Đang tải... Vui lòng chờ...

Văn miếu Vĩnh Phúc – từ góc nhìn di sản văn hóa

Văn miếu Vĩnh Phúc – từ góc nhìn di sản văn hóa

PGS. TS Đặng Văn Bài

Phó CT Hội DSVHVN

1. Văn miếu là thiết chế văn hóa biểu hiện rõ nét nhất của di sản Nho giáo Việt Nam.

1.1. Văn hóa Nho giáo Việt Nam là một bộ phận cấu thành trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc.

Di sản văn hóa của một quốc gia bao giờ cũng có hai bộ phận cấu thành căn bản là: 1 – Những giá trị văn hóa truyền thống do cộng đồng các dân tộc Việt Nam sáng tạo ra, lưu giữ và kế thừa trong quá trình hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước và đấu tranh chống giặc ngoại xâm giành độc lập dân tộc ; 2 – Những tinh hoa văn hóa nhân loại ( trong đó có văn hóa Trung Hoa) do cộng đồng các dân tộc Việt Nam tiếp thu có chọn lọc và thích nghi một cách sáng tạo, bổ xung, làm giàu thêm kho tàng di sản văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa với các nền văn hóa và văn minh khác của nhân loại (1).

Có thể nói văn hóa Nho giáo thể hiện sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt Nam cũng như khả năng tiếp biến văn hóa rất khôn ngoan của người Việt. Lịch sử cho thấy, cha ông chúng ta khi tiếp thu văn hóa Ấn Độ, Trung Hoa và phương Tây chỉ lựa chọn những yếu tố cần thiết phục vụ cho yêu cầu giải phóng đất nước và  bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia. “ Tiếp thu văn hóa để giữ vững độc lập” (2), đó là cách lựa chọn văn hóa có tính chất đặc sắc của Việt Nam, nó góp phần làm nên “sức mạnh mềm” trong quá trình tạo lập và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc để không bị đồng hóa / hòa tan trong quá trình tiếp biến văn hóa. Đây là niềm tự hào dân tộc mà danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi đã từng hào sảng tuyên bố trong “ Bình Ngô đại cáo”: “Nhớ nước Đại Việt ta từ trước | Vốn xưng nền văn hiến đã lâu | Núi sông bờ coi đã chia | Phong tục Bắc, Nam cũng khác | Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập | Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng cứ một phương”.

 Chúng ta tìm thấy trong Nho giáo những mục tiêu chung là: phát huy trách nhiệm của con người,  khiến các cá nhân biết bỏ ác, theo thiện, giúp mọi người đạt đến trình độ đạo đức cao nhất, khuyến khích các cá nhân tự rèn luyện nhân cách, đạo đức, tích cực nhập thế, tích cực dấn thân vào các hoạt động xã hội, coi trọng gia đình, trọng tình nghĩa. Các triều đại phong kiến Việt Nam đã tiếp thu tinh hoa văn hóa Nho giáo để xây dựng thể chế chính trị, đào tạo nhân tài cho đất nước và cung cấp kiến thức cho các nhà Nho yêu nước đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc và quyền tự chủ của quốc gia. Cũng theo mạch tư duy đó PGS. TS Nguyễn Minh Tường đã khái quát hóa 3 mặt giá trị văn hóa Nho giáo có thể được khái thác và phát huy trong công cuộc đổi mới và hiện đại hóa ở nước ta là:

Thứ nhất, “Văn hóa Nho giáo, Nho học coi trọng kỷ cương, đề cao lòng trung thành, khiến cho từ gia đình, gia tộc đến ngoài xã hội duy trì được nề nếp, trật tự và ổn định để phát triển.

Thứ hai, Văn hóa Nho giáo là nền văn hóa coi trọng học vấn. Nhân cách lý tưởng của người có học vấn là sự dung hòa của cả 3 đức tính Nhân, Trí, Dũng. Con người sống trong xã hội phải biết coi trọng luân thường đạo lý, biết sống có trách nhiệm: “ Đặt lợi ích cộng đồng lên trên lợi ích các nhân”.

