PGS. TS Đặng Văn Bài
Phó Chủ tịch Hội DSVHVN
Lời mở đầu
Hàng chục năm qua, cùng với nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng như ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã dấn thân vào quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, đặc biệt là nhắm đến “nền kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa”. Bên cạnh những mặt tích cực, những thành tựu đáng ghi nhận về kinh tế – xã hội, chúng ta còn phải đối mặt với “những khoảng tối” do toàn cầu hóa gây ra như: Bản sắc văn hóa bị xói mòn, đạo đức xã hội, các giá trị văn hóa truyền thống bị suy thoái v.v… Đặc biệt nguy hiểm là hiện tượng phân hóa giàu nghèo giữa một bên là số ít người trở nên giàu sụ (không ít trong số đó là bất minh) và bên kia là sự tha hóa của số đông người còn lại trong xã hội (và phải kể tới cả sự phân hóa giữa các nhóm quốc gia giàu nghèo). Và còn có một nguy cơ nhãn tiền là: bằng cơn lũ hàng hóa tiêu dùng, các nước phát triển có thể áp đặt các tiêu chuẩn văn hóa của mình cho các nước chưa hoặc đang phát triển. Từ đó, đặt ra yêu cầu phải bảo tồn di sản văn hóa dân tộc để hòa nhập mà không hòa tan, mỗi quốc gia dân tộc phải vận dụng sáng tạo nội dung các Công ước quốc tế để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và từng bước xây dựng hệ thống lý thuyết về bảo tồn di sản văn hóa. Có thể coi đây là cơ sở pháp lý và khoa học cho việc hình thành “triết lý bảo tồn di sản văn hóa” của riêng mình. Trong một thế giới hội nhập và biến đổi liên tục, việc bảo tồn di sản văn hóa cho thế hệ tương lai cần được quan niệm rộng hơn với tầm nhìn xa hơn và năng động hơn nhằm tạo lập sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, giữa quốc tế và dân tộc, truyền thông và hiện đại.
1. Nhận thức đúng đắn về di sản văn hóa là tiền đề khoa học cho các hoạt động bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa.
Chúng tôi muốn xuất phát từ hai định nghĩa cốt lõi: Một của UNESCO – Tổ chức có uy tín trên thế giới về Văn hóa, Giáo dục và Khoa học, một là định nghĩa từ Luật Di sản văn hóa Việt Nam để trao đổi quan điểm, nhận thức về di sản văn hóa theo hướng tiếp cận hiện đại.
Theo UNESCO, “Văn hóa là tổng thể sống động sáng tạo của con người diễn ra trong quá khứ cũng như đang diễn ra trong hiện đại. Qua hàng thế kỷ, hoạt động sáng tạo ấy đã hình thành một hệ thống các giá trị truyền thống, thị hiếu thẩm mỹ và lối sống mà dựa trên đó từng dân tộc khẳng định bản sắc riêng của mình”.
Theo Điều 4 Luật Di sản văn hóa 2001, được sửa đổi, bổ sung 2009, di sản văn hóa được hiểu:
- Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu giữ bằng trí nhớ, chữ viết, được lưu truyền bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức lưu giữ, lưu truyền khác, bao gồm tiếng nói, chữ viết, tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học, ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian, lối sống, nếp sống, lễ hội, bí quyết về nghề thủ công truyền thống, tri thức về y, dược học cổ truyền, về văn hóa ẩm thực, về trang phục truyền thống dân tộc và những tri thức dân gian khác (Khoản 1 Điều 4).
- Di sản văn hóa vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, bao gồm di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia (Khoản 2 Điều 4).
Từ hai định nghĩa then chốt nêu trên, chúng ta thấy rõ những nét đặc trưng cơ bản của di sản văn hóa như sau:
- Di sản văn hóa biểu hiện/phản ánh khả năng sáng tạo của con người/loài người trong suốt quá trình tồn tại và phát triển.
