Đang tải... Vui lòng chờ...

Đề tài trên gốm hoa nâu Đại Việt: Tinh thần thượng võ và khát vọng thái bình

Đề tài trên gốm hoa nâu Đại Việt:

Tinh thần thượng võ và khát vọng thái bình

                                                                               Phạm Quốc Quân

 

Tóm tắt

Gốm hoa nâu có ở nhiều nước, bằng một cách thức sản xuất riêng đã tạo nên dòng gốm hoa nâu Việt. Đề tài trang trí trên gốm hoa nâu, vì hạn hẹp không gian, nên không nhiều, nhưng cô đọng, đủ nói về một số điển hình liên quan tới tinh thần thượng võ, tinh thần yêu nước của nông dân, rồi một vài hoạt cảnh gắn với đương thời… Tất cả đều nổi bật một bản sắc văn hóa dân tộc nhẹ nhàng, êm ả, trữ tình trong khát vọng thái bình thịnh trị.

Gốm hoa nâu, người phương Tây gọi là Iron Brown Patterned, người Trung Hoa, Nhật Bản gọi là Thiết hội, xem ra chưa hoàn toàn đúng với Việt Nam, khi dòng gốm này ở ta, chủ yếu dùng que, vẽ đồ án trên phôi gốm vừa được tráng lớp men nền, sau đó, dùng màu nâu, tô theo các đồ án ấy, do vậy, vẽ nâu trên hoặc dưới men, nung nặng lửa là một biệt lệ hiếm hoi trong phức hợp gốm cổ Việt Nam. Chính kỹ thuật này đã tạo cho gốm hoa nâu có một bản sắc riêng và bản sắc ấy chỉ có trên đồ gốm thời Lý - Trần. Gốm hoa nâu thời Lý - Trần là một khái niệm kép, do trước đây, chúng ta chưa tách bạch được phong cách của hai triều đại này, nhưng, giờ đây, đã có thể làm được điều ấy và nhận ra rằng, gốm hoa nâu thời Trần chiếm tỷ lệ cao với những đề tài trang trí phong phú, nhiều cốt chuyện lý thú, thay vì hoa sen, hoa cúc phổ biến trước đó.

Như chúng ta đã biết, lịch sử triều đại Trần là lịch sử của chiến tranh chống ngoại xâm với tinh thần thượng võ, chí khí Đông A và lời thề “sát thát”. Một triều đại, vua nhường ngôi cho con khi còn đang sung mãn để về Yên Tử tu hành, Quốc tướng Trần Hưng Đạo lập phủ đệ, thái ấp ở Kiếp Bạc, gần cửa Lục Đầu để không chỉ tu hành và sản xuất mà còn làm luôn nhiệm vụ trấn giữ vùng cửa sông, cửa biển, nơi quân thù xâm lăng, đêm ngày dòm ngó. Một triều đại của Trần Quốc Toản bóp nát quả cam trước hội nghị Diên Hồng và lời thề “Nếu bệ hạ muốn hàng, hãy chém đầu tôi đi đã” của Thái sư Trần Thủ Độ. Đó là tinh thần hừng hực khí thế của vua tôi, quân dân chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông - Một đội quân hung hãn và đã từng bách chiến bách thắng trong thời đại bấy giờ.

Trước bối cảnh lịch sử này, người nghệ sĩ làm gốm Đại Việt đã biểu hiện trên tác phẩm của mình nhiều đề tài mang tinh thần thượng võ. Chúng ta đã gặp trên gốm hoa nâu cảnh chiến binh xuất thân từ nông dân, đóng khố, cởi trần, đầu chít khăn, tay cầm khiên, tay cầm mác đang đấu võ. Hình ảnh này, trước đây, mới chỉ thấy trên một tiêu bản độc nhất ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia, qua một mảnh thạp gốm, nhưng giờ đây, hàng chục tiêu bản tương tự, được miêu tả bằng những bố cục, những vũ khí, những gương mặt, trang phục khác nhau đôi chút, nhưng vẫn toát lên đội ngũ chiến sĩ bảo vệ tổ quốc khi ấy là nông dân. Đó phải chăng là chính sách “ngụ binh ư nông” của triều đại này đang phát huy, rồi trở thành một hằng số của dân tộc Việt Nam, khi nông dân chiếm 90% dân số và cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, với nông thôn luôn là hậu phương vững chắc trong mọi tình huống hiểm nguy của đất nước, kể từ thế kỷ XX trở về trước.