Thứ ba, Văn hóa Nho giáo đề cao “Đức trị”, yêu cầu người lãnh đạo vừa phải có tài năng vừa phải có đạo đức, nhất là sự gương mẫu, tận tụy và liêm khiết để dẫn đạo cấp dưới”. (3)

Những nội dung trình bày ở trên góp phần khẳng định Nho giáo là một bộ phận cầu thành kho tàng di sản văn hóa dân tộc và trách nhiệm của chúng ta hôm nay là: Phải bảo tồn và phát huy những tinh hoa văn hóa Nho giáo (đã được Việt Nam hóa | bản địa hóa) phục vụ nhu cầu xây dựng “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Và quan trọng hơn nữa là đáp ứng yêu cầu Độc lập, Tự do và Hạnh phúc cho quốc gia dân tộc trong bối cảnh quốc tế hiện nay.

1.2. Văn Miếu – Thiết chế văn hóa điển hình trong hệ thống di tích Nho giáo Việt Nam.

Trước hết phải nói tới di sản Hán Nôm với tư cách là loại tài sản văn hóa quý giá, chứa đựng lượng thông tin đa dạng liên quan tới tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội Việt Nam thời phong kiến (các trước tác của các bậc danh Nho | Đại khoa, văn khấc Hán Nôm, thần phả, sắc phong, cấu đối đại tự…).

Thứ hai, di sản văn hóa vật thể gắn với Nho giáo Việt Nam là hệ thống thiết chế văn hóa Nho giáo (Văn miếu, Văn chỉ, Từ chỉ, nhà thờ dòng họ của các bậc đại khoa, danh nho, đặc biệt là đền thờ các danh nhân văn hóa tiêu biểu của đất nước). Có thể nói trong thiết chế văn hóa gắn với Nho giáo, hệ thống các Văn Miếu ở Hà Nội (Văn Miếu Quốc tử giám), Văn Miếu Mao Điền – Hải Dương, Văn Miếu Xích Đằng – Hưng Yên, Văn Miếu Vĩnh Phúc (đang được xây dựng và hoàn thiện), chỉ có Văn Miếu  Quốc Tử Giám – Hà Nội là còn giữ được tính chỉnh thể của một hợp thể thiên nhiên – Kiến trúc – Điêu khắc – Hội họa mang những giá trị tiêu biểu về kiến trúc nghệ thuật. Đặc biệt hơn nữa, phải kể tới 82 tấm bia tiến sĩ được Vua Lê Thánh Tông cho dựng để ghi danh các tiến sĩ qua 82 khoa thi  từ 1442 đến 1779 lưu giữ ở khuôn viên Văn Miếu Quốc Tử Giám (4) .Đó cũng là 82 tấm bia đã được UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương vinh danh là Di sản Tư liệu | kí ức của nhân loại.

Thứ ba, trong di sản văn hóa, con người (đặc biệt là các bậc danh Nho) được coi là các chủ thể sáng tạo văn hóa và cũng là sản phẩm hay “siêu phẩm” của văn hóa. Từ góc nhìn di sản văn hóa, ta thấy Nho giáo Việt Nam đã góp phần đào luyện nhiều bậc nhân tài cho đất nước. Và đến lượt mình các bậc danh Nho lại sáng tạo và truyền lại cho thế hệ chúng ta hệ thống các giá trị văn hóa phi vật thể cụ thể là: Tư tưởng nhân văn và tấm gương đạo đức sáng ngời, hết lòng phụng sự phồn vinh và ổn định của các triều đại phong kiến Việt Nam, trong đó các tác phẩm do các bậc danh Nho viết bằng chữ Hán Nôm là loại di sản điển hình nhất.

1.3. Văn Miếu – Quốc Tử Giám là biểu tượng văn hóa của Việt Nam.

Xét về mặt hình thức, Văn Miếu được dựng lên để thờ Khổng Tử, điều này đã được ghi trong quốc sử “Năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) đời vua Lý Thánh Tông, mùa thu, tháng 8 dựng Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối, vẽ tranh Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Vua cho các Hoàng thái tử đến học”, 5. Như vậy, ngay từ lúc khởi dựng, Văn Miếu không chỉ làm nơi thờ tự riêng cho Khổng Tử mà còn là nơi học tập cho các Hoàng thái tử. Đó cũng là sự khúc xạ hay là bản địa hóa yếu tố Nho giáo Trung Hoa.

