Đang tải... Vui lòng chờ...

Văn hóa môi trường và vấn đề bảo tồn khu Di sản thiên nhiên Thế giới – Vịnh Hạ Long

Văn hóa môi trường và vấn đề bảo tồn khu Di sản thiên nhiên Thế giới – Vịnh Hạ Long

PGS. TS. Đặng Văn Bài

Phó CT Hội DSVHVN

  1. Mở đầu

Bàn về “ Chính sách lồng ghép quan điểm phát triển bền vững vào các quy trình của Công ước Di sản Thế giới”, UNESCO xác định “ Bên cạnh việc bảo vệ giá trị nổi bật toàn cầu của các Di sản thế giới; các quốc gia thành viên cần nhận diện và phát huy các tiềm năng di sản có thể đóng góp cho các khía cạnh phát triển bền vững và tăng cường lợi ích các di sản có thể mang lại cho xã hội. Đồng thời, các quốc gia thành viên cũng cần đảm bảo rằng chiến lược bảo tồn và quản lý của mình phù hợp với những mục tiêu phát triển bền vững rộng lớn hơn. Trong quá trình này, cần đảm bảo rằng những giá trị nổi bật toàn cầu không bị ảnh hưởng”. 1

Điều này có nghĩa là, di sản đến từ quá khứ nhưng không hoàn toàn chỉ là quá khứ mà còn là một bộ phận hợp thành hữu cơ của hiện tại và sẽ trở nên có ích, cần thiết cho tương lai… Tôi cho rằng, chúng ta cần quán triệt tinh thần định hướng nói trên của UNESCO để bàn về vấn đề bảo tồn khu Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.

  1. Xác định đối tượng cần được bảo tồn

Khu di sản thế giới Vịnh Hạ Long đã hai lần được UNESCO vinh danh với hai giá trị nổi bật toàn cầu là:

  • Giá trị cảnh quan gắn với một tạo hình kỳ thú của tạo hóa, có sự kết hợp hài hòa giữa điêu khắc và hội họa, bố cục và màu sắc, hình khối và không gian…gợi cho con người khả năng cảm thụ thẩm mỹ và tưởng tượng vô hạn.

  • Giá trị địa chất, địa mạo: Vịnh Hạ Long bao chứa hệ trầm tích đá vôi có nguồn gốc lục địa và cacbonat được biết đến ít nhất cũng trên 500 triệu năm. Đây là những trang sử bằng đá ghi lại những biến cố vĩ đại nhất trong các quá trình địa chất khu vực.

Tương lai, khi được kết nối với khu vườn quốc gia Cát Bà - Hải Phòng thì khả năng khu di sản thế giới Vịnh Hạ Long sẽ được vinh danh lần thứ ba về giá trị đa dạng sinh học với những hệ sinh thái điển hình của vùng biển nhiệt đới, đa dạng thành phần loài và  nguồn gen đặc hữu quý hiếm. Vì thế, nếu xét dưới góc độ di sản văn hóa quốc gia, Vịnh Hạ Long còn bảo tồn trong lòng nó nét đặc sắc về Văn hóa biển – đảo của người Việt, đặc biệt là văn hóa biển thời tiền sử mà ngày nay các nhà khoa học vẫn quen sử dụng thuật ngữ “Văn hóa Hạ Long”. Đây là văn hóa khảo cổ có niên đại 3000 – 5000 năm trước với nét đặc trưng là các loại công cụ đá và đồ gốm. Đó là bằng chứng về khả năng thích ứng với môi trường biển – đảo của người Hạ Long cổ, cũng như kinh nghiệm sống bằng cách khai thác, chế biến sản vật sẵn có từ biển.

Trong chừng mực nào đó có thể khẳng định khu Di sản thế giới Vịnh Hạ Long là loại di sản hỗn hợp giữa thiên nhiên và văn hóa. Di sản hỗn hợp đó được hình thành về căn bản dựa vào các yếu tố tự nhiên, trong đó môi trường biển đảo có vị trí đặc biệt quan trọng. Các nhà khoa học định nghĩa môi trường là “một tập hợp vật thể, hoàn cảnh | điều kiện và sự ảnh hưởng | tác động bao quanh một đối tượng nào đó” 2. Từ đó có thể hiểu môi trường | hay môi trường thiên nhiên là một hệ thống sinh thái mang tính chất tổng hợp và đa dạng bao gồm nhiều yếu tố khác nhau, tác động qua lại lẫn nhau đề cùng cộng sinh và phát triển.

