TU BỔ TÔN TẠO DI TÍCH - LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
Nguyễn Quốc Hùng
Hoạt động tu bổ tôn tạo di tích đã và đang diễn ra sôi động khắp nơi trên đất nước ta và ở mọi loại hình di tích; từ những di sản khảo cổ, kiến trúc nghệ thuật đến di tích lịch sử, cách mạng và cả ở những danh lam thắng cảnh. Hoạt động tu bổ tôn tạo triển khai cả ở các di tích của người Việt và các di tích của đồng bào dân tộc thiểu số, trên mọi di tích chất liệu vô cơ (gạch, đá) và chất liệu hữu cơ (gỗ, tranh, tre, nứa, lá...)
Công tác bảo tồn di tích đã được đẩy nhanh hơn từ khi Đảng và Nhà nước ta thực hiện chính sách đổi mới, mở cửa, nền kinh tế đất nước ngày càng tăng trưởng. Từ năm 1994, Chính phủ cho phép ngành Văn hoá - Thông tin thực hiện Chương trình mục tiêu chống xuống cấp và tôn tạo di tích. Hàng ngàn di tích đã được chống xuống cấp và tôn tạo bằng các nguồn vốn đóng góp của nhân dân, đầu tư của Chính phủ cộng với sự giúp sức của các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước. Nhờ những nỗ lực đó, phần lớn di tích, sự xuống cấp thắng cảnh ở nước ta đang được vãn hồi, góp phần vào quá trình xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc của dân tộc. Nhiều di tích thắng cảnh lớn, ngày một đẹp đẽ, bền vững hơn, phục vụ tốt nhu cầu tham quan, nghiên cứu học tập của người trong nước và bạn bè quốc tế.
Những việc làm đó đã tạo nên sự tin tưởng, phấn khởi và đồng tình ủng hộ trong quảng đại quần chúng nhân dân khắp mọi miền đất nước. Tuy nhiên, cũng có không ít nỗi băn khoăn trăn trở về công tác tu bổ di tích ở nước ta. Nhiều ý kiến, lúc này, lúc khác tỏ ra chưa vừa lòng với việc tu bổ di tích này, tôn tạo di tích kia. Đôi khi những suy nghĩ đó tạo nên những sự hiểu lầm không đáng có dư luận, ảnh hưởng không nhỏ tới nỗ lực chung của những người đang nỗ lực bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc.
Sở dĩ việc tu bổ tôn tạo di tích ở nước ta còn có sự tranh cãi là do nhiều nguyên nhân. Trước hết do nền kinh tế còn nghèo, sự đầu tư kinh phí chủ yếu ở mục tiêu chống xuống cấp di tích. Một vài di tích lớn được đầu tư khá hơn nhưng cũng chưa đồng bộ. Những quy định về kế hoạch, tài chính cũng còn bất cập, chưa đủ lực để tạo đà mạnh cho sự nghiệp bảo tồn di tích, dẫn đến tình trạng đối phó, chạy đua với kế hoạch, ngân sách hàng năm. Hệ quả tất yếu của tình hình đó là di tích chưa được tu bổ tôn tạo đồng bộ cùng một lúc với việc nâng cấp cơ sở hạ tầng và các vấn đề kinh tế xã hội khác.
Một điều khá quan trọng tạo nên những dư luận không cần thiết nằm ngay trong đội ngũ những người làm công tác bảo tồn di tích và những người quan tâm tới hoạt động này. Đó chính là sự thiếu hụt thông tin một cách trầm trọng, nhất là những thông tin về lý luận cũng như thực tiễn tu bổ tôn tạo di tích. Trong thời gian qua, chúng ta chưa có những người chuyên nghiên cứu về hệ thống lý luận bảo tồn, đội ngũ kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng và công nhân thực hiện công tác tu bổ tôn tạo di tích chưa được đào tạo chính quy, chưa ai có bằng trùng tu di tích (restorator). Việc nghiên cứu tiếp cận những lý luận nhận thức mới về công tác này cũng chỉ là rất lỗ mỗ, nên cơ sở lập luận của mỗi người một khác. Chính vì công tác tu bổ tôn tạo di tích ở ta còn nặng tính nghiệp dư, nên hầu như ai cũng có thể nói về nó một cách dễ dãi, cảm tính. Kỳ thực chưa ai được trang bị đầy đủ cơ sở lý luận về vấn đề mình đề cập. Với bài viết này, chúng tôi hy vọng nêu ra và lý giải một số vấn đề mong góp phần giảm tính nghiệp dư trong hoạt động mang tính khoa học và nhạy cảm toàn cầu này.