Theo PGS.TS Ngô Đức Thọ, vào năm 1328 với tài năng xuất chúng của một danh Nho đất Việt, Chu Văn An đã được vua Trần Minh Tông mời về kinh dạy cho Thái tử, sau đó được bổ giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám.Năm 1370 ông qua đời, được vua Trần Nghệ Tông xuống chiếu ban tên thụy là Văn Chinh công và cho tòng tự ở Văn Miếu (6). Đây là lần đầu tiên một vị danh nho Việt Nam được thờ ở Văn Miếu. Và một lần nữa Văn Miếu được bổ sung thêm một vị thần chủ - đại diện cho nền Nho học Việt Nam – Tư Nghiệp Quốc Tử Giám – Chu Văn An. Cũng theo PGS.TS Ngô Đức Thọ “Vào năm Hồng Đức 15 (1484), sau khi cho soạn và in xong Đăng Khoa lục, vua Lê Thánh Tông đã quyết định dựng bia Tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám Thăng Long, sử dụng một phương thức đột xuất để lưu danh nhân tài mà các sách đăng khoa lục “thầm lặng” không đáp ứng được”.(7).Như vậy Văn Miếu – Quốc Tử Giám lại có thêm  một chức năng văn hóa mới: Lưu danh và tôn vinh nhân tài đất nước.

Theo tài liệu lịch sử vào năm 1805, Tổng trấn Hà Nội Nguyễn Văn Thành cho dựng thêm ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám một kiến trúc mới là Khuê Văn Các (gác vẻ đẹp của sao Khuê) với tinh thần đề cao học vấn, văn chương thơ phú_biểu hiện tầm nhìn về giáo dục mang đậm tinh thần hiếu học và khuyến học của Việt Nam.

Năm 1999 chuẩn bị kỉ niệm ngàn năm Thăng Long – Hà Nội, UBND Thành phố đã khởi công xây dựng  “Nhà thái học” với hai hợp phần kiến trúc: Nhà Tiền đường 9 gian dùng làm không gian trưng bày tổ chức các sự kiện văn hóa (hội thảo khoa học, giới thiệt văn hóa nghệ thuật dân tộc…). Nhà Hậu đường có hai tầng: Tầng một là nơi thờ và cũng là tôn vinh Chu Văn An với tư cách là Tư nghiệp Quốc Tử Giám – Trường đại học đầu tiên của Việt Nam; đồng thời trưng bày khái quát lịch sử hình thành và phát triển Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Tầng hai thờ ba vị vua – ba vị danh nhân có công dựng Văn Miếu – Quốc Tử Giám và có đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển nền Nho học dân tộc.

Có thể nói, trải qua hàng ngàn năm phát triển, Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã có những thay đổi, bổ xung các chức năng xã hội mới theo hướng làm cho tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo ngày càng nổi trội hơn và chức năng thờ Khổng Tử không còn quan trọng như lúc ban đầu. Xu hướng đó đã làm cho Văn Miếu – Quốc Tử Giám trở thành biểu tượng văn hóa của Việt Nam – Không gian văn hóa công cộng có sức hút xã hội lớn trong đô thị Thăng Long – Hà Nội hiện đại.

2. Văn miếu Vĩnh Phúc là sự tiếp nối truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Có lẽ cần dẫn ra ở đây một số nội dung văn bia có ý nghĩa văn hóa thâm sâu mà cha ông muốn nhắn gửi làm cho thế hệ mai sau có thể hiểu rõ mục tiêu cao cả khi xây dựng mở rộng Văn Miếu – Quốc Tử Giám và đặt bia tiến sĩ. Tấm bia năm 1616 do Đại học sĩ Thân Nhân Trung soạn với ý tưởng nhân văn “ Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí vững thì thế nước mạnh, nguyên khí kém thì thế nước yếu và suy, cho nên các đấng thánh đề minh vương không ai không lo xây dựng nhân tài”. Bia năm 1679 lại đưa ra tuyên ngôn “Đặt khoa thi thu nạp hiền tài là để tạo công cụ làm nên cuộc bình trị (tôi nhấn mạnh), nêu tên họ lưu truyền hậu thế là để biểu dương việc tốt trong văn, bởi vì trong đạo sùng Nho là lòng tốt của đấng minh chủ, văn vật đầy đủ là phép hay của đời thái bình, đâu phải là mục đích khoe khoang lòe loẹt”. Bia văn 1481 lại nhắc nhở trách nhiệm  và đạo lý của người trí thức “Để làm trạng nguyên chân giá trị, ông tiến sĩ danh thực xứng nhau, trên không phụ ơn tri ngộ của triều đình, dưới không phụ với những điều mình đã học”. Bia năm 1478 lại mang ý răn đe những kẻ chỉ muốn làm quan vinh thân, phì gia mà quên trách nhiệm xã hội “Nếu kẻ nào nhờ việc thi đỗ để làm cái cầu ấm no, mượn con đường ấy để làm lối tắt ra làm quan, chỉ biết mưu cho thân, không nghĩ đến việc nước thì người ta sẽ chỉ tận tên mà nói: Kẻ này gian, kẻ này nịnh, kẻ này đặt việc nhà lên trên việc nước, làm gầy người, béo mình, kẻ này hãm hại người thiện, bè đảng với lũ gian, nhơ nhuốc cho khoa mục”. (8)

