Từ nghiên cứu trường hợp “một” sự kiện ở làng Lạc Thổ (Bắc Ninh), bài viết khẳng định, ngữ văn dân gian và di tích lịch sử luôn hàm chứa sự thực lịch sử. Đây cũng là một hướng cần thiết để tiếp cận với kho tàng di sản văn hóa của dân tộc.
1. Từ câu chuyện về một sự biến ở làng Lạc Thổ trong lịch sử
Làng Lạc Thổ, nằm bên bờ Nam sông Đuống; xưa là xã Lạc Thổ, tổng Đông Hồ, huyện Siêu Loại, tỉnh Bắc Ninh; nay gồm hai thôn Lạc Thổ Bắc và Lạc Thổ Nam, thuộc thị trấn Hồ, tỉnh Bắc Ninh. Nhiều đời nay, dân làng vẫn lưu truyền câu chuyện kể về “một” biến cố lớn của làng trong lịch sử, thường được gọi tên là “Sự tích Cầu Chiêu”, có thể tóm tắt như sau:
“Ngày xưa, đã lâu lắm rồi, năm ấy, cũng như thường lệ, dân làng tưng bừng mở hội vui Xuân. Giữa lúc muôn người đang vui hội, bỗng xuất hiện một thanh niên cưỡi ngựa vào làng. Người thanh niên nọ dừng ngựa, rồi buông những lời chòng ghẹo các thôn nữ đang cùng dân làng vui hội. Mặc dù rất bực bội, nhưng để cuộc vui không bị đứt đoạn, mọi người đã hết sức kìm lòng, dùng những lời nhã nhặn để khuyên ngăn chàng trai kia không tiếp tục có những hành vi, lời nói khiếm nhã. Như được thể, chàng trai lạ càng tỏ thái độ coi thường dân làng, lời nói, cử chỉ càng hết sức khả ố, tục tĩu, như thể ở đây hắn muốn làm gì thì làm, không ai được động đến hắn. Tức thì, đám thanh niên trai tráng trong làng liền xúm vào giáng cho hắn một trận. Đòn quá tay, tên thanh niên ngỗ ngược kia tắt thở lúc nào cũng chẳng rõ nữa. Xác của hắn được mọi người nhanh chóng ném ra cánh đồng bên ngoài lũy làng.
Nào ngờ, kẻ bị dân làng đánh chết đó là một hoàng tử. Tin hoàng tử bị đánh chết nhanh chóng bay về tới triều đình, nhà vua vô cùng tức giận, liền ra lệnh: “Triều đình vô hữu Lạc Thổ” (Triều đình không có (làng) Lạc Thổ), rồi cho quan quân tức tốc kéo về đốt phá, xóa sổ làng Lạc Thổ. Tai họa ập đến, dân làng phải phiêu dạt khắp nơi.
Sau đấy, trong số dân làng phiêu tán, có người con gái họ Tá may mắn được nên duyên chồng vợ với một viên quan Quận công là người ở làng Quế Ổ (thuộc huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh ngày nay). Dù là phu nhân của quan Quận, cuộc sống khá đủ đầy, nhưng lạ thay, người con gái họ Tá kia chẳng mấy lúc được vui. Chiều chiều, bà thường lên lầu ngóng về phía quê hương, với ánh mắt u buồn. Sau nhiều lần gặng hỏi, quan Quận mới được bà kể cho nghe câu chuyện về sự biến của làng mình.
Quan Quận là người hết sức chính trực, chuộng sự công minh, bèn đem chuyện này tâu lên đức vua. Ông cũng không quên bày tỏ với đức vua rằng, nếu Hoàng tử không ngỗ ngược, thì đâu xảy ra chuyện dữ. Có lẽ, từ những tâu bày đó, đức vua đã ngộ ra nỗi oan khuất của dân làng Lạc Thổ và phán quyết nhiều phần bất nhẫn của mình. Nhà vua liền cho phép vợ viên quan Quận trở về nơi đất làng xưa, dựng lên “Cầu Chiêu” làm chốn tạm, rồi loan tin mời đón dân làng trở về. Chẳng bao lâu sau đấy, làng Lạc Thổ đã được lập lại, thành chốn đông vui, như đúng tên gọi “Lạc Thổ” - “Đất Vui”.
