Đang tải... Vui lòng chờ...

Ý kiến trao đổi về bảo tồn và phát huy di tích đền Thái, Đông Triều, Quảng Ninh

Riêng với đền Thái và các khu lăng mộ, ngoài tính chất lưu niệm danh nhân, còn có ý nghĩa quan trọng về mặt tâm linh vì nó gắn với nơi thờ tự và phần mộ - nơi an nghỉ trong cõi vĩnh hằng của các vị vua Trần. 

1. Nhận diện giá trị và thực trạng di tích

1.1. Trước hết cần phải khẳng định đây là di tích lịch sử mang tính chất lưu niệm sự kiện và danh nhân. Tính chất lưu niệm đã nâng tầm giá trị của di tích vì nó gắn với Vương triều Trần và 14 vị vua nhà Trần - một vương triều phong kiến kéo dài 175 năm lịch sử và đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc về các mặt: chính trị, quân sự và văn hóa. Đây là vương triều phong kiến thịnh trị vào bậc nhất trong lịch sử dân tộc mà thành tựu lớn lao trong sự nghiệp dựng nước còn để lại dấu ấn tại thương cảng Vân Đồn và trong khu di tích Hoàng thành Thăng Long vừa được UNESCO đưa vào danh mục Di sản văn hóa thế giới. Chúng ta có quyền tự hào là ở thời Trần, quân và dân Đại Việt đã lập nên chiến công hiển hách 3 lần chiến thắng quân Nguyên Mông bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và nền độc lập dân tộc. Đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa, vua Trần Nhân Tông đã có công sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - khẳng định tư tưởng độc lập về văn hóa với Trung Hoa. Đền Thái vốn được coi là thái miếu của vương triều Trần - nơi thờ các vị vua Trần, trong đó có lăng mộ Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, Trần Hiển Tông ở thôn Trại Lốc, ngay sau đền Thái. Trong kho tàng di sản văn hóa của nhân loại, phàm những gì gắn bó trực tiếp tới hoàng gia, đặc biệt là với các vị vua anh minh của các quốc gia, đều được coi trọng và được đánh giá cao về giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học.

Riêng với đền Thái và các khu lăng mộ, ngoài tính chất lưu niệm danh nhân, còn có ý nghĩa quan trọng về mặt tâm linh vì nó gắn với nơi thờ tự và phần mộ - nơi an nghỉ trong cõi vĩnh hằng của các vị vua Trần. Nội dung tâm linh là hạt nhân tạo ra “tính thiêng liêng” trong không gian văn hóa của di tích.

Khu di tích đền Thái

Khu di tích đền Thái - Đông Triều

Tôi cho rằng, tính chất và giá trị của di tích quy định thái độ ứng xử văn hóa của chúng ta trong các hoạt động tu bổ, tôn tạo và phát huy di tích.

1.2. Đền Thái cũng là một trong trong những phế tích kiến trúc mang tính chất khảo cổ học lớn của Việt Nam (chỉ sau di tích khảo cổ học ở 18 Hoàng Diệu - Ba Đình, Hà Nội) đã được phát lộ nền móng trên một khu vực rộng 2ha, choán gần hết cả quả đồi trồng vải hiện nay. Cũng có thể coi đây là thành quả tốt đẹp của việc hợp tác giữa hai ngành văn hóa và khảo cổ trong lĩnh vực điều tra, khảo sát và khai quật khảo cổ tại các di tích lịch sử văn hóa. Đây cũng là phương hướng đúng đắn trong việc xử lý các phát hiện khảo cổ học, nghĩa là phải đầu tư nghiên cứu đến tận cùng những di tích được phát lộ để có thể hiểu tương đối tường tận về quy mô và giá trị tổng quát của di tích. Nếu tôi không nhầm, thì đây cũng là lần đầu tiên chúng ta tiến hành khai quật trọn vẹn mặt bằng tổng thể của một công trình kiến trúc trên một diện rộng đến như thế mà không dừng lại giữa chừng, không chấp nhận cách làm nửa vời (theo kiểu “thày bói xem voi”), không hài lòng với một vài hố thám sát với diện tích vài trăm mét vuông chỉ đủ cho một bản báo cáo nhỏ trong các kỳ thông báo khảo cổ học hàng năm. Ban quản lý các di tích trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh đã hợp tác chặt chẽ và tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho các nhà khoa học của Viện Khảo cổ thực hiện một dự án nghiên cứu khảo cổ có chất lượng như trường hợp đền Thái, Đông Triều, Quảng Ninh. Đây là hướng xử lý khoa học, chính xác cần được khuyến khích và ủng hộ. Tôi chỉ còn băn khoăn một điểm là khâu chỉnh lý khoa học cuối cùng và bảo quản cấp thiết các di vật được phát lộ có được duy trì theo đúng quy chế khai quật khảo cổ do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành hay không.

