Chùa Vĩnh Nghiêm từ lâu đã được đồng bào trong tỉnh cũng như cả nước và nhiều khách quốc tế biết đến không chỉ đơn thuần là một điểm du lịch, bởi vẻ đẹp của kiến trúc và phong cảnh hữu tình hiếm thấy mà còn bởi bản sắc đặc biệt của văn hóa Phật giáo Việt Nam nơi đây…
"Vĩnh Nghiêm tự" thuộc địa phận thôn Quốc Khánh, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Chùa được xây dựng từ thế kỷ XIII, quần thể chùa là một di tích kiến trúc cổ kiểu “nội vương ngoại vi”, Vĩnh Nghiêm tự là ngôi chùa lớn của phái thiền Trúc Lâm mang đậm bản sắc dân tộc và được coi là Trường Đại học Phật giáo đầu tiên của nước ta. Chùa đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Nơi đây được biết đến như một trung tâm phật giáo, nơi đào tạo tăng đồ cho cả nước và nơi phát tích Tam tổ Thiền phái Trúc Lâm. Với ý nghĩa mãi mãi trường tồn (Vĩnh Nghiêm), chùa là nơi lưu giữ rất nhiều di vật, cổ vật Phật giáo quý, trong đó phải kể đến là bộ mộc bản kinh Phật được xem như là báu vật quốc gia.
Chùa Vĩnh Nghiêm
Hiện tại, kho mộc bản được lưu giữ tại 8 kệ sách trong điện chính của chùa Vĩnh Nghiêm, gồm hơn 80 đầu sách, gần 3.000 bản khắc, mỗi bản 2 mặt, mỗi mặt 2 trang sách âm bản, chứa khoảng 2.000 chữ Hán và chữ Nôm. Trong đó, có những bản khắc đặc biệt quý như Khóa Hư Lục, Kinh Hoa Nghiêm… Các Mộc bản này đều được làm từ gỗ cây thị, có nhiều kích cỡ khác nhau, tùy theo từng kinh sách. Kho Mộc bản này chứa đựng lượng thông tin phong phú thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như lịch sử Phật giáo, tư tưởng văn hóa hành đạo nhập thế của dòng thiền Trúc Lâm, lịch sử ngành khắc in mộc bản... Ngoài ra, Mộc bản còn ghi lại thân thế sự nghiệp một số vị cao tăng, danh nhân có nhiều cống hiến cho sự phát triển văn hóa truyền thống dân tộc...
Bên cạnh các giá trị về Phật pháp, văn học, nghệ thuật, kho Mộc bản đã đánh dấu quá trình phát triển của hệ thống văn tự Việt Nam, từ chỗ chủ yếu sử dụng chữ Hán sang dùng chữ Nôm được đúc kết dưới dạng các câu thơ hoặc những diễn giải tư tưởng Phật học dưới lăng kính của người Việt Nam. Đây chính là nét đặc sắc nhất của kho mộc bản tại chùa Vĩnh Nghiêm, tỉnh Bắc Giang.
Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm
Theo dòng lạc khoản khắc ở bài tựa và dòng lạc khoản cuối các cuốn kinh thì kho mộc thư chùa Vĩnh Nghiêm phần nhiều được khắc in dưới triều các vua Tự Đức, Thành Thái nhà Nguyễn (nửa sau thế kỷ XIX), một số ít được khắc dưới triều vua Cảnh Hưng, nhà Lê (nửa cuối thế kỷ XVIII ). Các mộc bản này đều bằng chất liệu gỗ cây thị, có nhiều kích cỡ khác nhau tùy theo từng kinh sách. Bộ "Yên Tử nhật trình" có niên đại cuối thế kỷ XVI, là bộ ván in cổ nhất của kho mộc thư chùa Vĩnh Nghiêm, có kích thước 1,8x0,3 m là bộ lớn nhất, trong khi bộ "Dấu chấn" kích thước 0,25x0,17m là cuốn nhỏ nhất..
Trải qua bao thăng trầm biến cố của lịch sử, giờ đây kho "Mộc thư khố" này được coi như là bảo vật quốc gia. Đặc biệt, trong phiên họp chiều 16/5/2012 tại Bangkok (Thái Lan) Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã chính thức được công nhận là Di sản tư liệu Thế giới, Khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Nguồn: sưu tầm
Thơ Phạm