Rõ ràng mục tiêu chính của người Việt khi cho dựng Văn miếu không phải chỉ để thờ Khổng Tử. Cha ông ta đã lợi dụng việc thờ Khổng Tử để “tạo công cụ làm nên cuộc bình trị”, dựng Văn Miếu để treo tấm gương sáng của các bậc danh Nho đất Việt, để truyền dạy những bài học lịch sử sâu sắc cho muôn đời con cháu mai sau. Đọc những câu chữ văn bia nhắc tới ở trên ta thấy thấp thoáng đâu đó việc lãng quên lời dạy của cha ông sẽ là “tội ác”, sẽ là ‘thảm họa” đối với xã hội hôm nay.

Tiếp cận Văn Miếu – Quốc Tử Giám (di tích Nho giáo) từ góc nhìn di sản văn hóa ta thấy, đây chính là thiết chế văn hóa đặc trưng hàm chứa các mặt giá trị tiêu biểu: “Là biểu tượng của nền văn hiến Việt Nam, là nơi tôn vinh và tiếp nối truyền thống hiếu học, một hình thức khuyến học, duy trì thuần phong mĩ tục của Việt Nam và là nơi bảo tồn lưu giữ các hiện vật văn hóa quý báu của cha ông” (9) .Với phương pháp tiếp cận như vậy có thể khẳng định, việc các tỉnh, thành phố đã từng có thiết chế văn hóa – văn miếu nhưng đã bị tàn phá trong quá trình lịch sử do nhiều nguyên nhân khác nhau như ( Sơn Tây, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Hà Tĩnh…) thì ngày nay cần được xây dựng lại để duy trì và tiếp nối truyền thống văn hóa tốt đẹp của cha ông chứ không nhất thiết phải hướng vào mục đích thờ Khổng Tử (mặc dù ông là một danh nhân văn hóa nổi tiếng trên thế giới).

Chúng ta ai cũng khẳng định, giáo dục là quốc sách hàng đầu thì không có lý do gì không ủng hộ chủ trương của tỉnh Vĩnh Phúc đầu tư xây dựng Văn Miếu với tư cách là một không gian văn hóa công cộng góp phần làm nên diện mạo kiến trúc mới của một đô thị đang phát triển – TP Vĩnh Phúc. Có thể hiểu, không gian công cộng là một đối tượng không gian chính quy, thiết yếu trong cấu trúc không gian đô thị. Đó là nơi, chốn mà tất cả mọi người đều có quyền tiếp cận, không phân biệt địa vị xã hội hay điều kiện kinh tế. Và do đó, nó là không gian thực sự chung của mọi người. Trong quy hoạch phát triển đô thị người ta quan niệm không gian đô thị là “công cụ không gian” có chức năng duy trì mối quan hệ “tương tác vật lý” giữa các cơ quan quản lý nhà nước và xã hội (thông qua việc tổ chức các sự kiện chính trị, văn hóa có tính chính thống). Mặt khác không gian đó còn tạo lập những điều kiện thuận lợi nhất cho sự giao tiếp; tương tác cộng đồng giữa các nhóm cư dân đô thị (những người có xu hướng “bị nhốt” lại trong các không gian kiến trúc khép kín của các khu chung cư, nhà cao tầng) để họ có cơ hội thiết lập và duy trì các mối quan hệ xã hội có tính cộng đồng, cũng như hưởng thụ các dịch vụ đô thị mà pháp luật đã quy định. Nếu hiểu khái niệm không gian công cộng như vậy, thì việc chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc đầu tư xây dựng Văn Miếu Vĩnh Phúc – không gian văn hóa công cộng – một bộ phận trong cấu trúc không gian đô thị Vĩnh Phúc là hoàn toàn hợp lý. Hoạt động đó phải được nhìn nhận như là việc thực hiện trách nhiệm của chính quyền trước người dân | cộng đồng cư dân đô thị.