- Di sản văn hóa là những sản phẩm sáng tạo của con người được lưu truyền – chọn lọc – tích hợp – “trưng cất” qua nhiều đời nên hàm chứa những giá trị quý giá về lịch sử, văn hóa và khoa học. Và UNESCO nhấn mạnh tới một hệ thống các giá trị được tích hợp, “vật chất” hóa trong di sản chứ không phải chỉ là những giá trị đơn lẻ tách biệt. Chúng ta phải nhìn nhận hệ thống các giá trị đó như những bài học lịch sử, bài học làm người, đồng thời sử dụng và phát huy các giá trị vật chất và tinh thần mà ta đang thừa hưởng sao thật hữu ích cho nhân quần trong xã hội.
- Di sản văn hóa đến từ quá khứ nhưng không đơn thuần chỉ là quá khứ mà phải mang hơi thở của thời đại, phải thực sự trở thành một phần hữu cơ của đời sống đương đại. A.A.Radughin đã rất đúng khi khẳng định “xu hướng hiện đại của việc suy ngẫm lại vai trò và ý nghĩa di sản văn hóa là ở chỗ, không chỉ cố gắng gìn giữ di sản đó ở dạng ban đầu mà còn phải nỗ lực gắn di sản đó vào nền móng của đời sống xã hội. Tức là bản thân quá trình lịch sử của văn hóa nghệ thuật xuất hiện ở đây không chỉ như quá trình bảo toàn quá khứ và tích lũy các giá trị văn hóa, mà còn như quá trình phát triển cái mới trong cái cũ”1.
Theo cách hiểu như thế thì di sản văn hóa cũng là một phần sản phẩm của thực tại, được tạo ra bởi cảm nhận về các giá trị của quá khứ trong sự lo toan, trăn trở của nhân loại về hiện tại và tương lai. Tôi cho đây là một luận đề quan trọng đáng để chúng ta suy ngẫm khi bàn về mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển.
- Trong kho tàng di sản văn hóa của mỗi dân tộc xét ở tầm vĩ mô, di sản văn hóa quan trọng vào bậc nhất chính là không gian sinh tồn/lãnh thổ của mỗi quốc gia, cái mà ngày nay chúng ta gọi là Tổ quốc. Theo Từ điển Tiếng Việt của Khoa học Xã hội Việt Nam năm 1992: “Tổ quốc là đất nước, được bao đời trước xây dựng và để lại, trong quan hệ với những người dân có tình cảm gắn bó với nhau” (cả vật chất lẫn tinh thần). Còn theo định nghĩa của Wikipedia: “Quốc gia là một khái niệm địa lý và chính trị, trừu tượng về tinh thần, tình cảm và pháp lý, để chỉ về một lãnh thổ có chủ quyền, một chính quyền và những con người của các dân tộc có trên lãnh thổ đó; họ gắn bó với nhau bằng luật pháp, quyền lợi, văn hóa, tôn giáo, ngôn ngữ, chữ viết qua quá trình lịch sử lập quốc, và những con người chấp nhận nền văn hóa cũng như lịch sử lập quốc đó cùng chịu sự chi phối của chính quyền, và, họ cùng nhau chia sẻ quá khứ cũng như hiện tại và cùng nhau xây dựng một tương lai chung trên vùng lãnh thổ có chủ quyền”.