Cảnh vật được cắt cúp do cấu trúc của chiếc thạp hình trụ tròn, khiến người chiêm ngắm tưởng như trò chơi dân gian trong một lễ hội làng, khi hai đô vật có khuôn mặt vui tươi, ngộ nghĩnh, đóng khố, cởi trần ôm nhau trong xới vật. Nét mặt được diễn tả như hề chèo trong tranh dân gian, như chú tễu của múa rối nước và được nghệ gĩ gốm vẽ khá hài hước, theo đó, cách hiểu như trên không mấy sai lệch. Thế nhưng, xoay chiếc thạp ngược chiều kim đồng hồ, thấy hai ông quan đội mũ chỉnh chu, xiêm y ngay ngắn, như đang chỉ bảo cho thế võ còn sai lệch của hai võ sĩ. Lối bố cục dàn trải theo vòng tròn làm cho ta thấy lỏng lẻo, đứt đoạn, cần có sự liên kết từ người nhìn, mới nhận ra đây là buổi luyện quân với môn võ nghệ dân tộc truyền thống mà chiến tranh rất có thể phải sử dụng. Lại một lần nữa, hình ảnh người nông dân là chiến sĩ được tái hiện với một tinh thần lạc quan, toát ra từ nhân vật, tác phẩm và từ chính người nghệ sĩ thể hiện.

Ngựa là một đề tài không hiếm trên gốm Việt Nam nói chung và gốm hoa nâu nói riêng. Thế nhưng, đó là ngựa có cánh, ngựa đang bay hoặc ngựa không có người cưỡi, phảng phất hay đậm hằn tôn giáo tín ngưỡng của người Việt và nhiều dân tộc khác trên thế giới. Thế nhưng, có một chiếc thạp - Chiến binh cưỡi ngựa, tay cầm giáo, tay cầm khiên trên mình ngựa nhỏ thó, hiền lành, bốn vó còn trên mặt đất, chứ không chồm lên như hình ảnh Trương Phi trên cầu Tràng Bản hay Quan Công, Lã Bố mà gốm sứ Trung Hoa thể hiện. Đó là chiếc thạp, ba mươi năm trước, tôi thấy ở Hà Nội, mà người bán có ý định nhượng lại cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Tôi báo cáo ông Giám đốc, nhưng quá chậm trễ để trở thành tài sản quốc gia, dẫu giá chỉ tương đương mười triệu bấy giờ. Quả là đáng tiếc cho một đề tài hiếm hoi, một tác phẩm hiếm quý, khi mà chiến đấu trên mình ngựa không phải là sở trường của chiến tranh bảo vệ tổ quốc Đại Việt. Với hình thế núi non, sông ngòi chằng chịt, thuyền là phương tiện tối ưu nhất cho mọi cuộc chiến, mà lịch sử Đại Việt đã ghi nhận. Ngựa thích hợp với sa trường thảo nguyên, đồng cỏ hơn. Thế nhưng, quân Nguyên - Mông khi ấy, vó ngựa của chúng sang tận châu Âu thì lẽ nào quân dân Đại Việt không đặt ra tình huống, chúng sẽ vào nước ta bằng đường bộ, với những đội kị binh thiện chiến. Tinh thần chuẩn bị cho cuộc chiến tranh giữ nước thời nhà Trần toàn diện và chỉnh chu, được miêu thuật qua tác phẩm, mà theo tôi là độc nhất, vô nhị cho tới nay.