Chúng ta hiểu rằng, điều kiện tự nhiên quy định cách thức tồn tại và phát triển của con người, ngược lại, con người căn cứ vào điều kiện tự nhiên, lựa chọn các yếu tố tự nhiên để sáng tạo ra của cải vật chất – cơ sở của các nền văn minh nhân loại | di sản văn hóa, tạo lập môi trường sống | không gian nhân tạo – Không gian sinh tồn cho mình và các thế hệ con cháu nối tiếp không ngừng về mặt không gian – thời gian. Như vậy, vì mục tiêu sinh tồn, loài người buộc phải tác động (theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực) tới môi trường thiên nhiên bằng cách khai thác các loại tài nguyên thiên nhiên (động, thực vật, khoáng sản, nguồn nước, mặt đất, trên biển,…). Vấn đề đặt ra là phải lựa chọn thái độ ứng xử đúng mực để không phá vỡ sự cân bằng sinh thái tự nhiên.

Đến đây, có thể rút ra luận đề liên quan tới việc bảo tồn khu di sản thế giới Vịnh Hạ Long gắn với phát triển bền vững là: Mục tiêu đầu tiên là phải đảm bảo các điều kiện bảo vệ lâu dài và bền vững các giá trị nổi bật toàn cầu cũng như sự toàn vẹn của khu di sản (theo đúng tinh thần Công ước 1972), thực chất là phải bằng mọi giá bảo tồn và khai thác thế mạnh của môi trường biển – đảo Vịnh Hạ Long theo các tiêu chí phát triển bền vững, cũng như cố gắng ngăn chặn, hạn chế tối đa các dạng hoạt động có khả năng dẫn tới suy thoái môi trường biển – đảo của khu di sản.

  1. Cần hiểu đúng về phát triển bền vững

GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn khi bàn về vai trò của văn hóa và di sản văn hóa trong phát triển đã nhấn mạnh “ Đã đến lúc chúng ta không nên coi sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững chỉ xuất phát và chỉ bao gồm 3 trụ cột cơ bản là kinh tế, xã hội và môi trường như đã được thừa nhận khá phổ biến cho đến hiện nay. Bên cạnh các trụ cột gồm phát triển bền vững về kinh tế, phát triển bền vững về xã hội và phát triển bền vững về môi trường, thì sự phát triển bền vững của bất cứ quốc gia nào trong thời hiện đại cũng cần phải có sự phát triển bền vững về văn hóa với tư cách là trụ cột thứ tư”. 3

Trước đây, các nhà khoa học chỉ quan tâm chủ yếu tới 3 nguồn vốn phục vụ cho phát triển là: Tài sản xã hội; máy móc, thiết bị; tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái…Gần đây người ta đã thay đổi nhận thức và đưa ra cách tiếp cận hiện đại hơn về vốn phát triển và bắt đầu quan tâm tới văn hóa | di sản văn hóa với tư cách là nguồn vốn không thể thiếu cho phát triển bền vững. Trong bài viết cho “Tia sáng” số xuân 2003. Trần Hữu Dũng đã nêu rõ những đóng góp to lớn của di sản văn hóa với tư cách là “Nguồn vốn văn hóa” cho phát triển:

  • Giá trị văn hóa có khả năng bổ xung làm tăng giá trị kinh tế của một sản phẩm văn hóa ( danh hiệu Di sản văn hóa và thiên nhiên Thế giới đã làm tăng giá trị kinh tế của Huế, Hạ Long, Hội An, Tràng An…nên mức cao hơn rất nhiều để trở thành các thương hiệu nổi tiếng).

  • Giá trị văn hóa góp phần xây dựng nhân cách, điều chỉnh hành vi con người làm cho nguồn nhân lực xã hội có giá trị cao hơn, đóng góp thiết thực cho phát triển.

  • Vốn văn hóa là bộ phận cấu thành môi trường xã hội lành mạnh – yếu tố quan trọng cho phát triển.

  • Một sản phẩm có hàm lượng văn hóa | trí tuệ càng cao thì giá bán (giá thương phẩm) càng cao.

Qua những nội dung trình bày ở trên, ta có thể rút ra luận đề thứ hai là:

  • Khu di sản thế giới Vịnh Hạ Long cần được tiếp cận với tư cách là “nguồn vốn” quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh.