Đứng trước hiện tượng các đô thị lịch sử như Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh… đang phát triển nóng theo hướng cài cắm các tòa nhà cao tầng vào trung tâm đô thị , làm cho các không gian văn hóa công cộng (không gian các di tích lịch sử, văn hóa, vườn hoa, công viên, hồ nước,…) bị co hẹp lại một cách đau sót, thì việc Vĩnh Phúc dành hẳn một quỹ đất đô thị rộng tới 4,2 ha để xây dựng Văn Miếu là rất đáng coi trọng. Mặt khác cũng cần đặt Văn Miếu Vĩnh Phúc trong thế so sánh với một số không gian công cộng khác đã có để nhìn nhận vấn đề thấu đáo hơn. Ta thấy trên bản đồ quy hoạch đô thị Vĩnh Phúc đang có sự hiện diện của một số không gian công cộng: Công viên quảng trường tình yêu rộng 26ha trong đó có Quảng trường Hồ Chính Minh rộng 8,8ha, Chùa Hà | Hà Tiên với 32 hạng mục đang từng bước được xây dựng trên một không gian rộng 5,9ha. Tiếp đến là Thiền Viện Trúc Lâm - Tây Thiên trên một quả đồi rộng 4,5ha và vùng rừng ngoại vi rộng tới 50ha. Điều này chứng tỏ, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có ý thức trong việc tạo lập sự cân bằng động giữa Sinh thái – Kinh tế - Văn hóa. Đó là xu hướng phổ quát mang tính toàn nhân loại. Và cuối cùng là khu danh thắng Tam Đảo linh thiêng, rộng tới 252ha nằm ở độ cao 900m so với mặt nước biển. Đưa ra những dẫn chứng cụ thể như vậy là để mọi người cùng bày tỏ thái độ trân trọng trước tầm nhìn của lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc và các kiến trúc sư đô thị. Theo quan niệm chủ quan của tôi, nếu tầm nhìn quy hoạch như thế được quản lý chặt chẽ và triển khai thật bài bản, chắc chắn Vĩnh Phúc sẽ có những giá trị di sản mang tính nhân văn trao truyền lại cho thế hệ mai sau mà không có điều gì phải tiếc nuối và hổ thẹn. Điều đó thể hiện trách nhiệm cao cả của những nhà quản lý thực sự vì dân, vì nước.