Cùng với chuyện kể trên, nhiều đời nay dân làng vẫn truyền nhau một bài vè kể về sự kiện này:
“Ông Nghè cưỡi ngựa đi qua
Dân làng Lạc Thổ chạy ra đầu làng
Gậy gộc cùng với đòn càn
Hò nhau đuổi đánh Nghè hành chết tươi
Đánh xong rồi mới rụng rời
Con Vua mà chết lôi thôi phen này
Tìm người chịu tội đỡ thay
Bảo nhau võng cáng vứt ngay ra đồng
Đi qua Đạo Tú, Đồng Đông
Sang làng Đồng Á cơn giông kéo về
Chỗ ngựa chết những máu mê
Lúc quan quân về khám chẳng thấy sai
Cùng nhau lập sớ tâu bày
Triều đình có lệnh về ngay tức thì
Lạc Thổ triệt hạ nó đi
Dân làng ngỗ nghịch để thì hại ta
Quản chi nước độc rừng xa
Tìm nơi kiếm chốn để mà độ thân
Đông Đoài Nam Bắc xa gần
Đều có Lạc Thổ đặt chân đến rồi”
2. Và một số di tích liên quan
Cùng với câu chuyện về sự biến ở làng Lạc Thổ vừa kể, hiện còn một số di tích có liên quan:
2.1. Cầu Chiêu:
Theo dân làng Lạc Thổ, Cầu Chiêu xưa được dựng lên như một quán nhỏ, ở khoảng giữa làng, nhưng đã bị phá hủy từ lâu. Gần đây, dân làng đã tự đóng góp dựng lại di tích này. Đó là một ngôi nhà xây 03 gian, lợp ngói, ở trên khu đất xưa dựng Cầu Chiêu. Người con gái họ Tá trong câu chuyện trên (là Tá Thị Hoa) được thờ ở đây.
2.2. Miếu Nghè Hành:
Đó là một ngôi miếu nhỏ, xây dựng khoảng cuối thời Nguyễn, ở cánh đồng phía Nam xã Đại Đồng Thành - Cánh đồng này tiếp giáp với khu đồng của tổng Đông Hồ xưa. Dân gian vẫn gọi đây là miếu Nghè Hành.
2.3. Nhà thờ 18 vị Quận Công họ Nguyễn Đức:
Di tích thuộc thôn Quế Ổ, xã Chi Lăng, huyện Quế Võ, là nơi thờ 18 vị Quận công của dòng họ Nguyễn Đức. Nhà thờ cùng với lăng của dòng họ đã được xếp hạng di tích quốc gia.
3. Đến tư liệu và cốt lõi lịch sử
Hành trình dò tìm sự thật lịch sử ẩn chứa/là cốt lõi của câu chuyện về sự biến ở làng Lạc Thổ và bài vè trên, cũng là những nội dung lịch sử liên quan đến một số di tích đã liệt kê, đối với chúng tôi, là một hành trình khá dài, trải qua nhiều khó khăn, phức tạp, nhưng không kém phần lý thú. Có thể tóm tắt như sau:
3.1. Những nguồn tư liệu tham khảo chính:
- Thư tịch cổ: Lê Quý kỷ sự, Lịch triều hiến chương loại chí, Hoàng Lê nhất thống chí, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam thực lục,…
- Gia phả dòng họ: Gia phả họ Nguyễn Đức (Quế Ổ), Gia phả họ Dương (Lạc Thổ);
- Tài liệu khảo sát điền dã tại vùng Thuận Thành, Quế Võ.