  • Kinh tế và văn hóa phải luôn song hành phát triển để phục vụ nhu cầu phát triển của con người và cộng đồng.

  • Phát triển kinh tế phải tạo ra tiền đề vật chất cho sáng tạo văn hóa và đóng góp nguồn lực vật chất cho hoạt động bảo tồn di sản văn hóa.

  • Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa không được cản trở phát triển kinh tế, ngược lại văn hóa còn phải góp phần tạo lập nền tảng tinh thần và động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế.

Nội hàm khái niệm phát triển bền vững cho thấy, Di sản văn hóa không hoàn toàn phụ thuộc vào kinh tế, ngược lại di sản văn hóa có khả năng thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế nếu được bảo tồn theo đúng tiêu chí phát triển bền vững. Điều đó có nghĩa là phải tích hợp hài hòa và cân bằng hợp lý giữa mục tiêu bảo tồn các giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản Vịnh Hạ Long và yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh Quảng Ninh thông qua các hoạt động phù hợp để việc bảo tồn có những đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng sống của cộng đồng của dân địa phương. Mà trước hết là trân trọng và bảo tồn những giá trị nổi bật toàn cầu, đa dạng sinh học, đa dạng sinh thái cũng như môi trường tự nhiên (môi trường biển đảo) – Những yếu tố căn bản làm nên sự phồn vinh cho con người và phát triển bền vững. Chúng ta đã biết, du lịch là một trong những mũi nhọn kinh tế của tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên phải lựa chọn và ưu tiên phát triển hình thức du lịch sinh thái cho phù hợp với những điều kiện của Vịnh Hạ Long. Du lịch sinh thái là dạng du lịch dựa căn bản vào các giá trị thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hóa địa phương, đồng thời thu hút sự tham gia của động đồng nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Đó cũng là hình thức du lịch mà lợi ích của nó phải gắn liền với trách nhiệm của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý di sản cũng như các doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường và cải thiện phúc lợi xã hội cho người dân.

  1. Xây dựng “văn hóa môi trường” để đáp ứng yêu cầu bảo tồn bền vững các giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.

Chúng ta biết, khu di sản thiên nhiên Vịnh Hạ Long có “ Tổng diện tích 43,4 km2 với 775 hòn đảo được bảo vệ bởi vùng đệm rộng lớn có diện tích 1.119 km2 ”, được  UNESCO vinh danh hai lần với tiêu chí VII và tiêu chí VIII  (trong hệ thống 10 tiêu chí vinh danh Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới), nhưng nền tảng căn bản của hai tiêu chí trên đều gắn bó mật thiết với môi trường biển đảo của Quảng Ninh. Vì thế, ngoài các quy định trong Công ước quốc tế của UNESCO, các khuyến nghị của Ủy ban Di sản thế giới, các bộ luật có liên quan của Nhà nước, các Nghị định của Chính phủ Việt Nam và các quyết định của UBND tỉnh Quảng Ninh, thì vấn đề bảo tồn bền vững các giá trị nổi bật toàn cầu của khu Di sản Thế giới Vịnh Hạ Long còn phải bám sát mục tiêu và định hướng trong “ Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Theo đó cần nhận thức rõ quan điểm chỉ đạo của Chính phủ “Bảo vệ môi trường là yêu cầu sống còn của nhân loại; Chiến lược bảo vệ môi trường là bộ phận cấu thành không tách rời của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược phát triển bền vững…”. Trong chiến lược quan trọng này Thủ tướng đã nhấn mạnh mục tiêu tổng quát đến năm 2020 là: “Kiểm soát, hạn chế về cơ bản mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên và suy giảm đa dạng sinh học; tiếp tục của thiện chất lượng môi trường sống; nâng cao năng lực chủ dộng ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước”, còn tầm nhìn đến năm 2030 lại được xác định theo hướng “ngăn chặn, đẩy lùi xu hướng gia tăng ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên và suy giảm đa dạng sinh học; cải thiện chất lượng môi trường sống; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; hình thành các điều kiện cơ bản cho nền kinh tế xanh, ít chất thải, cacbon thấp vì sự thịnh vượng và phát triển bền vững đất nước” 5. Thật đáng tiếc là vấn đề bảo vệ môi trường nói chung, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển nói riêng liên quan tới khu di sản Vịnh Hạ Long chưa được thực hiện triệt để và có hiệu quả theo đúng những mục tiêu chiến lược mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.