Thế rồi, triều đại Trần, sau mỗi lần chiến thắng quân Nguyên - Mông và Champa, là những khoảng thời gian êm ả, thanh bình. Người chiến binh nông dân lại trở về với xóm làng, đồng ruộng. Khát vọng về một xã hội, một cuộc sống thái bình lại trỗi dậy và dường như là cơ hội hiếm hoi để tận hưởng. Người nghệ sĩ gốm Đại Việt đã không bỏ qua khát vọng ấy để thể hiện trên tác phẩm của mình.

Một chiếc thạp gốm hoa nâu vẽ cảnh một ông quan cưỡi ngựa, có yên cương nghiêm chỉnh, mũ mão cân đai chỉnh tề, tay cầm roi oai phong, nhưng lấy lệ vì đi trước đã có một lính hầu dẫn dắt. Sau ông là kẻ hầu, người hạ, người thì khoanh tay lễ phép, kẻ thì khiêng vác đồ dùng, mà rất nhiều nhà nghiên cứu và sưu tập bảo rằng, đó là cảnh trạng nguyên vinh quy, khi thấy “băng” phía trên của chiếc thạp ấy là hình ảnh của chim chóc, đi, đứng, bay lượn, hót ca trong những tán cây rừng, như chào đón người thành danh về cố hương, được diễn tả bằng đôi ba nét vẽ dây lá tài tình, phóng khoáng của người nghệ sĩ. Nếu so sánh đề tài này với lễ vinh quy bái tổ trên tranh dân gian, trên đồ khảm trai thời Lê - Nguyễn, chắc sẽ có nhiều điểm khác biệt, theo đó, sẽ có nhiều cách hiểu và giải mã khác nữa, ví như, đó là vị tướng triều đình về thăm quê sau chiến tranh, hay là một cuộc thăm viếng, thị sát vùng quê của vương gia, quan chức. Hiểu và giải mã thì còn nhiều cách, nhưng tinh thần toát lên của trường cảnh này là sự yên ả, thanh bình của làng quê đất nước. Tuy nhiên, thanh bình chỉ là một khoảnh khắc ngắn ngủi sau mỗi lần chống kẻ thù xâm lược, chiến tranh luôn là thường trực, theo đó ở cuối trường cảnh này vẫn là hình ảnh của một vị quan đầu đội mũ cánh chuồn, áo dài, quần thụng, chân đi hài, đang huấn luyện hai dân binh đóng khố, cởi trần luyện võ tay không. Đó là thực trạng hòa bình và chiến tranh của thời ấy, đã được ông cha ta xử lý một cách tài tình, thông qua một tác phẩm, như một thông điệp cho tới tận hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.

Trên một chiếc thạp hoa nâu khác có niên đại thời Trần, nghệ sĩ tái hiện một cuộc đi săn, không phải của hoàng gia, triều đình vì trang phục của cánh thợ săn này thô sơ và dân dã. Đó là cuộc đi săn của dân làng trong một cánh rừng được diễn tả bằng hai băng nhỏ phía trên, dưới, qua những nét phóng khoáng vẽ cây lá, tràn xuống cả băng chính để tạo nên sự rậm rạp, thâm u của rừng già. Trong cánh rừng ấy, con người quần thảo với muông thú qua cảnh người bắn cung, người cầm dao nhọn chặn đầu con hươu non xấu số. Kết quả là, con hươu bị tóm, để hai người khác khênh trên đòn trở về, như một chiến lợi phẩm của chuyến đi săn. Cuối của trường cảnh này là hai thợ săn đang vây con chim đã bị trúng tên, sã cánh trên mặt đất, nhưng dường như vẫn cố tình vượt thoát. Buổi đi săn có vẻ như thắng lợi, biểu hiện trên nét mặt hoan hỉ của đám thợ săn. Lại một sự phối kết giữa thái bình và thượng võ, thông qua một câu chuyện được nghệ sĩ tài ba Đại Việt kể lại bằng hình ảnh, mà, tinh thần toát ra từ tác phẩm, trội nổi vẫn là sự thanh bình của vùng núi rừng yên tĩnh.