Từ quan điểm tiếp cận nêu trên, chúng ta tiếp tục xem xét cụ thể trường hợp Văn Miếu Vĩnh Phúc. Công trình được xây dựng trên 1 khuôn viên rộng 4,2ha, trong đó tổng mặt bằng xây dụng (công trình kiến trúc, sân hành lễ) chỉ chiếm 1,1ha tức là tỷ lệ xây dựng là 28%, phần chính còn lại là 3,1ha chủ yếu là sân vườn, cây xanh, thảm cỏ và mặt nước. Vậy xét về cơ bản, thiết chế văn hóa Nho giáo này thực chất bao chứa nội hàm của một không gian văn hóa công cộng trong cấu trúc không gian đô thị nói chung. Và có thể hiểu, ở đây có hai hợp phần: Công viên cây xanh và kiến trúc vật của “cái gọi là Văn Miếu Vĩnh Phúc”. Từ ngoài đi vào lần lượt ta nhìn thấy: 4 tứ trụ bằng đá khối, cầu đá nối tứ trụ và Văn Miếu môn gồm 1 cổng chính và 2 cổng phụ. Tiếp theo sau là khuôn viên có Hồ Thiên Quang hình vuông, đối xứng 2 bên là 2 dãy nhà bia tiến sĩ, mỗi bên có 9 bia ghi danh 91 vị đỗ đại khoa của tỉnh Vĩnh Phúc từ thời Lý đến thời Nguyễn. Đại Thành môn là cổng ngăn giữa hồ Thiên Quang và sân hành lễ. Qua Cửa Đại Thành là đến khu nội tự văn miếu được ngăn với không gian bên ngoài bởi lớp tường bao xây bằng đá khối. Sân hành lễ có diện tích 2.912m2 có sức chứa khoảng 3000 người là nơi có thể tổ chức các sự kiện văn hóa công cộng và các loại hình dịch vụ khác nhau (chức năng của không gian văn hóa công cộng). Sát ngay sân hành lễ và khu nhà Tiền đường 5 gian 2 trái là nơi làm lễ trước khi vào hậu cung và cũng có thể sử dụng làm nơi tổ chức các cuộc hội thảo khoa học và các dịch vụ văn hóa. Tòa Hậu cung có hai tầng. Tầng một là không gian trưng bày giới thiệu truyền thống Nho học của Vĩnh Phúc từ quá khứ đến hiện tại. Tầng hai chủ yếu thờ Chu Văn An với tu cách là Tư nghiệp Quốc Tử Giám – “Trường đại hoc đầu tiên” của Việt Nam và cũng là gương mặt danh nhân văn hóa tiêu biểu của nền Nho học dân tộc. Hai bên là không gian tôn vinh 8 bậc đại khoa, đại diện cho 8 địa phương của Vĩnh Phúc. Phía trước được dự kiến phối thờ Khổng Tử với tư cách là người đại diện cho nền Nho học của các nước Đông Á, trong đó có Việt Nam. Theo tôi được biết còn 1 hạng mục nữa là nhà bia tổng – nơi phản ánh nhận thức của thế hệ chúng ta về giá trị văn hóa Nho giáo Việt Nam. Đồng thời qua đó gửi tới thế hệ mai sau những thông điệp văn hóa của lớp người hôm nay (Nội dung văn bia hiện đang trong quá trình biên soạn). Đây cũng là cách tổ chức không gian thờ tự ở Văn Miếu dự kiến sẽ xây dựng tại Nghệ An và Hà Tĩnh.

Nhìn tổng thể ta thấy, Văn Miếu Vĩnh Phúc đóng vai trò của một không gian văn hóa công cộng trong không gian một đô thị hiện đại. Riêng không gian tín ngưỡng mang tính chất “văn hóa tâm linh” lại hướng vào mục tiêu vinh danh Chu Văn An và 8 bậc đại khoa của địa phương là chủ yếu, Khổng Tử là một yếu tố được phối thờ, vì thần chủ ở đây chính là các gương mặt văn hóa Nho học Việt Nam. Việc phối thờ Khổng Tử trong không gian văn miếu các địa phương không làm lu mờ, lấn át truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Ngược lại, nó chứng minh tính khoan dung và khả năng tiếp biến văn hóa – nhân tố làm nên sức mạnh tinh thần của Việt Nam. Cuối cùng  phải khẳng định, cùng với Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội cũng như Văn Miếu ở các địa phương khác, Văn Miếu Vĩnh Phúc xứng đáng được coi là những biểu tượng của nền văn hiến quốc gia.

Đ.V.B

 

Tài liệu tham khảo

1. PGS. TS Đặng Văn Bài “Nho giáo Việt Nam_Từ góc nhìn di sản văn hóa”. Kỷ yếu Hội nghị khoa học các đơn vị quản lý di tích Nho học Việt Nam. Hà Nội 2011, tr43

2. Phan Ngọc, Bản sắc văn hóa Việt Nam. NXB Văn học. Hà Nội 2015, tr44

3. PGS. TS Nguyễn Minh Tường “Những vấn đề chung về Nho học và di tích Nho học ở Việt Nam”, sđd tr23.

4. PGS. TS Ngô Đức Thọ, Văn Miếu Quốc Tử Giám và 82 tấm bia tiến sĩ. Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học văn miếu Quốc Tử Giám. Hà Nội 2001, tr7

5. Toàn thư BK3 – 5a

6. PGS. TS Ngô Đức Thọ, Sđd tr28

7. PGS. TS Ngô Đức Thọ, Sđd tr47

8. PGS. TS Ngô Đức Thọ, Sđd tr10

9. PGS. TS Nguyễn Minh Tường, Sđd tr26

 

 

In văn bản