảng ấy. Ngay cả Thủ tướng Abe, người vốn bị dư luận chỉ trích vì những hành động cứng rắn, trong diễn văn kỷ niệm 70 năm kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai (14.8.2015) cũng bày tỏ tinh thần ấy:

... Sự thật là nước ta đã làm cho bao nhiêu người vô tội phải chịu những khổ đau và tổn thất không gì đo đếm được. Lịch sử là thứ khắc nghiệt và không thể nào làm lại. Mỗi người đều đã có cuộc đời, giấc mơ và gia đình yêu mến. Giờ đây, khi nếm trải sự thật đương nhiên này, không biết nói gì hơn ngoài nỗi buồn đau.

Từ những hy sinh quý giá từ trước đến nay ấy mà giờ đây có hòa bình. Đấy là điểm xuất phát của Nhật Bản sau chiến tranh. Không được để cho sự bi thảm của chiến tranh lặp lại lần thứ hai. Sự biến, xâm lược, chiến tranh. Cả sự uy hiếp, sử dụng vũ lực cũng không được dùng như là phương tiện giải quyết tranh chấp quốc tế lần thứ hai. Phải chia tay vĩnh viễn với sự cai trị thực dân và tạo ra thế giới nơi quyền tự quyết của tất cả các dân tộc được tôn trọng.

Cùng với sự ăn năn sâu sắc về cuộc đại chiến trước kia, nước chúng ta đã thề như thế. Chúng ta đã tạo ra đất nước dân chủ và tự do, tôn trọng pháp luật và duy trì lời thề bất chiến. Trước những bước đi với tư cách là quốc gia hòa bình trong suốt 70 năm, chúng ta vừa mang trong mình lòng tự hào điềm tĩnh vừa nhất quán duy trì phương châm không đổi ấy.

Nước chúng ta đã nhiều lần thể hiện sự phản tỉnh thống thiết và cảm xúc hối lỗi về những điều đã làm trong cuộc đại chiến trước đó. Để thể hiện ý nghĩ đó bằng hành động, chúng ta đã khắc sâu lịch sử những nỗi khổ đau mà người dân châu Á láng giềng như Indonesia, Phillipines, các nước Đông Nam Á, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc đã trải qua và sau chiến tranh đã nhất quán dốc lòng vì hòa bình và sự phồn vinh.

Lập trường như trên của các nội các trong quá khứ vẫn là thứ không hề thay đổi từ giờ về sau.

Có lẽ lời phát biểu trên của Thủ tướng Abe cũng là một lời hứa. Giống như lời hứa được khắc trên tấm bia tưởng niệm các nạn nhân của bom nguyên tử trong công viên hòa bình ở Hiroshima: Xin hãy ngủ yên. Bởi vì sai lầm sẽ không lặp lại.

Nguyễn Quốc Vương 

In văn bản