3.2. Phác họa cốt lõi lịch sử liên quan đến nguồn tư liệu ngữ văn dân gian và di tích đã dẫn:
Đây là một câu chuyện dài và việc làm sáng tỏ bằng những lập luận cùng tư liệu viện dẫn đầy đủ không thể trình bày tường tận trong khuôn khổ một bài viết ngắn. Vì vậy, sau đây chúng tôi chỉ tạm phác họa.
3.2.1. Sự thực lịch sử thứ nhất: Tướng quân họ Nguyễn Đức cùng thổ hào và nhân dân vùng Bắc Ninh liên kết với quân Trịnh chống lại Nguyễn Hữu Chỉnh; một trận đánh lớn ở Lạc Thổ - Đông Hồ.
Cuối năm 1786, sau khi quân Tây Sơn “Bắc tiến”, căn bản giải quyết xong việc “phò Lê diệt Trịnh”, rút về Nam; Nguyễn Hữu Chỉnh bị “bỏ rơi”, cố chạy theo, nhưng Nguyễn Huệ đã “khéo léo” giao cho ở lại trông coi trấn Nghệ An. Lúc này, phe đảng chúa Trịnh lại nổi dậy, mong giành lại địa vị “nhà Chúa” của mình. Nhiều bè đảng khác cũng nổi lên. Vua Lê (Lê Chiêu Thống) hoảng loạn, trông ngóng người cứu giúp. Thừa cơ ấy, Nguyễn Hữu Chỉnh (vốn trước đã bỏ tập đoàn vua Lê - chúa Trịnh để theo Tây Sơn) nhanh chóng gây dựng thanh thế, rồi kéo quân ra Bắc, xin phò vua Lê dẹp loạn. Chỉnh lắm mưu mô, lại gặp nhiều may mắn, đã lần lượt dẹp yên từng cõi. Chúa Trịnh khi đó là Án Đô vương Trịnh Bồng - cái “gai” nguy hiểm nhất mà Chỉnh quyết nhổ bỏ, phải chạy về Quế Ổ. Lê Quý kỷ sự chép: “ Chúa cả sợ, đem quân thân vệ vượt qua sông, chạy sang Bắc, đến Dương Xá. Dương Trọng Tế đem quân hộ vệ chúa Trịnh, rồi dời đi Quế Ổ. Bọn Mai Trung hầu, cựu trấn thủ Kinh Bắc, là chỗ cự tộc ở Quế Ổ, đem quân người trong họ đến đóng giữ để bảo vệ cho nhà Chúa. Đinh Tích Nhưỡng và Thiêm Liên cũng đem quân thủy đến hội. Quân chúng của nhà Chúa lại dần dần tụ tập lại, chia đồn đóng giữ vùng Quế Dương. Lại sai Đắc Vũ giữ Đông Triều (đúng ra là Đông Hồ, đoạn sau sách này và các tài liệu khác đều chép là Đông Hồ- TG) để làm bình phong che đỡ” (tr. 61).
Sử cũ ghi chép khá rõ về cuộc chiến giữa quân Chỉnh với liên quân của Trịnh Bồng - Liên quân Trịnh Bồng cùng những người họ Nguyễn Đức, dưới sự chỉ huy của một một võ tướng người trong họ, có tên là Toại và thổ hào vùng Yên Dũng là Nguyễn Trọng Linh, thổ hào vùng Gia Bình là Trần Quang Châu, đặc biệt, ở vùng Đông Hồ (làng Lạc Thổ thuộc tổng này), là quân của tướng Đắc Vũ hầu.
Vấn đề liên quan đến sự biến ở làng Lạc Thổ trong sự kiện này - cuộc chiến của liên quân Trịnh Bồng với quân Nguyễn Hữu Chỉnh tại khu vực lũy Đông Hồ, dò tìm trong sử cũ, có thể nhận biết:
- Làng Lạc Thổ hiện nay xưa là xã Lạc Thổ, thuộc tổng Đông Hồ. Theo đó, cuộc chiến ở khu vực lũy Đông Hồ cũng chính là cuộc chiến ở Lạc Thổ. Người chỉ huy liên quân Trịnh chiến đấu ở đây là tướng Đắc Vũ hầu.