Việc quản lý các khu di sản thế giới không chỉ nhằm: Nhận diện, bảo tồn và phát huy các giá trị nổi bật toàn cầu của chúng mà còn phải xác định rõ các nhân tố tác động, gây áp lực tới tính bền vững về môi trường của các khu di sản để tìm biện pháp ngăn chặn, hạn chế và khắc phục kịp thời.

Thành phố Hạ Long cũng đang trong quá trình đô thị hóa với tốc độ chóng mặt, nên vấn đề bảo vệ môi trường chưa được kiểm soát chặt chẽ và có hiệu quả theo đúng mục tiêu chiến lược mà Chính phủ đã đặt ra, do đó chắc chắn môi trường sinh thái biển đảo Vịnh Hạ Long sẽ bị những tác động tiêu cực theo xu hướng chung của thế giới:

  • Phát triển đô thị làm gia tăng nhu cầu về đất đai xây dựng. Trên thế giới nhu cầu này được thỏa mãn theo hướng: Lên không trung, chui xuống lòng đất, lấn ra đại dương bằng các làng nổi và các công trình dưới mặt nước chứ không đổ đất lấn ra biển như chúng ta.

  • Sự tập trung công nghiệp khai khoáng, xây dựng cảng biển cộng với đô thị hóa cao đã tác động mạnh tới môi trường biển đảo.

  • Quá trình phát triển kinh tế - xã hội đã thải ra môi trường nhiều loại rác thải đe dọa sức khỏe và chất lượng sống của con người, sự tác động đó càng lớn ở các đô thị gắn với bờ biển và các dòng sông.

  • Quá trình đô thị hóa ven biển, hoạt động vận tải trên biển nhất là hoạt động du lịch dẫn tới cùng một lúc tập trung mật độ tàu thuyền quá lớn trong vùng Vịnh Hạ Long, cùng với việc đánh bắt, nuôi trồng và khai thác thủy sản dẫn tới hiện tượng bùn hóa, đục hóa, phá vỡ sự cần bằng sinh thái biển.

Chúng ta cần nghiêm túc xem xét và xử lý hài hòa mâu thuẫn giữa lòng ham muốn vô độ, chạy theo lợi nhuận kinh tế của con người, các nhà đầu tư và sự cảnh báo của giới tinh hoa nhân loại về nguy cơ suy thoái môi trường sống.

Mọi thứ trên đời này đều có giới hạn, trừ lòng tham của con người. Và chính lòng tham vô độ và xu thế hám lợi, chạy theo đồng tiền đã và đang đẩy chúng ta đến những hoạt động thái quá có thể gây thảm họa môi trường. Chúng ta đang vắt kiệt nguồn lợi tài nguyên thiên nhiên, tiêu thụ quá mức mà thiên nhiên có thể tái tạo. Các đô thị ven biển hàng ngày đang thải ra một lượng rác thải (lỏng và rắn, thải công nghiệp cũng như du lịch và dân dụng) quá mức mà thiên nhiên có thể hấp thụ. Đó là hậu quả do lòng tham vô độ và hành động mù quáng của con người gây ra.

GS Jame Watson – Hội bảo tồn thiên nhiên cho rằng, các hoạt động khai mỏ, hút dầu, chặt phá rừng, lấn biển… đã khiến môi trường tự nhiên toàn cầu bị thu hẹp nhanh chóng và kéo theo sự hủy diệt của nhiều sinh vật, phá vỡ sự cân bằng tự nhiên hàng ngàn năm nay trong hệ sinh thái môi trường. Ông đau sót nhận xét: Tất cả những khu vực tự nhiên hiện nay, bất kể kích cỡ, đang cần sự quan tâm sâu sắc của con người. Với tốc độ biến mất như hiện nay thì chỉ hết thế kỉ này sẽ không còn cái gọi là môi trường tự nhiên nữa.