Theo báo cáo sơ bộ (cái mà chúng tôi mong đợi là báo cáo khoa học cuối cùng), kết quả nghiên cứu, khai quật di tích đền Thái năm 2009 - 2010 đã phát lộ những dấu vết kiến trúc quan trọng như sau:

1.2.1. Dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn

Theo ghi chép trong thần tích đình Đốc Trác và dấu vết kiến trúc còn lại thì nền móng của kiến trúc được phát hiện có thể được xây dựng ở đầu thế kỷ XX với diện tích mặt nền (phủ bì) là 77,9m2 (11,6 x 6,8).

1.2.2. Dấu ấn kiến trúc thời Trần, qua 3 giai đoạn phát triển, tổng cộng có 32 công trình kiến trúc đã được phát lộ, với 20 mặt bằng kiến trúc, 10 khoảng sân vườn, 01 dấu vết đường đi và 01 bậc tam cấp (giai đoạn I có 13 công trình kiến trúc tạo nên 1 chỉnh thể mặt bằng hình chữ nhật; giai đoạn II, ngoài 12 công trình kiến trúc, 05 khoảng sân trong khu vực trung tâm còn có thêm 6 kiến trúc, 05 khoảng sân và 01 bậc thang lên xuống liên kết với kiến trúc trung tâm thành quần thể khép kín; giai đoạn III, kiến trúc trung tâm được bố cục lại một số vị trí, đồng thời được mở rộng và xây mới các công trình kiến trúc ở phía Tây).

Cũng theo nhận định trong báo cáo sơ bộ, ta thấy đây là dự án nghiên cứu khảo cổ học “lần đầu tiên phát hiện một quần thể kiến trúc thời Trần có mặt bằng còn đầy đủ và rõ ràng” các lớp lang cụ thể. Vì vậy, những gì được phát hiện và bảo tồn trong khu phế tích kiến trúc thời Trần ở đền Thái, Đông Triều, Quảng Ninh sẽ là đối chứng vật chất giúp ta suy đoán và so sánh với các dấu ấn kiến trúc thời Trần phát hiện ở các địa phương khác.

1.3. Phế tích kiến trúc mang tính chất khảo cổ học là thuộc tính cơ bản của di tích đền Thái, Đông Triều, Quảng Ninh. Và do đó, nó cũng có những đặc trưng chung của một di tích khảo cổ như:

- Nằm sâu trong lòng đất và phải nghiên cứu bằng phương pháp khảo cổ học là chủ yếu.

- Phế tích kiến trúc cũng có nghĩa là ở trạng thái hoang phế, không nguyên vẹn, thậm chí còn ở trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng sau khi được phát lộ. Đặc biệt nhất là, một phế tích kiến trúc bao giờ cũng mất khả năng duy trì công năng kiến trúc ban đầu (như một thái miếu thời Trần theo suy đoán của nhóm khai quật).

- Một phế tích kiến trúc mang tính chất khảo cổ học thường được phát lộ trong tình trạng có nhiều lớp văn hóa, nhiều giai đoạn kiến trúc đan xen, chồng lấp lẫn nhau. Đặc trưng này đặt ra yêu cầu phải có sự phối hợp liên ngành thật chặt chẽ (kỹ năng làm việc theo nhóm) của các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực có liên quan để đưa ra những kết luận hợp lý về các mặt giá trị và giải pháp bảo tồn và phát huy di tích.