- Cuộc chiến ở đây diễn ra khá dài và rất quyết liệt, trong đó đáng chú ý là cuộc chiến đấu của đội quân do Đắc Vũ hầu chỉ huy để chống lại cuộc tấn công của quân Chỉnh, do con trai ông ta là Bái Đình hầu cùng Thái Lĩnh hầu chỉ huy. Tuy cuối cùng lũy Đông Hồ cùng các xóm làng ở đây, trong đó có làng Lạc Thổ, bị triệt hạ, nhưng trong cuộc chiến này, quân Chỉnh cũng bị thiệt hại khá nặng; viên tướng coi quản đạo quân Vũ Thành (quân đội do Nguyễn Hữu Chỉnh lập ra và tự đặt tên) là Khánh Đức hầu đã bị bắn chết tại trận (Theo Lê Quý kỷ sự). Về sự kiện này, Gia phả họ Dương ở Lạc Thổ cũng cho biết: Trong liên quân với chúa Trịnh, ở làng Lạc Thổ có hai người là Nguyễn Hữu Đắc và Khúc Đình Quý đã tổ chức đào hào, đắp lũy, chiến đấu chống quân Chỉnh. Trong trận chiến diễn ra vào ngày 3 tháng Giêng năm 1787, em của Nguyễn Hữu Chỉnh đã bị giết tại lũy Đông Hồ).
- Cuối cùng là câu chuyện về người con gái họ Tá ở làng Lạc Thổ đã kết duyên cùng viên Quận công người Quế Ổ. Thông tin có được ở làng Lạc Thổ cho biết, người con gái đó là Tá Thị Hoa (người được thờ ở Cầu Chiêu hiện nay; họ Tá nay vẫn là một trong những dòng họ hiện còn ở Lạc Thổ). Và, trong đợt điền dã ở Quế Ổ vào tháng 5 - 2014 vừa qua, chúng tôi đã được chỉ dẫn rằng, viên Quận công kia chính là ngài Hội Quận công, vị tổ đời thứ 12, chi Giáp của họ Nguyễn Đức (ở Quế Ổ). Một số nhà nghiên cứu, qua gia phả của dòng họ và đối chiếu với các nguồn tư liệu khác, đã xác định Hội Quận công là một võ quan có tiểu sử, hành trạng gắn với nửa cuối thế kỷ XVIII. Còn đây là những ghi chép của Gia phả dòng họ Nguyễn Đức về Hội Quận công:
“Hội Quận công (con thứ hai của Hiểu Quận công).
Ông húy Thân, tự là Điển, làm quan đến chức Đô chỉ huy sứ, mất ngày mùng 10 tháng 2, sau được phong vương. Vợ cả là Quận phu nhân Hoàng Thị Triền, quê tại xã Thổ Hoàng, mất tháng 2, sinh được trưởng nam là Bắc Ngạn hầu Nguyễn Đức Vượng; vợ kế là Quận phu nhân người xã Mi Thự, là con gái của Bỉnh Trung công, mất ngày 13 tháng 10, sinh được một con gái; vợ lẽ người xã Đại Vũ, huyện Vũ Giàng, sinh được một con trai là Nguyễn Đức Tế; vợ hai là Quận phu nhân Nguyễn thị, hiệu Diệu Thanh, người xã Hồng Mao, mất ngày mùng 9 tháng 3, làm hậu thần tại thôn Yên, xã Hồng Mao, sinh được 1 con trai là Nguyễn Đức Bành; thứ thất người xã Lạc Thổ, sinh 1 con trai là Nguyễn Đức Thước; thứ thất người xã Trúc Ổ, sinh 1con trai là Nguyễn Đức Diễm”.