Thế hệ chúng ta chứng kiến sự thật đau lòng đang hiện hữu là: Hậu quả của sự tàn phá môi trường đang đưa cuộc sống của loài người đến rất gần ranh giới của hiểm họa diệt vong. Những cơn bão lụt, lũ quét, động đất, sóng thần, lốc xoáy đã để lại những hậu quả khôn lường cho con người. Lợi nhuận kinh tế đưa lại từ việc khai thác vô độ tài nguyên thiên nhiên chắc chắn sẽ không đủ để khắc phục hậu quả | thảm họa do thiên nhiên gây ra. Phải chăng đó là sự trừng phạt nghiêm khắc, khốc liệt của “bà mẹ thiên nhiên” với những hoạt động mang tính “tội phạm môi trường” mà chúng ta đã gây ra do lòng tham vô độ của con người. Sự thật đau sót đó buộc chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề bảo vệ môi trường và nhanh chóng thay đổi cách nghĩ, lối sống cũng như phương thức sản xuất cho thân thiện hơn với “bà mẹ thiên nhiên”.

Do nguồn tài nguyên đất liền đã bị khai thác quá mức và có nguy cơ bị cạn kiệt thì xu hướng vươn ra biển, khai thác biển, làm giàu từ biển là tất yếu đối với mọi quốc gia. Tuy nhiên xu hướng đó phải thực hiện theo phương thức khai thác bền vững chứ không phải chăm chăm lấn biển nhằm đạt mục tiêu phát triển kinh tế, lợi nhuận tối đa mà xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường.

Không phải ngẫu nhiên mà trong “Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia” Thủ tướng Chính phủ lại nhấn mạnh “Bảo vệ môi trường là yêu cầu sống còn của nhân loại; Chiến lược bảo vệ môi trường không tác rời Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội…”. 6 Từ quan điểm chỉ đạo của Chính phủ trong chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia, đối chiếu với thực trạng môi trường tại khu Di sản Thế giới Vịnh Hạ Long, chúng ta cần bắt tay vào việc xây dựng “Văn hóa môi trường”, xác định rõ thái độ ứng xử văn hóa với môi trường tự nhiên để kịp thời “Kiểm soát, hạn chế về cơ bản mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên và suy giảm đa dạng sinh học…”7.

“Văn hóa môi trường” là lối sống theo tinh thần tương thân, tương ái và tương kính không chỉ với con người mà cả với thiên nhiên. Văn hóa môi trường chính là “tình yêu” thiên nhiên của con người. “Tình yêu” đó đặt ra yêu cầu phải thiết lập bộ quy tắc ứng xử văn hóa với môi trường nhằm tiết chế được những ham muốn vượt ngưỡng về tiêu thụ và lợi nhuận kinh tế, cũng như lòng vị kỉ, đặt lợi ích của cá nhân, nhà đầu tư và của doanh nghiệp lên trên lợi ích của cộng đồng. Đó là thái độ sống có trách nhiệm với cả xã hội và thiên nhiên. Có thể hiểu. “Văn hóa môi trường” có liên quan mật thiết với việc bảo tồn và phát huy giá trị nổi bật toàn cầu và sự toàn vẹn của khu di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long gắn với phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Quảng Ninh. Luận đề cần được rút ra là: Bảo vệ môi trường ở khu Di sản Thế giới Vịnh Hạ Long là sự đầu tư cho quá khứ – hiện tại và cả tương lai.

Tóm lại, “Chính sách lồng ghép quan điểm phát triển bền vững vào các quy trình của Công ước Di sản thế giới” của UNESCO đặt ra yêu cầu phải tạo lập và duy trì sự cân bằng giữa kinh tế - xã hội – môi trường và văn hóa | di sản văn hóa trong quá trình phát triển. Đó là xu hướng mà chúng ta cần tuân theo trong hoạt động bảo tồn bền vững các giá trị nổi bật toàn cầu và sự toàn vẹn của khu Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Chính sách về việc lồng ghép quan điểm phát triển bền vững vào các quy trình của Công ước Di sản thế giới” Khoản 4, mục 1 (tài liệu được thông qua tại kỳ họp 20 Hội đồng các quốc gia thành viên của Công ước Di sản Thế giới UNESCO năm 2015).

  2. Theo Random House Colleg. Dictionary – USA.

  3. GS. TS. Nguyễn Trọng Chuẩn. Văn hóa trong sự phát triển của đất nước. Tạp chí phát triển nhân lực, UBND TP Hồ Chí Minh, số 3 – 2013, tr5.

  4. Tuyên bố của UNESCO về giá trị nổi bật toàn cầu của khu Di sản thế giới Vịnh Hạ Long.

  5. Quyết định số 1216/QĐ – TTg ngày 05 tháng 09 năm 201 về việc phê duyệt chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

6, 7. Tài liệu đã dẫn.

 
In văn bản