Thành Cổ Quảng Trị một tòa thành nằm bên dòng sông Thạch Hãn, đây được coi là nghĩa trang không nấm mồ, là ngôi mộ chung của những người lính Thành Cổ đã ngã xuống vì quê hương vì sự hòa bình thống nhất đất nước.
Thành cổ Quảng Trị được khởi dựng vào những năm đầu của vương triều Nguyễn, quá trình xây dựng thành Quảng Trị từ khi khởi công dưới thời Gia Long đến khi hoàn thiện dưới thời Minh Mạng kéo dài gần 28 năm (1809 - 1837)
1. Thành cổ Quảng Trị thời Nguyễn
Thành lúc đầu được đắp bằng đất, đến năm 1837 vua Minh Mạng cho xây lại bằng gạch. Khuôn viên Thành có dạng hình vuông với chu vi tường thành dài 2160m, thành cao 3m, dưới chân dày 13,5m, đỉnh dày 0,72m. Bên ngoài thành có hệ thống hào rộng bao quanh. Bốn góc thành là 4 pháo đài cao nhô hẳn ra ngoài. Thành Quảng Trị có 4 cửa nằm ở vị trí chính điện của 4 mặt thành. Kiến trúc của mỗi cổng thành xây bằng gạch, gồm hai tầng: tầng dưới là phần nền với bộ phận chính là cổng thành xây vòm cuốn theo kỹ thuật “bốn viên kê dọc, nêm giữa, đội khuôn”; tầng trên là một vọng lâu có kiến trúc độc đáo theo lối vọng lâu xây bằng gạch, mái cong, lợp ngói âm dương.
Thành cổ Quảng Trị xưa
Nội thành có nhiều công trình kiến trúc được xây dựng nhằm mục đích phục vụ trực tiếp cho việc ở và làm việc của các cơ quan công đường thuộc bộ máy hành chính của tỉnh Quảng Trị
Hình ảnh một phần thành cổ xưa
Thành Quảng Trị trước hết là một bộ phận quan trọng trong nền kiến trúc cổ, là sự thể hiện một trình độ kỹ thuật nhất định về lĩnh vực quân sự của vương triều Nguyễn. Nơi đây cũng mang ý nghĩa là một trung tâm hành chính, chính trị và văn hóa của một địa phương qua nhiều thời kỳ lịch sử.
2. Thành Quảng Trị dưới thời thuộc Pháp
Trong suốt thời gian đô hộ và thống trị của thực dân Pháp, thành Quảng Trị với tư cách là trung tâm đầu não của bộ máy cai trị cấp địa phương, cấp tỉnh. Nhận thức rõ về vị trí chính trị quan trọng của tỉnh Quảng Trị, quân đội Pháp chọn làm một trong những cứ điểm quan trọng của hệ thống đồn quân sự dày đặc thuộc vùng đất giữa Huế với Vinh. Trong giai đoạn này, người Pháp không chỉ thiết lập ở thị xã Quảng Trị một trung tâm chính trị với bộ máy hành chính nhà nước gồm cả chính quyền Pháp lẫn Nam triều, mà còn tiến hành đầu tư xây dựng để biến nơi đây thành một đầu mối kinh tế có lợi cho sự kinh doanh của giới tư sản Pháp.
Trong thành Quảng Trị, Pháp đã cho xây dựng thêm một hệ thống nhà tù, mở rộng và kiên cố hoá khu lao xá để làm nơi giam giữ những người yêu nước, các chiến sĩ cách mạng trong tỉnh và khu vực. Nhà lao Quảng Trị có lúc đã trở thành trung tâm lãnh đạo phong trào cách mạng bởi chính đây từng là nơi giam giữ những hạt nhân nòng cốt của thanh niên, những chiến sĩ cộng sản đầu tiên của Quảng Trị và nhiều vị lãnh đạo của Tỉnh ủy, Xứ ủy thuộc thời kỳ tiền khởi nghĩa.