3.2.2. Sự thực lịch sử thứ hai: Nhân dân Lạc Thổ tham gia Khởi nghĩa Cai Vàng, tiêu diệt Nghè Hành ở lũy Đông Hồ.
Trong câu chuyện về sự biến ở làng Lạc Thổ và một số di tích có liên quan kể trên có những chi tiết phản ánh về một nhân vật có tên Nghè Hành, mà sự thực lịch sử vừa được phác họa chưa thấy xuất hiện nhân vật này. Vậy Nghè Hành là ai và vì sao lại có liên quan đến chuyện kể và di tích đã đề cập?
Đã có nhà nghiên cứu đoán định đây là một ông nghè (tiến sĩ) thời Lê, quê ở Văn Giang, Hưng Yên ngày nay (xem Địa chí Hà Bắc), nhưng chưa có lý giải về việc vì sao ông ta lại “xuất hiện” trong câu chuyện này.
Trên đường dò tìm về nhân vật Nghè Hành, chúng tôi được một người già ở xã Đại Đồng Thành, nơi có “miếu Nghè Hành” cho biết, Nghè Hành quê ở Quảng Bình. Từ đó dò tiếp, câu chuyện dần được sáng tỏ, đại thể như sau:
- Nghè Hành chính là Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hành, “người huyện Lệ Thủy (Quảng Bình - TG), là con (Nguyễn) Đăng Giai (từng giữ chức Tổng đốc Bắc Ninh - TG), đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Thân đời Tự Đức” (Đại Nam nhất thống chí, tập 2).
- Năm Tự Đức thứ 15 (1862), Khởi nghĩa Cai Vàng (chống lại nhà Nguyễn) nổ ra ở vùng Bắc Ninh. Cai Vàng đã “tự xưng làm Nguyên soái, suy tôn tên giặc trốn là Huân làm minh chủ,…, thông đồng với bọn giặc (khởi nghĩa nông dân - TG) ở mặt sông Quảng Yên, tụ tập bọn lũ vài nghìn người, xâm đánh phủ hạt Lạng Giang. Phò lãnh binh quan là Tôn Thất Trụy, đem quân đánh không được, quân bèn vỡ” - (Đại Nam thực lục chính biên). Trước tình thế ấy, triều đình liền cử một loạt tướng lĩnh mang quân tập trung về vùng Bắc Ninh nhằm đè bẹp cuộc khởi nghĩa đang bùng phát mạnh mẽ. Trong số các tướng lĩnh của triều đình được điều động, có Lãnh Bố chánh sứ Khánh Hòa Nguyễn Đăng Hành, Hình bộ biện lý là Tôn Thất Đản, Hộ bộ lang trung là Hà Văn Hanh… Đồng thời, triều đình lại sai các tỉnh Hà Nội, Sơn Tây, Hưng Yên, thông sức trong thuộc hạt, chiêu mộ lấy người giỏi giang khỏe mạnh cho nhiều, đem đi hiệp sức đánh dẹp Khởi nghĩa.
- Trong quá trình chiến đấu với nghĩa quân Cai Vàng, Nguyễn Đăng Hành đã bị tử trận. Về việc này, sách Đại Nam nhất thống chí chỉ ghi ngắn gọn: Nguyễn Đăng Hành “đem quân đi tiễu phỉ, chết trận, được truy tặng”; nhưng sách Đại Nam thực lục chính biên thì ghi khá chi tiết: “Khâm phái Nguyễn Đăng Hành đánh giặc ở Đông Hồ (thuộc phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), bị chết trận (TG. nhấn mạnh). Đăng Hành là con Đăng Giai (người Quảng Bình, đỗ đồng tiến sĩ), nguyên thự Bố chính Khánh Hòa, mộ lính dõng theo đi quân thứ Nam đạo. Kịp khi nghị hòa; sai đi đánh miền Bắc, coi những lính dõng đã mộ ở Quảng Bình, Thanh Hóa, liền thắng được 13 trận, đến đây tiến đi trước không có quân cứu viện, bị chết trận”.
