Đang tải... Vui lòng chờ...
EN VI

Hội thảo khoa học "Giá trị khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Nhà Trần tại Đông Triều"

 Chiều 13/9, UBND huyện Đông Triều tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Sở VHTT&DL và Hội Khảo cổ học Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giá trị khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Nhà Trần tại Đông Triều”.

Tham dự hội thảo có các bà Vũ Thị Thu Thuỷ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; GS Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; GS.TSKH Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, cùng lãnh đạo các bộ, ngành của Trung ương và nhiều nhà khoa học...

cuộc hội thảo

Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều cơ quan quản lý văn hóa TW và địa phương, các nhà khoa học, nhà khảo cổ trong và ngoài nước

Hội thảo đã nhận được 15 bài tham luận từ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa trong và ngoài nước. Nội dung các tham luận tập trung làm rõ 2 nội dung chính, đó là khẳng định giá trị khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều cũng như vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích đặc biệt này. Một số nội dung tại hội thảo đã nhận được sự quan tâm chú ý lớn như: Đông Triều – một trong ba trung tâm văn hóa tiêu biểu của nước Đại Việt thời Trần; Giá trị của di sản nhà Trần ở Đông Triều dưới góc độ lịch sử; Khu di tích Yên Tử - Ngọa Vân – Hồ Thiên cõi Phật trời Nam; Ngọa Vân – Thánh địa của Phật giáo Trúc Lâm: Kết nối di sản văn hóa quốc gia đặc biệt ở Đông Triều với các di sản văn hóa ở Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh...

 Bên cạnh đó, nhiều tham luận cũng phân tích về vị thế của Đông Triều trong chiến thắng Bạch Đằng năm 1288; sự phát triển của đạo giáo tại khu vực Đông Triều thời Trần; phân tích, đánh giá sâu về giá trị các điểm di tích cụ thể trong KDT, như: Đền Thái, Ngoạ Vân, Hồ Thiên, chùa Quỳnh Lâm, quán Ngọc Thanh...

GS Phan Huy Lê

Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học - Lịch sử Việt Nam kết luận, đánh giá về kết quả hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, GS Phan Huy Lê nhấn mạnh, buổi hội thảo lần này được tổ chức mang tính chất tổng quát trên cơ sở những nghiên cứu đã được thực hiện trước đây, tập trung vào phạm vi, giá trị cũng như hướng bảo tồn đối với khu di tích. Khu vực An Sinh, Đông Triều chứa đựng hai hệ thống di tích, phản ánh hai giá trị tiêu biểu nhất của nhà Trần. Đây là nơi tập trung nhất lăng mộ nhà Trần, đền miếu cùng hệ thống các am, chùa, tháp  là trung tâm của Thiền phái Trúc Lâm. Cùng với hai hệ thống này, hội thảo cũng nêu lên những điểm mới, đó là nghệ thuật kiến trúc và những di vật được phát hiện thông qua quá trình khai quật khảo cổ học tại các điểm di tích thuộc Khu di tích lịch sử Đông Triều; vai trò của Đông Triều trong chiến thắng Bạch Đằng 1288.

Bên cạnh đó, các ý kiến trong hội thảo cũng bổ sung thêm về giá trị các di tích gắn liền với giá trị về mặt kiến trúc, đặc biệt là kiến trúc của đền Thái - Thái miếu. Vì vậy, Đông Triều cũng là một trung tâm về kiến trúc, nghệ thuật tiêu biểu của nhà Trần với các mặt bằng kiến trúc tiêu biểu, rất giá trị đời nhà Trần. Đáng chú ý nữa là ý kiến của nhà nghiên cứu người Nhật Onishi Kazuhiko về sự phát triển của đạo giáo tại Đông Triều, về việc Đông Triều có thể là nơi du nhập đạo giáo đầu tiên của Việt Nam.

nhà khảo cổ nhật

Nhà nghiên cứu Nhật Bản tham luận về sự phát triển của đạo giáo tại Đông Triều

Đối với giá trị của khu di tích, các nhà khoa học khẳng định, triều đại nhà Trần đã để lại cho chúng ta nhiều di sản văn hóa đặc sắc cả về loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể. Trong đó Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều là quần thể di tích kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng linh thiêng, có giá trị đặc biệt, đã phát triển thành trung tâm văn hóa lớn với khu lăng mộ, thờ cúng chủ yếu của nhà Trần và là kinh đô của Phật giáo Đại Việt.