- Là một phế tích kiến trúc mang tính chất khảo cổ học đã bị vùi lấp hàng trăm năm trong lòng đất nên về bản chất, những thông tin khoa học, những thông điệp văn hóa hàm chứa trong di tích khảo cổ thường mang tính khách quan, chân thực (tính nguyên gốc và tính xác thực lịch sử), có độ tin cậy khá cao. Đồng thời, đây cũng là loại “tài liệu câm”, bắt buộc các nhà nghiên cứu phải suy đoán, đặt nhiều giả thiết khoa học khác nhau trong việc lý giải các sự kiện, hiện tượng lịch sử cũng như xác định giá trị của di tích. Và đôi khi, rất khó có được sự đồng thuận tuyệt đối - bởi vì, phàm những gì đã là suy đoán, giả thiết khoa học thì có thể đúng, có thể dung sai hoặc chỉ đúng một phần. Nhưng dù sao, từ góc độ khoa học thì di tích khảo cổ học là loại tài liệu lịch sử vô cùng quý giá. Nhất là trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt (ẩm ướt, bão lụt), nhiều biến động lịch sử lớn (hơn 13 thế kỷ có chiến tranh chống ngoại xâm), và đặc biệt là, hoạt động lưu trữ tư liệu ở Việt Nam trong quá khứ chưa được quan tâm thỏa đáng, thì những thông tin, tư liệu lịch sử được lưu lại qua các di tích lịch sử, văn hóa là nguồn tư liệu bổ sung rất quan trọng cho các nhà nghiên cứu lịch sử.

Những đền đài, lăng mộ nhà Trần ở Đông Triều xưa kia nay phần lớn chỉ còn là phế tích với những hiện vật còn sót lại như thế này.

Những đền đài, lăng mộ phần lớn là phế tích còn sót lại

2. Tính chất đặc thù và tình trạng bảo quản của phế tích kiến trúc đền Thái đặt ra cho chúng ta yêu cầu phải có cách tiếp cận linh hoạt, để thận trọng đưa ra những giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di tích thích hợp nhất, đáp ứng được nhiều loại nhu cầu xã hội khác nhau

2.1. Quy hoạch bảo tồn di tích đền Thái cần được đặt ra trong bối cảnh các di tích có liên quan tới vương triều Trần trong cả nước và tỉnh Quảng Ninh ở các cấp độ sau đây:

Thứ nhất, có thể so sánh, đối chiếu với các dấu ấn kiến trúc được phát lộ và hai dự án khai quật khảo cổ trên địa bàn Hà Nội là: khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long và phế tích kiến trúc chùa Báo Ân, Gia Lâm. Cả hai di tích này đều gắn với vương triều Trần và cũng được nghiên cứu, phát lộ bằng phương pháp khảo cổ học. Một bên là dấu ấn kiến trúc cung đình và phía kia là kiến trúc tín ngưỡng, tôn giáo gắn với các vị vua Trần có thời gian ở ngôi tương đối gần nhau và chắn chắn sẽ có những nét tương đồng với kiến trúc ở đền Thái, Đông Triều, Quảng Ninh.

Thứ hai, cũng theo các nhà nghiên cứu, thì Đông Triều, Quảng Ninh là quê hương đầu tiên, Long Hưng, Hưng Hà, Thái Bình là nơi phát khởi và Thiên Trường, Nam Định là nơi lập hành cung nhà Trần giai đoạn phồn thịnh nhất, còn Thăng Long là trung tâm quyền lực chính trị - hành chính của cả vương triều - kinh đô của cả nước. Do đó, rất cần so sánh, đối chiếu xem những công trình nghiên cứu, những phát hiện khảo cổ học và đặc biệt là các dự án bảo tồn và tôn tạo, phát huy giá trị do hai tỉnh Nam Định và Thái Bình đã và đang thực hiện như thế nào?

Khu di tích đền Trần - Thái Bình

Khu di tích đền Trần - Thái Bình

- Theo tài liệu lịch sử, các vua Trần chọn làng Thâm Động làm nơi xây dựng hành cung Lỗ Giang và An Lăng ở phía Nam, cách khu lăng mộ 7 vị vua Trần ở Tiến Đức, Hưng Hà khoảng 6km. Trước Cách mạng tháng Tám, khu quốc miếu còn có hiện diện ba cung, ba tòa, 13 gian, hai bên có nhà tả, hữu vu. Người dân Thái Bình tự hào coi Hưng Hà là quê hương - nơi khởi nghiệp của nhà Trần vì các vị vua và quan lại cao cấp triều Trần đều được sinh ra ở đây.

