Đến hẹn lại lên, ngày 12 - 13 tháng Giêng hằng năm, nhân dân cả nước lại nô nức trẩy hội Lim để cùng hòa vào không gian của dân ca quan họ. Sau bao năm gìn giữ và phát triển, quan họ Bắc Ninh vẫn căng tràn sức sống, trọng nhau vì nghĩa, mến nhau vì tình, say nhau vì câu ca, giọng hát...
Giới thiệu chung
Dân ca quan họ Bắc Ninh được hình thành khá lâu đời,do cộng đồng người Việt ở 49 làng quan họ và một số làng lân cận thuộc hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang hiện nay của Việt Nam sáng tạo ra, họ sinh sống bằng nghề trồng lúa nước và nghề thủ công.Các làng quan họ nằm hai bên bờ sông cầu, cách thủ đô Hà Nội về phía bắc khoảng 30km.Các làng này quy tụ gần nhau trong một không gian với diện tích khoảng 600km2
Dân ca quan họ là hát đối đáp nam, nữ. Họ hát quan họ vào mùa xuân, mùa thu khi có lễ hội hay khi có bạn bè.
Liền anh, liền chị hát giao duyên
Quan họ là thể loại dân ca phong phú nhất về mặt giai điệu trong kho tàng dân ca Việt Nam và được lưu truyền từ đời này sang đời khác qua phương thức truyền khẩu. Có 4 kỹ thuật hát đặc trưng: Vang, rền, nền, nảy. Hát quan họ có 3 hình thức chính: Hát canh, hát thi lấy giải, hát hội.
Trang phục
Trang phục của quan họ bao gồm trang phục của các liền anh và trang phục của các liền chị.
Liền anh mặc áo dài 5 thân, cổ đứng, có lá sen, viền tà, gấu to, dài tới quá đầu gối. Thường bên trong mặc một hoặc hai áo cánh, sau đó đến hai áo dài. Riêng áo dài bên ngoài thường màu đen, chất liệu là lương, the, hoặc đối với người khá giả hơn thì áo ngoài may bằng đoạn mầu đen, cũng có người áo dài phủ ngoài may hai lần với một lần ngoài bằng lương hoặc the, đoạn, lần trong bằng lụa mỏng màu xanh cốm, xanh lá mạ non, màu vàng chanh…gọi là áo kép. Quần của liền anh là quần dài trắng, ống rộng, may kiểu có chân què dài tới mắt cá chân, chất liệu may quần cũng bằng diềm bâu, phin, trúc bâu, hoặc lụa truội màu mỡ gà. Có thắt lưng nhỏ để thắt chặt cạp quần. Đầu liền anh đội nhiễu quấn hoặc khăn xếp.
Trang phục liền chị thường được gọi là “áo mớ ba mớ bảy”, nghĩa là liền chị có thể mặc ba áo dài lồng vào nhau (mớ ba) hoặc bảy áo dài lồng vào nhau (mớ bảy). Về cơ bản trang phục bao gồm các thành phần: trong cùng là một chiếc yếm có màu rực rỡ thường làm bằng lụa truội nhuộm. Yếm thường có hai loại là yếm cổ xẻ (dùng cho trung niên) và yếm cổ viền (dùng cho thanh nữ). Bên ngoài yếm là một chiếc áo cánh màu trắng, vàng, ngà. Ngoài cùng là những lượt áo dài năm thân, cách phối màu cũng tương tự như ở bộ trang phục nam nhưng màu sắc tươi hơn. Áo dài năm thân của nữ, có cài khuy, khác với kiểu tứ thân thắt hai vạt trước. Chất liệu để may áo đẹp nhất thời trước là the, lụa. Áo dài ngoài thường mang màu nền nã như màu nâu già, nâu non, màu đen, màu cánh dán trong khi áo dài trong thường nhuộm màu khác nhau: màu cánh sen, màu hoa hiên, màu thiên thanh, màu hồ thuỷ, màu vàng chanh, màu vàng cốm v.v. Áo cánh mặc trong có thể thay bằng vải phin trắng, lụa mỡ gà.
Trang phục của quan họ
Sự khác biệt của quan họ với các làn điệu dân ca khác
Dân ca quan họ có 213 giọng khác nhau, với hơn 400 bài ca. Lời một bài ca có hai phần: lời chính và lời phụ. Lời chính là phần cốt lõi, phản ánh nội dung của bài ca, lời phụ gồm tất cả những tiếng nằm ngoài lời ca chính, là tiếng đệm, tiếng đưa hơi như i hi,ư hư, a ha v.v…Dân ca quan họ chủ yếu là nghệ thuật phổ lời ca dao và thơ. Nghệ thuật này đòi hỏi phải sử dụng những tiếng phụ, lời phụ bên cạnh những tiếng chính, lời chính nhằm làm cho tiếng hát trôi chảy, bổ sung ý nghĩa cho lời ca chính, làm cho lời ca them phong phú, linh hoạt, tăng cường tính nhạc của bài ca, phát triển giai điệu, làm cho âm nhạc của bài ca trở nên sinh động, bố cục trở nên hợp lí. Không dung tiếng phụ, lời phụ, lời ca dễ đơn điệu, mất cân đối.
Nói đến quan họ Bắc Ninh là nói đến ẩm thực quan họ. Miếng trầu của người quan họ có hai loại: giầu têm cánh phượng và giầu têm cánh quế. Cơm quan họ dung mâm đan, bát đàn, các món ăn trong bữa cơm phụ thuộc vào tập quán của từng làng, nhưng phải có một đĩa thịt gà, hai đĩa giò lụa, thịt lợn nạc, đặc biệt không dung thức ăn nhiều mỡ để tránh hỏng giọng.
Ngày 30/9/2009, quan họ đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Hồ sơ Quan họ được Hội đồng chuyên môn của UNESCO đánh giá cao về giá trị văn hóa đặc biệt về tập quán xã hội, nghệ thuật trình diễn, kỹ thuật hát, phong cách ứng xử văn hóa, bài bản, ngôn từ và cả về trang phục.
(Nguồn: sưu tầm)
Thơ Phạm