Khát vọng thái bình tập trung nhất là trên một chiếc thạp của một nhà sưu tập người Thái Lan mà tôi mới được xem. Một lễ hội thực sự được diễn giải trên một băng tròn theo chiều ngược kim đồng hồ, qua một đám rước, với cờ quạt, nhẩy múa, qua sự kết hợp giữa con người và vật nuôi (gà, chó), tạo nên sự vui nhộn, ồn ã của một đoàn rước trong một lễ hội làng. Đề tài và bố cục khá giống với tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống và đâu đó có mối liên hệ với các đề tài trên gốm men trắng vẽ lam cù lao Chàm. Nhìn hình ảnh này, tôi chạnh nghĩ tới những chiếc thạp đồng kiểu dáng như gốm hoa nâu, niên đại thời Trần, khắc vẽ những cảnh lễ hội tương tự mà mấy năm trước, tôi đã viết trên Tạp chí Khảo cổ học, càng thấy, không chỉ có nghệ sĩ gốm mà cả với thợ đúc, cảnh tượng thanh bình luôn là niềm khắc khoải, mong mỏi của nhân dân Đại Việt, khi chiến tranh khốc liệt, tàn bạo, luôn là trực quan về sự đau thương mất mát trong mỗi gia đình thời họ sống.

Trích lục và dẫn dụ đôi ba tư liệu để nói về tinh thần thượng võ và khát vọng thái bình của quân dân, vua tôi Đại Việt thời đại nhà Trần, thiết nghĩ chỉ là minh họa thêm cho những điều được ghi chép trong chính sử và những huyền thoại, được truyền tụng trong dân gian. Song, ở bài viết này, câu chuyện không chỉ dừng lại ở đó, mà đề tài mang những cốt chuyện có ý nghĩa như thế, đã đem đến dấu ấn vô cùng quan trọng trong lịch sử gốm sứ Đại Việt. Ngoài yếu tố kĩ thuật đã tạo nên bản sắc mà tôi đã nói đôi chút ở phần mở đầu bài viết này, thì với loại đề tài nêu trên, gốm hoa nâu đã mở đầu cho lịch sử gốm sứ Việt Nam quan tâm tới con người mà dường như, trước nó hay đồng thời với nó là gốm thời Nguyên Trung Hoa không có hoặc vô cùng hiếm hoi. Gốm hoa nâu Việt Nam đề cập tới câu chuyện về con người không lệ thuộc vào các tích cổ Trung Hoa, mà ngay ở đất nước ấy ta thấy duy nhất trên một tiêu bản sứ thời Nguyên, kể tích truyện Tam cố thảo lư thời Tam Quốc. Các triều Minh - Thanh về sau, thợ gốm chủ yếu ghi lại các sự kiện của Hồng Lâu Mộng, Tây Du Ký, Tam Quốc diễn nghĩa, Thủy Hử... Sự mở đầu quan tâm tới đề tài con người và sự vượt thoát khỏi ảnh hưởng của gốm sứ Trung Hoa vẽ người, thông qua các điển tích, gốm hoa nâu đã tạo tiền đề cho gốm hoa lam Đại Việt thời Lê sơ sau này, đi theo hướng miêu tả thân phận con người qua các câu chuyện dân gian đầy sống động mà sưu tập trên tàu cổ cù lao Chàm (Quảng Nam) với một tập hợp khổng lồ đã minh chứng hùng hồn cho nhận xét này. Cạnh một Trung Hoa láng giềng to lớn với một kỹ thuật gốm sứ siêu hạng, gốm hoa nâu nói riêng, gốm sứ Đại Việt nói chung đã mềm dẻo tiếp thu kỹ thuật và công nghệ, chối bỏ những gì không phải là truyền thống để tạo nên bản sắc riêng - Điều mà không dễ gì có thể vượt qua đối với bất cứ quốc gia nào.