- Người Nam Định lại quan niệm vùng Tức Mặc, Thiên Trường (4 xã phía Bắc thành phố Nam Định là Lộc Vượng, Lộc Hạ, Mỹ Trung và Mỹ Phúc) là đất dấy nghiệp và lập căn cứ địa của 3 lần chống giặc Nguyên Mông. Ngoài các công trình kiến trúc hiện còn trên mặt đất (chùa, tháp Phổ Minh, đền Trần Hưng Đạo và một số đền miếu có liên quan), thì phần lớn cung điện, đền đài thuộc hành cung Thiên Trường cũng như các dinh thự, thái ấp của các tướng lĩnh cao cấp của triều đình (Thái sư Trần Thủ độ, Thái sư Trần Quang Khải) bao quanh khu hành cung đều tồn tại dưới dạng phế tích kiến trúc mang tính chất khảo cổ học. Bằng chứng là, qua nhiều đợt nghiên cứu, khai quật khảo cổ tại Thiên Trường, hàng ngàn di vật và nền móng kiến trúc (gốm có chữ “Thiên Trường phủ chế”, gạch lát nền hình vuông có chữ “Vĩnh Ninh Trường”…) đã được phát hiện. Có thể coi, những phát hiện khảo cổ ở đây là bằng chứng khoa học để coi Hành cung Thiên Trường là kinh đô thứ hai của nhà Trần sau Thăng Long. Và đây cũng là lý do để Thủ tướng Chính Phủ có quyết định số 252/2005/QĐ-TTg ngày 12/10/2005 phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần tại Nam Định đến năm 2015 với tổng diện tích tự nhiên khoảng 1.984 ha (vùng bảo tồn đặc biệt 669 ha và cùng bảo tồn riêng biệt 1.315 ha).

Thứ ba, đền Thái cần được kết nối với các di tích gắn với vương triều Trần tại Đông Triều nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung.

- Theo số liệu của Ban quản lý các di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh thì tại Đông Triều, trên phạm vi rộng 2.206 ha, đã hình thành sự kết nối 14 điểm di tích, với trung tâm là đền An Sinh và lăng mộ nhà Trần, phân bố ở 4 xã: An Bình, Bình Khê, Thủy An và Tràng An (đền An Sinh, lăng Tư Phúc, đền Thái, Thái Lăng, Mục Lăng, Đồng Hỷ Lăng, chùa quán Ngọc Thanh, chùa am Ngọa Vân, chùa Tuyết, chùa Quỳnh Lâm và chùa Hồ Thiên). Hầu hết, các điểm di tích kể trên đều ở trong tình trạng phế tích do nhiều nguyên nhân (chiến tranh, khí hậu, thời tiết, đắp đập làm hồ thủy lợi, đào bới trái phép, trộm cắp cổ vật…).

- 14 điểm di tích ở Đông Triều lại phải được nhìn thận trọng trong bối cảnh các di tích liên quan đền nhà Trần tại tỉnh Quảng Ninh như: khu di tích và danh thắng Yên Tử (Trung tâm của Thiền phái Trúc Lâm), khu di tích lịch sử Bãi cọc Bạch Đằng (chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ 3 năm 1288).

Tóm lại, phần nhiều các di tích gắn với vương triều Trần, đã được các tỉnh, thành phố quan tâm tu bổ, tôn tạo, cá biệt được phép xây dựng các dự án tổng thể với nguồn vốn đầu tư lớn, để tạo dựng những sản phẩm văn hóa đặc thù kết hợp với phát triển du lịch bền vững. Tôi nghĩ rằng, đền Thái cũng cần được ưu tiên giải quyết theo hướng trên.

2.2. Theo tinh thần của Luật di sản văn hóa năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa năm 2009, tất cả các di tích đã được xếp hạng dù ở cấp nào (di tích cấp tỉnh, di tích cấp quốc gia hay di tích cấp quốc gia đặc biệt) đều bình đẳng trước pháp luật và được coi trọng như nhau.

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia “chống xuống cấp và tôn tạo di tích” có đưa ra tiêu chí quy định mức độ thứ tự ưu tiên như sau:

-Di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến;

-Di tích kiến trúc có giá trị hiện ở trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng;

-Di tích có khả năng gắn với phát triển du lịch.