Các chiến sĩ chiến đấu anh dũng bên thành cổ
Tinh thần lạc quan của các chiến sĩ
Ngày 25-3-1945, khi Nhật mở cửa Nhà lao Quảng Trị, 150 tù chính trị (trong đó có gần 80 đảng viên cộng sản) được trả tự do trở về các địa phương, trở thành lực lượng chủ chốt trong phong trào khởi nghĩa giành chính quyền, tạo điều kiện cho thắng lợi nhanh chóng của nhân dân Quảng Trị trong Cách mạng Tháng Tám.
Thị xã Quảng Trị trở thành trung tâm lãnh đạo của chính quyền cách mạng đại diện cho một nhà nước kiểu mới - nhà nước dân chủ nhân dân.
3. Thành Quảng Trị từ năm 1954 đến năm 1971
Tháng 7-1954, cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp của nhân dân ta kết thúc thắng lợi, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ vào ngày 20-7-1954, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam thành căn cứ quân sự, tại Quảng Trị - tuyến phòng thủ ngoài cùng của miền Nam Việt Nam tiếp giáp với miền Bắc, Mỹ tập trung xây dựng chính quyền tay sai từ tỉnh đến cơ sở xã, thôn; tổ chức các đảng phái phản động thân Mỹ. Bên cạnh việc thiết lập các trung tâm chính trị, căn cứ quân sự, lập vành đai trắng, ấp chiến lược, khu dinh điền,... đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn còn tập trung đánh phá phong trào cách mạng, càn quét, bắt bớ, giết chóc, khủng bố trả thù những người kháng chiến cũ, dồn dân vào các trại tập trung.
Thị xã Quảng Trị, trong đó có Thành Cổ Quảng Trị thuộc phần đất của miền Nam trở thành trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế - xã hội của một tỉnh địa đầu.
Từ năm 1954 đến năm 1971, Thành cổ Quảng Trị là nơi diễn ra chiến tranh khốc liệt giữa nhân dân ta với chế độ ngụy quyền Sài Gòn. Chính điều đó đã làm cho Thành Cổ Quảng Trị trở thành nơi quy tụ các nguyên nhân, sự kiện xảy ra tại thị xã Quảng Trị trong những năm 1954-1971.
Hình ảnh nhà tù ở thành cổ
Nhà tù ở thành cổ
Cùng với những thắng lợi trên mặt trận đấu tranh chính trị và vũ trang tại Thị xã Quảng Trị trên chiến trường miền Nam trong những năm 1970 – 1971, Quảng Trị là một địa bàn xung yếu, có một vị trí chiến lược trong hệ thống phòng thủ cho toàn miền Nam của Mỹ- ngụy, được mệnh danh là “lá chắn thép” đang bị uy hiếp lung lay trước những cao trào cách mạng đang sục sôi của quân và dân Quảng Trị. Đó là những tiền đề, những thời cơ đang dự báo cho một cuộc tiến công chiến lược năm 1972 sắp xuất hiện và nổ ra. Một lần nữa Thành cổ Quảng Trị trở thành tiêu điểm của chiến dịch, đảm nhận sứ mệnh lịch sử trước dân tộc, trước thời đại.
4. Thành Quảng Trị trong cuộc tấn công chiến lược 1972 và trong trận quyết chiến 81 ngày đêm lịch sử
Cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên chiến trường Trị - Thiên, mà kết quả là giải phóng tỉnh Quảng Trị - tỉnh đầu tiên của miền Nam được giải phóng, với hơn 10 vạn dân. Với thắng lợi này, ta đã đập tan hệ thống phòng thủ kiên cố nhất của địch, phá tan huyền thoại về sự bất khả xâm phạm của tuyến hàng rào điện tử Mắc Namara. Thắng lợi của chiến dịch Quảng Trị năm 1972 đã làm thay đổi cơ bản cục diện chiến trường, đẩy chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của Mỹ đến bờ vực phá sản, tạo đà và thế cho việc giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Một lần nữa Thành Cổ Quảng Trị nhận lấy sứ mệnh lịch sử, trong một cuộc đối đầu quyết liệt, một mất một còn, mang tính quyết định cho một giải pháp chính trị của cuộc chiến. Trong lịch sử chiến tranh, chưa có một cuộc hành quân nào mà mục tiêu chủ yếu là đánh chiếm một toà thành có chu vi chưa đầy 2.000m mà đối phương huy động một lực lượng hùng hậu, một khối lượng bom đạn khổng lồ như ở chiến dịch tái chiếm Thành Quảng Trị. Số lượng bom đạn Mỹ đã ném xuống đây tương đương với sức nổ của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã thả xuống Hirôsima.
