Đang tải... Vui lòng chờ...

Bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích nhà Trần - Đông Triều

Đông Triều là vùng thánh địa thiêng liêng mang đậm yếu tố lịch sử, văn hóa đặc sắc, nơi quê gốc nhà Trần. Các di tích đời Trần trên đất Đông Triều nối liền với quần thể Di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử (Uông Bí), tạo nên hệ thống di tích về hành trình tu hành và hóa Phật của Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông.Quần thể khu di tích nhà Trần ở Đông Triều ở phía Nam dãy núi Đông Triều thuộc địa bàn 4 xã: An Sinh, Bình Khê, Thủy An và Tràng An đã được Nhà nước đặc cách xếp hạng cấp quốc gia từ năm 1962. Quy hoạch khu di tích nhà Trần bao gồm 14 điểm di tích: Đền An Sinh, lăng Tư Phúc, đền Thái, Thái Lăng, Mục Lăng, Ngải Sơn Lăng, Phụ Sơn Lăng, Nguyên Lăng, Đồng Hỷ Lăng, chùa Ngọc Thanh, chùa Ngọa Vân, chùa Tuyết, chùa Quỳnh Lâm và chùa Hồ Thiên.

 Tượng đồng phật hoàng Trần Nhân Tông

Tượng đồng phật hoàng Trần Nhân Tông

Nhận thức được giá trị khu di tích, trong thời gian qua, huyện Đông Triều đã nỗ lực tuyên truyền, quảng bá cũng như đẩy mạnh công tác trùng tu, tôn tạo để bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích Quốc gia đặc biệt này. Ngày càng phát huy giá trị di tích trong đời sống ngày nay.

Nhà Trần là một trong những triều đại vang danh bậc nhất trong lịch sử dựng nước, giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc ta. Những thành tựu rực rỡ của nhà Trần còn để lại dấu tích ở một số nơi như Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội), Thành Nhà Hồ (Thanh Hoá), Tức Mặc (Nam Định), Tam Đường (Thái Bình), Yên Tử, Bạch Đằng, Đông Triều và Thương cảng Vân Đồn (Quảng Ninh).

Ngải Sơn Lăng nơi an táng linh cữu vua Trần Hiến Tông (1319- 1341).

Ngải Sơn Lăng nơi an táng linh cữu vua Trần Hiến Tông (1319 - 1341)

Nhưng không ở đâu, các di tích Trần lại phong phú, đậm đặc và còn nhiều dấu tích dưới lòng đất như ở Đông Triều. Đây là vùng thánh địa linh thiêng mang đậm yếu tố lịch sử, văn hoá đặc sắc, nơi quê gốc nhà Trần. Các di tích nằm ở phía Nam dãy núi Đông Triều thuộc địa bàn 4 xã An Sinh, Bình Khê, Thuỷ An và Tràng An, Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần là quần thể di tích lăng mộ, đền, chùa, am tháp với 14 di tích trải rộng.
Theo quy hoạch, khu di tích nhà Trần có phạm vi 11.095 ha, quy mô quy hoạch tổng thể là 2.206 ha bao gồm 14 điểm di tích: Đền An Sinh, lăng Tư Phúc, đền Thái, Thái Lăng, Mục Lăng, Ngải Sơn Lăng, Phụ Sơn Lăng, Nguyên Lăng, Đồng Hỷ Lăng, chùa Ngọc Thanh, chùa Ngọa Vân, chùa Tuyết, chùa Quỳnh Lâm và chùa Hồ Thiên.
Với những giá trị lịch sử - văn hoá nổi bật, khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều đã được Bộ Văn hóa, Thông tin có Quyết định số 313 VH/QĐ xếp hạng Đền và Lăng mộ các vua Trần là di tích lịch sử văn hóa Quốc gia ngay từ năm 1962 và mới đây ngày 09/12/2013, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 2383/QĐ-TTg xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt đối với Di tích lịch sử Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều. Để bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích này trước đó, ngày 07/02/2013, đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 307/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy khu di tích lịch sử Nhà Trần tại Đông Triều.

Lễ khởi công xây dựng chùa Ngọa Vân năm 2014

Lễ khởi công xây dựng chùa Ngọa Vân năm 2014

Theo đánh giá của PGS-TS Tống Trung Tín, Viện Trưởng Viện Khảo cổ học thì khu di tích nhà Trần tại đây có 3 giá trị nổi bật. Trước hết, đây là nơi có các dấu tích chùa tháp độc đáo qua suốt các thời kỳ Lý - Trần - Lê với đóng góp to lớn vào việc hình thành và phát triển tông phái Trúc Lâm, tông phái Phật giáo thuần Việt duy nhất, phát triển thành công nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Đặc biệt, chùa Ngoạ Vân có am Ngoạ Vân chính là nơi Trần Nhân Tông hoá Phật, cũng là vị vua Phật, Tổ Phật đầu tiên và duy nhất của Việt Nam.