- Nguyễn Đăng Hành bị chết trận ở Đông Hồ, nhưng không được chôn cất hay vứt xác ở khu vực nay có miếu Nghè Hành (ở xã Đại Đồng Thành) như tương truyền. Về việc này, sách Đại Nam thực lục chính biên ghi rõ: “Vua thương (Nguyễn Đăng Hành - TG) lắm, truy tặng cho chức Bố chính sứ, cấp thêm cho một cây gấm Trung Quốc, 3 tấm lụa, 10 tấm vải, đem về chôn ở làng” (TG. nhấn mạnh).
4. Tạm kết
4.1. Tác giả bài viết này, từ việc đi điền dã, rồi dò tìm trong sử sách trong nhiều năm và cũng hết sức “gặp may mắn” nữa, đã dần nhận ra sự thực/cốt lõi lịch sử được ẩn chứa trong câu chuyện cùng một số di tích có liên quan đến sự biến ở làng Lạc Thổ năm xưa. Theo đó, trước hết có thể khẳng định, có ít nhất là 02 sự kiện lịch sử chính ẩn chứa trong câu chuyện, bài vè cùng một số di tích có liên quan nói trên: 1) Cuộc chiến giữa liên quân của Trịnh Bồng cùng một số tướng lĩnh, thổ hào và nhân dân vùng Quế Võ, Thuận Thành nói riêng, Bắc Ninh nói chung, với quan quân triều đình nhà Lê, do Nguyễn Hữu Chỉnh cầm đầu, trong khoảng thời gian cuối năm 1786, đầu năm 1787. Trong cuộc chiến này, Lạc Thổ - Đông Hồ là một địa bàn diễn ra những trận đánh lớn. Tại đây, Khánh Đức hầu - viên tướng coi quản đạo quân Vũ Thành (quân đội do Nguyễn Hữu Chỉnh lập ra và tự đặt tên) đã bị bắn chết tại trận; 2) Cuộc chiến giữa nghĩa quân Cai Vàng với quan quân triều đình, vào năm 1862, trong đó có trận chiến ở Lạc Thổ - Đông Hồ, với sự kiện viên quan “thự (quyền) Bố chánh Khánh Hòa” Nguyễn Đăng Hành (tức Nghè Hành) tử trận.
Như thế, điều thú vị được nhận ra ở đây là: 02 sự kiện “có thật” trong lịch sử, trong đó sự kiện thứ nhất diễn ra vào cuối năm 1786, đầu năm 1787, tức là cách ngày nay xấp xỉ 230 năm, sự kiện thứ hai diễn ra vào năm 1862, tức là diễn ra sau sự kiện thứ nhất gần 80 năm và cách ngày nay gần 150 năm, đã được hòa trộn/phản ánh khá nhuần nhuyễn, hợp lý, nên rất khả tín, trong một truyền thuyết, cùng một bài vè, và được “chứng thực” qua một số di tích liên quan. Theo đó, tôi cho rằng, trên đường dò tìm mối liên hệ giữa ngữ văn dân gian và di tích lịch sử, văn hóa với sự thực lịch sử, đây là một trường hợp nghiên cứu cho ta những kinh nghiệm/bài học ít nhiều bổ ích.
4.2. Qua trường kỳ lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, các thế hệ đi trước đã để lại cho hôm nay một kho tàng di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể vô cùng đồ sộ, quý giá. Sẽ còn biết bao sự thực lịch sử được chứa đựng, chuyển mang trong/từ kho tàng di sản văn hóa đồ sộ ấy cần được và dĩ nhiên, rất có cơ sở, tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ. Trên hành trình hẳn nhiều khó khăn, nhưng hết sức thú vị đó, bài viết này, nếu có thể, xin được xem như một gợi nghĩ./.
Theo Nguyễn Hữu Toàn
(Tạp chí Di Sản)