Như vậy lãnh thổ quốc gia, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia do nhiều đời xây dựng (sáng tạo ra) và để lại cũng hàm chứa nhiều giá trị cốt lõi của từng quốc gia dân tộc. Vậy bản thân lãnh thổ quốc gia / không gian sinh tồn của cả dân tộc là loại hình di sản văn hóa đáng trân quý nhất. Hơn nữa, lãnh thổ quốc gia – hàm chứa trong lòng nó tất cả các loại hình di sản văn hóa. Di sản văn hóa – hàm chứa các mặt giá trị truyền thống. Giá trị truyền thống – hàm chứa sức mạnh trường tồn của một dân tộc trong quá khứ và sẽ tiếp tục có ích cho dân tộc đó trong hiện tại. Do đó, muốn tồn tại và phát triển lâu dài phải bảo vệ bằng mọi giá nền độc lập tự chủ dân tộc và chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia vì trong đó có kho tàng di sản văn hóa quý giá của cha ông được truyền qua nhiều đời. Vậy Tổ quốc chính là sự hình tượng hóa cái đất nước cụ thể mà chúng ta đã từng được sinh ra, lớn lên và hiện đang sinh sống ở đó. Và Tổ quốc cũng là yếu tố “thiêng liêng nhất” cho mỗi con người bởi nó hàm chứa giá trị yêu nước và tinh thần cố kết cộng đồng. Có thể coi đây là mặt giá trị tiêu biểu nhất trong hệ thống các giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam cần được quan tâm bảo vệ và phát huy.
Trong tư duy theo kiểu cũ, các nhà nghiên cứu chỉ quan tâm chủ yếu tới 3 nguồn vốn phục vụ cho phát triển là: tài sản xã hội, máy móc, thiết bị, tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái, nguồn nhân lực, kiến thức, kỹ năng v.v… Gần đây các nhà khoa học đã đưa ra cách tiếp cận hiện đại hơn về vốn phát triển và bắt đầu quan tâm tới Văn hóa – di sản văn hóa với tư cách là nguồn vốn không thể thiếu cho phát triển bền vững hay phát triển cân đối. Trong bài viết cho “Tia sáng” số Xuân 2003, Trần Hữu Dũng nêu rõ những đóng góp to lớn của di sản văn hóa với tư cách là “nguồn vốn văn hóa” cho phát triển:
- Giá trị văn hóa có khả năng bổ sung làm tăng giá trị kinh tế của một sản phẩm văn hóa.
- Giá trị văn hóa góp phần xây dựng nhân cách, điều chỉnh hành vi con người làm cho nguồn nhân lực xã hội có giá trị cao hơn, đóng góp cho phát triển.
- Vốn văn hóa là một bộ phận cấu thành môi trường xã hội lành mạnh – yếu tố không thể thiếu trong phát triển.
- Một sản phẩm có hàm lượng văn hóa, trí tuệ càng cao thì giá bán (giá thương phẩm) cùng tăng.
Có thể nói, đây là cách tiếp cận hiện đại về kinh tế học trong di sản văn hóa. Hiệp hội Liên Châu Âu về bảo tồn di sản văn hóa (Europa Nostra) đã đưa ra một số tiêu chí nhằm lượng hóa giá trị kinh tế trong di sản văn hóa:
- Tạo công ăn việc làm và thu nhập cho các hộ gia đình nơi có di sản qua phát triển du lịch (ở Việt Nam rõ nét nhất là Hội An và Tràng An).
- Khả năng di sản tạo ra giá trị giải trí cho cộng đồng.
- Giá trị tạo ra từ du lịch (loại tài nguyên du lịch đặc biệt).
- Tạo ra giá trị gia tăng từ bất động sản.
- Thúc đẩy và mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Với kinh tế hỗ trợ duy trì và bảo tồn di tích ở bờ Tây Palestine của Tổ chức phát triển quốc tế của Thụy Điển chứng minh là: Dự án 100.000 USD sẽ tạo ra từ 3.000-3.500 ngày công lao động, nếu tỷ lệ lao động đóng góp cho dự án là 70%.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng đưa ra một dẫn chứng cụ thể ở Bang Tennessee: 1 triệu USD đầu tư vào công nghiệp chế tạo đưa lại 28,8 việc làm cho ngành xây dựng mới tạo ra 36,1 việc làm, còn phục dựng, tu bổ tòa nhà lịch sử tạo ra 40 việc làm. 1 triệu USD đầu tư cho công nghiệp chế tạo mang lại 604.000 USD cho hộ gia đình, ngành xây dựng mới đưa lại 764.000 USD, còn Bảo tồn di sản văn hóa đưa lại được 826.000 USD – một con số vượt trội.