Am Ngọa Vân

Am Ngọa Vân

Trải qua thời gian và thăng trầm của lịch sử, khu di tích lịch sử - văn hoá này đã bị xuống cấp. Nhận thức sâu sắc giá trị lịch sử văn hóa tinh thần của Khu di tích  và đánh thức vùng đất cổ này, huyện Đông Triều đã chủ động, tích cực phối hợp với các ban, ngành, Giáo hội phật giáo tỉnh Quảng Ninh và các bộ, ngành Trung ương để huy động nguồn xã hội hoá cho việc đầu tư các điểm di tích lớn,  trong công tác quảng bá, bảo tồn, trung tu, tôn tạo di tích như: Tiến hành phục dựng đền An Sinh, lăng vua Trần Hiến Tông, Tháp, nhà bia chùa Hồ Thiên và huy động xã hội hoá phục dựng 2 tháp cổ (Phụng Phật tháp và Viên Mãn Chân giác thiền sư tháp) tại khu vực Thông đàn từ những năm trước đây; gần đây nhất đã khởi công xây dựng chùa Ngoạ Vân với tổng kinh phí trên 80 tỷ đồng.

Cùng với đó, để triển khai quy hoạch tổng thể khu di tích này, huyện Đông Triều đã phối hợp để khai quật khảo cổ các di tích, tạo tiền đề cho việc trùng tu, phục dựng di tích như: Thái lăng, lăng Tư Phúc, Phụ Sơn lăng, Nguyên lăng và một số điểm di tích Chùa Quỳnh Lâm, Ngoạ Vân, Đền Thái... và chuẩn bị Lễ khởi công xây dựng đền Thái với mức đầu tư giai đoạn 1 trên 53 tỷ đồng (khởi công vào ngày 13/9/2014). Đồng thời, Đông Triều đã tích cực huy động xã hội hoá ở địa phương để đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông vào các điểm di tích. Đặc biệt, con đường từ hồ Trại Lốc vào cụm di tích Ngoạ Vân tạo thuận lợi cho du khách về hành hương, chiêm bái...

Thái Lăng nơi thờ tự vua Trần Anh Tông - được trung tu tôn tạo hoàn thành năm 2013.

Thái Lăng nơi thờ tự vua Trần Anh Tông - được trung tu tôn tạo hoàn thành năm 2013.

Khu di lịch sử nhà Trần ở Đông Triều là tài sản vô giá trong kho tàng di sản văn hoá lâu đời của dân tộc ta, là những chứng tích vật chất phản ánh sâu sắc nhất về đặc trưng văn hoá, về cội nguồn và truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước hào hùng, vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Đồng thời là một bộ phận cấu thành kho tàng di sản văn hoá nhân loại. Với tất cả những điều đó, tin rằng không còn lâu nữa, những người hành hương về nơi quê gốc nhà Trần ở Đông Triều, sẽ tự hào hơn về một biểu tượng giá trị tinh thần của người Việt Nam, đó là giá trị tinh thần của Thiền phái Trúc Lâm ... Đây là nguồn nội lực chứa đựng nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế du lịch của Đông Triều và của cả tỉnh Quảng Ninh trước mắt cũng như lâu dài theo hướng phát triển từ "Nâu" sang " Xanh".

Nguồn: sưu tầm

Minh Thu

In văn bản

Dự án sắp tới
Ca trù - sự phối hợp đỉnh cao của thi ca và âm nhạc
Ca trù - sự phối hợp đỉnh cao của thi ca và âm nhạc

Ca trù từng là một loại ca trong cung đình được giới quý tộc và tri thức yêu mến, đây là sự phối hợp đỉnh cao giữa âm nhạc và thi ca...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh kiểm tra công tác chuẩn bị Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt tại Đông Triều
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh kiểm tra công tác chuẩn bị Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt tại Đông Triều

Chiều ngày 11/9, Đ/c Vũ Thị Thu Thủy, phó Chủ tịch UBND Quảng Ninh đi kiểm tra tiến độ công tác chuẩn bị tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt tại Đông Triều

Thành Cổ Quảng Trị
Thành Cổ Quảng Trị

Thành Cổ Quảng Trị một tòa thành nằm bên dòng sông Thạch Hãn, đây được coi là nghĩa trang không nấm mồ, là ngôi mộ chung của những người lính Thành Cổ đã ngã xuống vì quê hương vì sự hòa bình thống nhất đất nước.