Trong 81 ngày đêm bám trụ chiến đấu đánh trả cuộc hành quân phản kích tái chiếm Quảng Trị, quân và dân ta không chỉ đánh thắng kẻ thù bằng ý chí, tinh thần gang thép, mà còn tỏ rõ tài nghệ tổ chức chỉ huy chiến đấu, tính quyết đoán sáng tạo. Quân và dân Quảng Trị đã kết hợp tốt giữa phòng ngự và tiến công, phối hợp chặt chẽ giữa ba thứ quân, tạo được yếu tố bất ngờ trong từng trận đánh, giữ vững thế trận liên hoàn, đánh lùi và bẻ gãy hàng ngàn cuộc phản kích của địch.
Cuộc sống khó khăn của các chiến sĩ
Cuộc chiến khốc liệt với kẻ thù
Cuộc chiến 81 ngày đêm đã giữ vững trận địa vào những thời điểm quyết định nhất, tạo lợi thế cho ta trên bàn Hội nghị Pari đang đi đến hồi kết thúc có lợi cho ta.
Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm chốt giữ vùng thị xã Quảng Trị và Thành Cổ là một trong những bản anh hùng ca tuyệt vời về ý chí, sức mạnh của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Cuộc chiến đấu ở Thành Cổ Quảng Trị đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam như những trang sử hào hùng đầy máu và lửa..
5. Thành Cổ Quảng Trị ngày nay
Phía tây Thành Cổ, song song con đường từ cửa hữu của thành ra thẳng bờ sông Thạch Hãn ngày nay là một công viên, quảng trường rộng lớn, nối liền quần thể di tích Thành Cổ - sông Thạch Hãn; gồm các hạng mục chính như tháp chuông, nhà thả hoa đăng hai bên bờ sông.
Tháp chuông Thành Cổ
Tháp chuông được khánh thành vào ngày 29-4-2007; chuông được đánh vào các ngày lễ, ngày rằm... vọng tưởng linh hồn các liệt sĩ. Quả chuông đồng có chiều cao 3,9 mét, đường kính 2,15 mét, trọng lượng gần 9 tấn, được treo trên tháp có chiều cao gần 10 mét.
Nhà tưởng niệm, Bến hoa đăng
Quảng trường Thành Cổ nối liền không gian giữa thành cổ với sông Thạch Hãn. Nơi đây có nhà tưởng niệm liệt sĩ nằm ven bờ hữu ngạn sông Thạch Hãn.
Mồ chung các liệt sĩ
Đài tượng niệm các anh hùng liệt sĩ
Sông Thạch Hãn, cũng là nơi hy sinh của không biết bao nhiêu chiến sĩ từ phía Nhan Biều, Ái Tử vượt sông để vào Thành Cổ để tiếp tế và chiến đấu. Vào các ngày lễ lớn hàng năm, đặc biệt vào Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), chính quyền địa phương tổ chức lễ thả đèn, thả hoa trên sông Thạch Hãn để tưởng niệm liệt sĩ đồng thời ở hai bên bờ sông.
Bến Hoa Đăng
Thành Cổ thực sự đã trở thành cõi thiêng trong lòng di sản văn hóa, thành một tượng đài bất tử về chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Thành Cổ Quảng Trị được bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng di tích Quốc gia theo quyết định số 235/VH - QĐ ngày 12/12/1986, là một trong những di tích Quốc gia đặc biệt quan trọng.
Vũ Dung
nguồn: Sưu tầm