Như vậy, các di tích gắn với vương triều Trần, dù ở địa phương nào, cũng cần được tôn trọng như nhau và đều có vị trí xứng đáng trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam. Điều đáng quan tâm ở đây là, trên thực tế, vẫn còn tồn tại những nhận thức mang tính cục bộ địa phương cần được điều chỉnh như:

- Cả ba địa phương (An Sinh - Đông Triều, Long Hưng - Hưng Hà, Tức Mặc - Thiên Trường) đều có xu hướng coi (chỉ có) mình là quê gốc, quê hương khởi nghiệp của nhà Trần. Trước đây, ở cả 3 nơi đều tồn tại một thái miếu thờ các vua Trần, điều đó chứng tỏ không chỉ nhà Trần, mà cả các triều đại/ thế hệ sau đều coi trọng cả 3 khu di tích như nhau và ngày nay, con cháu cùng nên theo gương đó.

- Giữa Long Hưng, Hưng Hà (Thái Bình) và Anh Sinh, Đông Triều (Quảng Ninh) hiện vẫn còn vương vấn với câu hỏi: Đâu là quê gốc? Đâu là khu lăng mộ gốc của các vua Trần? Liệu di cốt của các vua Trần có bị chuyển từ Long Hưng, Hưng Hà sang An Sinh, Đông Triều hay không? Tôi nghĩ rằng, không cần thiết phải băn khoăn với những câu hỏi còn tồn nghi như thế, vì chắc chắn không một ai có đủ thẩm quyền và khả năng xác quyết điều đó. Vả lại, việc đưa ra những câu hỏi như thế cũng là xúc phạm tới yếu tố tâm linh của cộng đồng cư dân các địa phương có di tích. Bởi vì, hàng trăm năm nay, họ bỏ công, góp sức giữ gìn, tu bổ, tôn tạo di tích với một xác tín là được vinh dự coi sóc phần mộ của các vua Trần. Điều duy nhất có thể khẳng định được là: cả ba vùng đất An Sinh - Đông Triều, Long Hưng - Hưng Hà, Tức Mặc - Thiên Trường đều gắn bó mật thiết với vương triều Trần và ở mỗi địa phương đều có một thiết chế tôn giáo, tín ngưỡng đặc thù là thái miếu thờ các vị vua Trần. Quan niệm dân gian Việt Nam cũng thật giản dị là: vị thần linh mà mình tôn thờ càng được nhiều địa phương ngưỡng vọng, chứng tỏ uy tín, tài năng, đức độ và sự tỏa sáng, tầm ảnh hưởng của thần linh càng đạt tới mức độ cao hơn. Đó là điều đáng mừng, đáng tự hào và cũng là hiện tượng văn hóa khá phổ biến ở nước ta... Do đấy, vấn đề đáng quan tâm là Quảng Ninh, mà cụ thể là Đông Triều, đã và sẽ có những hoạt động gì nhằm tôn vinh vua tôi nhà Trần cho tương xứng với công lao của triều đại này, và tất nhiên, cũng cần so sánh với hoạt động của các tỉnh bạn để có định hướng đúng cho tương lai.

2.3. Một vài kiến nghị cụ thể về bảo tồn và phát huy giá trị di tích đền Thái:

Thứ nhất, hai tỉnh Nam Định và Thái Bình đều xây dựng và được phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo các di tích liên quan tới vương triều Trần gắn với phát triển du lịch bền vững, trong đó có một số dự án thành phần đã được triển khai trong thực tiễn. Ngay tại Quảng Ninh, 3 di tích trọng điểm là: Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, Khu di tích lịch sử Bãi cọc Bạch Đằng và Khu di tích khảo cổ Thương cảng Vân Đồn cũng đã được triển khai các dự án quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy lâu dài. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy di tích đền Thái phải trở thành một dự án thành phần quan trọng trong dự án quy hoạch tổng thể bảo tồn và tôn tạo các di tích liên quan đến vương triều Trần ở Đông Triều, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm thực tiễn ở các di tích cùng loại hình ở Quảng Ninh, Nam Định và Thái Bình.

Thứ hai, đền Thái - với tư cách là một phế tích kiến trúc, mang tính chất khảo cổ học, tất yếu phải có cách tiếp cận và những nguyên tắc đặc thù, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Cần lưu ý là, vì di tích phân bố trên triền đồi cao nên rất thuận lợi về mặt thoát nước (nước bề mặt và nước ngầm), nên sau khi chỉnh lý khoa học, tư liệu hóa bằng phương tiện tin học, ta hoàn toàn có thể yên tâm lấp cát lại tiếp tục nhờ lòng đất lưu giữ cho các đời sau. Với giải pháp này, chắc chắn ta phải mở rộng hoạt động tuyên truyền giáo dục, phát huy giá trị di tích thông qua các hình thức xuất bản ấn phẩm, báo chí, phát thanh, truyền hình. Đặc biệt là tích cực thực hiện mục tiêu của phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp phát động từ năm 2008. Đó là phương thức hữu hiệu làm cho giá trị di sản thấm sâu vào cộng đồng.