Người ta còn chứng minh giá đất ở các Khu di sản luôn cao hơn giá đất trên thị trường, thậm chí khi giá đất trên thị trường đóng băng thì giá đất ở các khu di sản vẫn tăng.
Như vậy có thể nói, chúng ta nên tiếp cận di sản văn hóa không chỉ từ góc nhìn giá trị phi vật thể (tinh thần) mà còn phải quan tâm tới khía cạnh kinh tế học trong di sản văn hóa. Và do đó việc nhận diện đúng đắn giá trị di sản văn hóa cũng như tổ chức các hoạt động thực tiễn làm cho giá trị di sản trở nên có ích, gần gũi và đáp ứng nhu cầu của đông đảo công chúng toàn xã hội, trong đó có yêu cầu phát triển bền vững là phương thức tích cực nhất trong lý thuyết bảo tồn di sản văn hóa nhằm tạo lập sự cân bằng, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển trong giai đoạn toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
2. Bảo tồn di sản văn hóa phải phục vụ thiết thực cho các mục tiêu phát triển bền vững
2.1. Về mặt nhận thức, phát triển bền vững được hiểu là: khả năng phát triển kinh tế liên tục và lâu dài mà không làm cạn kiệt, không gây hậu quả tai hại tới môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa – xã hội. Mục tiêu đó quy định, trong quá trình phát triển, chúng ta cùng một lúc/đồng thời quan tâm tới việc duy trì, tái tạo, bảo vệ và phát huy hai loại tài nguyên/hai nguồn vốn của phát triển là thiên nhiên và văn hóa.
Trước hết phải xác định rõ mục tiêu mang tính chiến lược là tạo ra hành lang pháp lý cần thiết và những giải pháp tổng hợp, liên ngành phù hợp làm cho di sản văn hóa đáp ứng một cách tích cực nhất những nhu cầu của phát triển theo hướng:
- Đóng góp vào việc giáo dục, hình thành nhân cách, điều chỉnh hành vi con người nhằm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng về mặt thể chất và trí tuệ đồng thời có ý thức trách nhiệm cao với cộng đồng xã hội.
- Tạo môi trường văn hóa – xã hội lành mạnh làm cơ sở vững chắc cho việc thu hút các nguồn đầu tư trong nước và quốc tế, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế.
- Vận dụng sáng tạo cách tiếp cận kinh tế học trong di sản văn hóa để biến di sản từ tài nguyên, nguồn vốn văn hóa thành sản phẩm du lịch chất lượng, điểm đến du lịch hấp dẫn có khả năng khai thác lâu dài, bán được nhiều lần cho nhiều loại du khách (khu di tích Huế, khu phố cổ Hội An, Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội v.v… là những ví dụ rất điển hình).
Mối quan hệ khăng khít giữa bảo tồn và phát triển đòi hỏi tính đồng bộ tức là tạo cơ chế và điều kiện để các giải pháp được gắn kết lại, có tác động thúc đẩy lẫn nhau nhằm đạt tới mục tiêu chung : văn hóa tạo môi trường xã hội lành mạnh cho phát triển; kinh tế tạo cơ sở vật chất, kỹ thuật cho sáng tạo văn hóa; kinh tế và văn hóa gắn bó chặt chẽ để cùng phục vụ sự tiến bộ xã hội, phục vụ con người.
2.2. Các di tích lịch sử – văn hóa, các bảo tàng hàm chứa những “không gian văn hóa” hội tụ đầy đủ các điều kiện để thực hiện chức năng của một trung tâm giáo dục lịch sử và văn hóa/trung tâm giáo dục “không giảng đường” phục vụ cho nhu cầu học tập suốt đời của con người.