 Về vấn đề bảo tồn khu di tích, trong quá trình triển khai thực hiện, cần tiếp tục duy trì công tác nghiên cứu song song với công tác bảo tồn; phải đặt vấn đề trùng tu tôn tạo trong mối quan hệ giữa di sản vật thể và phi vật thể; đặc biệt coi trọng vai trò của cộng đồng; phát triển khu di tích trong mối quan hệ với không gian văn hóa vốn có của nó; gắn liền việc bảo tồn với phát triển du lịch bền vững và có kiểm soát…

Phát biểu kết luận tại hội thảo, đồng chí Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: việc tổ chức hội thảo là hết sức cần thiết, thông qua hội thảo này kết hợp với hết quả của các hội thảo đã tổ chức trước đây sẽ giúp tỉnh Quảng Ninh, huyện Đông Triều từng bước xác lập cơ sở dữ liệu khoa học liên quan đến vị trí, vai trò, kiến trúc, công năng của các di tích trong khu di tích nhà Trần tại Đông Triều, là căn cứ quan trọng để UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành của tỉnh phối hợp với huyện Đông Triều lập dự án trùng tu, tôn tạo, các di tích, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức triển khai thực hiện.

phó chủ tịch UBND tỉnh

 Đồng chí Vũ Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội thảo.

Thay mặt các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, bà Vũ Thị Thu Thủy đã cảm ơn những ý kiến đóng góp của các đại biểu và tỉnh sẽ tiếp thu những ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các nhà nghiên cứu về các giải pháp trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích; giải pháp kết nối Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều với các di tích, danh thắng trong và ngoài tỉnh. Đồng thời UBND tỉnh Quảng Ninh sẽ chỉ đạo các sở, ban, ngành của tỉnh phối hợp với huyện Đông Triều lập dự án trùng tu, tôn tạo các di tích trong khu di tích nhà Trần, nhằm góp phần phát huy giá trị di tích trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

(Nguồn :sưu tầm)

CHU HIỀN

 

 

In văn bản

Dự án sắp tới
Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm - giá trị trường tồn
Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm - giá trị trường tồn

Chùa Vĩnh Nghiêm từ lâu đã được đồng bào trong tỉnh cũng như cả nước và nhiều khách quốc tế biết đến không chỉ đơn thuần là một điểm du lịch, bởi vẻ đẹp của kiến trúc và phong cảnh hữu tình hiếm thấy mà còn bởi bản sắc đặc biệt của văn hóa Phật giáo Việt Nam nơi đây…

Ngũ Hành Sơn - Thiên đường du lịch
Ngũ Hành Sơn - Thiên đường du lịch

Ngũ Hành Sơn là năm ngọn núi vươn ra như năm ngón tay có tên theo ngũ hành: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn và Thổ Sơn. Những ngọn núi ấy thành tên từ thế kỷ 19 do vua Minh Mạng đặt.

Mộc bản triều Nguyễn - khối tài liệu đặc biệt quý hiếm của Việt Nam
Mộc bản triều Nguyễn - khối tài liệu đặc biệt quý hiếm của Việt Nam

34.555 bản khắc mộc bản đã giúp lưu lại những tác phẩm chính văn, chính sử do triều Nguyễn biên soạn, các sách kinh điển và sách lịch sử. Ngoài giá trị về mặt sử liệu còn có giá trị về nghệ thuật, kỹ thuật chế tác, ...