Thứ ba, kết quả khai quật khảo cổ học cho thấy các dấu vết kiến trúc của hai giai đoạn phát triển của di tích vào thời Trần và thời Nguyễn (riêng thời Trần cũng có 3 lớp kiến trúc khác nhau). Do đó, vấn đề đặt ra là có nên phục dựng lại di tích hay không và nếu phục dựng thì thực hiện theo mặt bằng kiến trúc ở giai đoạn nào? Tôi nghĩ rằng:

- Nguồn tư liệu hiện có không cho phép chúng ta phục dựng lại đền Thái, dù theo mô hình của thời Trần hay thời Nguyễn.

- Với tư cách là thái miếu thờ các vua Trần ở Quảng Ninh, thì trong quần thể di tích liên quan tới vương triều Trần ở Đông Triều hiện đã có một “thái miếu” An Sinh đang thờ 14 vị vua Trần. Do đó, không nhất thiết phải có một “thái miếu” thứ hai trên địa bàn một huyện.

Thứ tư, vấn đề bảo tồn, tôn tạo di tích đền Thái cần đặt trong bối cảnh của một dự án tổng thể bảo tồn và tôn tạo khu di tích gắn với vương triều Trần ở Đông Triều sao cho mỗi dự án thành phần có được công năng riêng biệt cùng phục vụ cho một mục tiêu chung: xây dựng khu di tích lưu niệm các vua Trần ở Đông Triều gắn với phát triển du lịch bền vững của Quảng Ninh.

Tôi đề nghị xây dựng tại khu vực đền Thái một công trình kiến trúc mang tính chất tưởng niệm, đáp ứng hai yêu cầu lớn của cộng đồng là: nhu cầu tâm linh (của cộng đồng cư dân bản địa - nơi thờ thành hoàng làng là các vua Trần) và nhu cầu phát triển du lịch bền vững, tức là tôn trọng, bảo vệ môi trường sinh thái nhân văn và giải quyết hài hòa nhu cầu, lợi ích của các đối tác. Chỉ bằng giải pháp đó, ta mới thu hút được nguốn lực của Nhà nước, của cộng đồng cư dân địa phương và du khách trong cả nước.

Dự án tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị các di tích gắn với vương triều Trần ở Đông Triều, Quảng Ninh cần tạo lập được các gói sản phẩm cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, các loại dịch vụ du lịch…) kết nối được 14 điểm di tích có trên địa bàn Đông Triều với các di tích khác của tỉnh Quảng Ninh và các di tích liên quan ở Thái Bình, Nam Định là ý tưởng cần được đặt ra.

Thứ năm, xây dựng quy hoạch và triển khai các dự án bảo tồn, tôn tạo di tích đền Thái là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Nhưng để các ý tưởng quy hoạch và dự án được thực hiện hiệu quả, trong thực tế rất cần có nguồn nhân lực có chất lượng và một mô hình quản lý phù hợp.

- Khu di tích lịch sử gắn với vương triều Trần ở Đông Triều gồm 14 điểm di tích phân bố trong một khu vực rộng hàng ngàn ha, rất cần có một Ban quản lý tại chỗ có đủ năng lực.

- Việc thu hút sự tham gia của cộng đồng cư dân vào việc giám sát các dự án cũng như bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị di tích có ý nghĩa rất quan trọng.

- Tạo ra cơ chế phối hợp giữa Ban quản lý các di tích trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh với các cơ quan ban ngành hữu quan (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan của huyện Đông Triều…) để có thể phát huy được sức mạnh tổng hợp.

Tóm lại, tạo ra cơ chế thích hợp nhằm nâng cao khả năng hợp tác, hoạt động theo nhóm và theo dự án là rất cần được quan tâm trong quá trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích đền Thái nói riêng, di tích lịch sử - văn hóa của đất nước nói chung.

Nguồn: Đặng Văn Bài 

Minh Thu 

In văn bản