Giáo dục là một hiện tượng xã hội đặc trưng của loài người. Đó là phương thức hữu hiệu nhất đảm bảo cho nhu cầu kế thừa văn hóa và phát triển nhân cách cho các thành viên xã hội. Hiểu một cách đơn giản, giáo dục là quá trình liên tục trao truyền và lĩnh hội kinh nghiệm sống, tri thức/“túi khôn” giữa các thế hệ con người. Thế hệ trước thông qua hoạt động sống tác động vào thế giới khách quan, tìm hiểu, nhận thức ngày càng thấu đáo về nó, tích lũy kinh nghiệm sống để lao động, sản xuất và sáng tạo văn hóa. Tiếp theo là trao truyền lại kinh nghiệm, tri thức, bài học lịch sử mà mình đã tích lũy cho thế hệ sau thông qua di sản văn hóa được biểu hiện dưới dạng các giá trị văn hóa truyền thống. Các thế hệ sau trân trọng kế thừa, học hỏi kinh nghiệm sống của các thế hệ trước và vận dụng sáng tạo để giải quyết các vấn đề cấp bách mang tính thời sự do cuộc sống đương đại đặt ra. Trên cơ sở các hoạt động đó, họ tiếp tục sáng tạo ra các sản phẩm văn hóa mới, kinh nghiệm mới bổ sung các giá trị văn hóa mới, tích lũy rồi trao truyền lại cho thế hệ sau. Do đó, sứ mệnh vẻ vang đặt ra cho những người hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn di tích là phải duy trì “gen di truyền văn hóa” một cách thông minh nhất, bền vững nhất bằng cách sử dụng và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa dưới hình thức các Trung tâm giáo dục trực quan sinh động về lịch sử và văn hóa (giao tiếp, trải nghiệm và tương tác văn hóa cho cộng đồng). Với những phương thức hoạt động sáng tạo như vậy, chắc chắn di sản văn hóa sẽ có tác dụng tích cực vào việc “kích thích” lòng ham muốn, tình yêu lịch sử và văn hóa dân tộc cho các thế hệ trẻ, đồng thời phần nào hạn chế hiện tượng lệch chuẩn về văn hóa và mức độ suy thoái về đạo đức đang diễn ra trong cộng đồng xã hội.
Nhà bác học kiệt xuất Anbe Anhxtanh đã nhận xét rất xác đáng “Là một sự thiếu sót nếu chỉ dạy cho con người một ngành chuyên môn. Bằng cách đó anh ta trở thành một loại máy có thể sử dụng được. Nhưng quan trọng là anh ta phải có một cảm giác sinh động về cái gì đáng giá để phấn đấu, về cái gì đẹp và tốt về mặt đạo lý. Nếu không anh ta với kiến thức chuyên môn hoá sẽ giống như một con chó được huấn luyện tốt, hơn là một con người phát triển hài hoà. Anh ta phải hiểu biết về động cơ của con người, những ảo tưởng và đau khổ của họ, để có được một thái độ đúng với người đồng loại và với cộng đồng”2. Đây là ý kiến đầy chất nhân văn do một nhà bác học có uy tín phát biểu từ nhiều chục năm trước nhưng vẫn còn nguyên giá trị ứng dụng cho thế hệ chúng ta hôm nay. Đây cũng là nội dung giáo dục mà chúng ta cần chuẩn bị cho thế hệ trẻ đủ kiến thức và kỹ năng sống để tham gia một cách đầy đủ và có hiệu quả vào đời sống xã hội đầy biến động trong thời kỳ toàn cầu hóa.
Giáo dục di sản thực chất là phổ biến kiến thức, giáo dục các giá trị văn hóa được kết tinh trong di sản văn hóa, làm cho các “tinh chất” văn hóa được chắt lọc qua hàng ngàn năm dựng nước và giữa nước của cha ông ta. Có thể hiểu “giá trị là quan niệm về cái có ý nghĩa, được cộng đồng xã hội chọn, cùng nhau chia sẻ, tôn vinh. Đối với mỗi thành viên trong nhóm, giá trị là cái đáng ước ao, cần phải ước ao và khi đạt được sẽ bừng nở, thăng hoa tinh thần. Chính vì vậy, thực thi giá trị có tác dụng điều tiết đối với hoạt động của con người, tìm hiểu giá trị giúp ta tiếp cận với các động lực ẩn tàng trong đời sống xã hội”3. Từ đó suy ra, giá trị văn hóa truyền thống cần được nhìn nhận theo một tinh thần mới nhằm biến những giá trị từ quá khứ thành hợp phần hữu cơ của xã hội hiện đại, đáp ứng có hiệu quả với yêu cầu phát triển bền vững.