Tôi cho rằng, làm được như vậy, quốc gia dân tộc ấy phải có bản lĩnh và bản lĩnh ấy phải được xây đắp trên một cơ tầng văn hóa đủ mạnh và đủ dầy. Cơ tầng dầy và mạnh của Đại Việt chính là văn minh Đông Sơn.

Nhìn vào bố cục, trên gốm hoa nâu, ta thấy bố cục băng dải, có chiều ngược kim đồng hồ, dường như không phải là bố cục trang trí gốm đương thời của Trung Hoa. Đó là sự ảnh hưởng lối bố cục của nghệ thuật đồ đồng Đông Sơn mà trên trống đồng, thạp đồng, đã thể hiện hơn một nghìn năm trước đó. Sự “chối bỏ” tiếp thu đồng đại với gốm sứ Trung Hoa láng giềng và thu nhận tín hiệu của văn hóa truyền thống, có thể coi là một sự lựa chọn khôn ngoan của cha ông ta, thể hiện bản lĩnh tự tôn dân tộc.

Nhìn vào hoa văn trang trí, từ hình người, hình thú đến hoa văn hình học, ta đều thấy phảng phất chất Đông Sơn với lối tả thực, cách điệu, sơ đồ hóa đan xen, là dấu ấn mang tính thời đại của văn hóa Đông Sơn, nhưng lại là một hằng số của nghệ thuật Việt Nam mà gốm hoa nâu thời Trần tiếp thu đậm đặc và tinh túy nhất.

Nhìn vào ngôn ngữ nghệ thuật, ta thấy trên gốm hoa nâu diễn giải các tiểu cảnh và trường cảnh theo mặt phẳng, không có luật viễn cận, không có không gian ba chiều và đôi khi nhìn thấy cả xương bên trong của người và động vật, mà ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại gọi là - Phương pháp X quang. Đó là nghệ thuật Đông Sơn một trăm phần, đã được gốm hoa nâu tiếp thu chọn lọc, nên đã đem tới sự tươi mới so với truyền thống và hoàn toàn khác lạ so với nghệ thuật hội họa nói chung và gốm sứ nói riêng của thời Nguyên - Minh Trung Hoa.

Nhìn vào kỹ thuật thể hiện, gốm hoa nâu dùng que khắc trên phôi, tạo đồ án rồi mới vẽ nâu với sự thô phác đến khó ngờ trên một tác phẩm nghệ thuật - Điều không hề thấy trong kỹ thuật gốm sứ đương thời của Trung Hoa, cũng là một cách biểu hiện khác của đường gân đúc trên đồ đồng Đông Sơn, rồi được nghệ nhân sửa nguội trên từng băng, từng motif hoa văn. Kỹ thuật đổ khuôn đồ gốm để tạo các băng hoa văn chìm mà người chơi cổ ngoạn gọi bằng thuật ngữ “ám họa” vốn là sản phẩm Trung Hoa, nhưng với người Việt thì không mấy ấn tượng, nên người thợ gốm Đại Việt không ưa dùng.

Như vậy là, từ mục đích đầu tiên, chúng tôi muốn bàn đến đề tài trang trí trên gốm hoa nâu, sau rồi, lại muốn đi sâu đến tính khác lạ của dòng gốm này, do sự tiếp thu của nghệ thuật truyền thống, thì tưởng đâu, hai vấn đề chẳng mấy ăn nhập. Thế nhưng, nếu độc giả chú ý dõi theo, đó là hai trong một, hay nói cho thật chính xác là sự tương hỗ, để tạo nên sự thống nhất trong nhân sinh quan: Độc lập dân tộc - Khát vọng hòa bình phải được đắp bồi từ tinh thần của mỗi con người, qua sự kết hợp giữa truyền thống và thời đại. Gốm hoa nâu thời Trần phần nào phản ánh được giá trị ấy để hôm nay cần được phát huy và tiếp nối./.

P.Q.Q

In văn bản