Bàn tới vấn đề giáo dục di sản – thông qua di sản văn hóa để kế thừa và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, chúng ta cần thấm nhuần luận điểm quan trọng nhất trong “Lời kêu gọi” do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trên Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam ngày 17/7/1966 là “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Cần phải coi đây là tư tưởng, là lẽ sống của cả dân tộc mà Bác là người đại diện tiêu biểu nhất cho toàn thể nhân dân đã đúc kết, khái quát và khẳng định. Không những thế, luận điểm này còn được thừa nhận như là một chân lý thời đại mang tính phổ quát toàn nhân loại. Không bao giờ và không thể nào có hạnh phúc và phồn vinh khi cả dân tộc không có độc lập và người dân không có tự do. Vì thế, giáo dục di sản văn hóa phải hướng vào việc tạo ra và củng cố sức mạnh liên kết và thống nhất cộng đồng. Đây là “điểm tựa tinh thần “ quan trọng mà hàng ngàn năm qua đã trợ giúp chúng ta bảo vệ vững chắc chủ quyền độc lập dân tộc và sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia/không gian sinh tồn của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Với tư cách một thiết chế văn hóa đặc thù, các di tích lịch sử - văn hóa (mà đa phần có liên quan tới các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng) bao giờ cũng hàm chứa hạt nhân văn hóa – hạt nhân tâm linh (tính thiêng) có tác dụng duy trì cấu trúc xã hội, củng cố tính cộng đồng/tạo ra mẫu số chung cho tính bền vững cộng đồng ở các mặt: cùng có mục đích chung, cùng động cơ, cùng ý chí chung, cùng chia sẻ lợi ích và tự giác cùng chung tay hành động vì sự phát triển và tiến bộ của cộng đồng. Đó cũng là nền tảng tạo ra sự đồng thuận trong cộng đồng – yếu tố quan trọng cho phát triển bền vững.
Đến đây có thể tạm kết luận, di sản văn hóa phải được bảo vệ trên nguyên tắc dựa hẳn vào cộng đồng, phát huy tính tự quản, tự giác và chủ động của cộng đồng trong xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc nói chung cũng như bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói riêng. Mục tiêu đổi mới tư duy để xây dựng mô hình lý thuyết bảo tồn di sản văn hóa đặt yêu cầu cơ bản: thông qua các tổ chức quần chúng tự nguyện để giữ gìn, phát huy di sản văn hóa cũng như phát triển cộng đồng; giáo dục về nhận thức, niềm tin, định hướng giá trị, tinh thần vì cộng đồng để tạo ra sự đồng thuận xã hội – cơ sở của việc đoàn kết và liên kết xã hội; xử lý hài hòa lợi ích và trách nhiệm giữa cá nhân và cộng đồng, giữa các cơ quan quản lý di sản văn hóa, các nhà khoa học, các doanh nghiệp và cộng đồng./.
Đ.V.B
Tài liệu tham khảo:
1. A.A.Radughin. Văn hóa học – Những bài giảng. Viện Văn hóa Thông tin, Hà Nội 2004, tr.646.
2. Anbe Anhxtanh. Thế giới như tôi đã thấy. Đinh Bá Thanh, Nguyễn Vũ Hào, Trần Cao Tiến Dũng dịch, NXB Tri thức, Hà Nội 2006, tr.23.
3. GS.TS Ngô Đức Thịnh chủ biên. Những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2010, tr.57.