Trong quá trình phát triển của lịch sử nhân loại, từ thời cổ đại con người đã tiến hành bảo tồn những công trình do người xưa để lại hoặc tạo thêm cảnh đẹp cho núi non sông biển. Lúc đầu chỉ là những hành động tự phát, cái đền hỏng thì sửa, nhìn thấy phong cảnh đẹp thì tô điểm thêm các công trình kiến trúc cho đẹp hơn. Dần dà có sự biến động lịch sử, những cuộc chiến tranh, bệnh dịch, thiên tai, các cuộc dịch chuyển trong nhiều thế hệ đã làm cho con người cảm thấy đứt mạch với quá khứ. Những sự khám phá tìm lại chính mình ở các mức độ khác nhau đã làm nảy sinh nhu cầu bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá của quá khứ, của từng tộc người và của cả nhân loại.
Sự bảo tồn những di sản của quá khứ lúc đầu là việc làm riêng lẻ của từng cá nhân, từng quốc gia, sau đó trở thành nhu cầu chung của nhân loại. Nhận thức về giá trị di sản cũng ngày càng được mở rộng, di sản văn hóa do quá khứ để lại ngày càng trở thành sản phẩm không chỉ riền một nước mà manh tính toàn cầu, không chỉ dừng ở di sản vật thể mà cả di sản văn hoá phi vật thể.
Trong quá trình phát triển nhận thức đó, xuất hiện nhu cầu cần có những qui định chung nhằm đảm bảo bảo tồn tốt những giá trị của quá khứ để lại. Do đó, chuyên gia bảo tồn của một số nước đã họp bàn và soạn thảo Hiến chương Aten năm 1931, kế theo đó soạn tiếp Hiến chương Venice năm 1964 về Bảo tồn trùng tu di tích và thắng cảnh. Vì những quy định trong Hiến chương có tính tổng quát, nên với những đối tượng cụ thể cần có những quy định thích hợp. Nhu cầu thực tiễn đó dẫn đến kết quả xuất hiện các bản Hiến chương với tư cách phụ trương của Hiến chương Venice như: Hiến chương Floren năm 1981 về bảo vệ những khu vườn lịch sử, Hiến chương Washington 1987 về bảo tồn những khu phố cổ, Hiến chương Laussanne 1989 về bảo vệ và quản lý các di sản khảo cổ học. Hồi đó, những người tham gia soạn thảo bản Hiến chương Venice phần lớn là học giả châu Âu (gồm 23 người trong đó chỉ có 1 người Peru, 1 người Mêhicô, 1 người Tuynidi, 1 người Ôtxtrâylia, còn lại là người châu Âu). Năm 1972, kỳ họp thứ 17 của Đại hội đồng UNESCO tại Pari ngày 16-11 thông qua Công ước về bảo vệ Di sản văn hoá và tự nhiên thế giới (Nước ta công nhận, tham gia Công ước này vào tháng 10-1987). Theo qui định nêu trên, lý thuyết bảo tồn di tích ở một số nước phương Tây được lấy làm chuẩn mực cho việc bảo tồn di tích cho toàn thế giới. Lý thuyết đó lấy việc bảo tồn gìn giữ tính xác thực của vật liệu di tích làm cốt lõi.
Một thời gian dài những quan niệm trong các văn bản nêu trên đã chi phối hầu hết việc tu bổ tôn tạo di tích. Tại các nước đang phát triển vốn là thuộc địa các nước Âu và Mỹ đã mang đậm ảnh hưởng của quan niệm này. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, hầu hết các nhà chuyên môn thuộc lĩnh vực tu bổ tôn tạo ở các nước đang phát triển được gửi đi đào tạo tại các nước phát triển, hoặc được các chuyên gia từ các nước phát triển tới giúp tu bổ tôn tạo di tích hoặc đào tạo tại chỗ, như trường hợp Inđônêxia đã đón chuyên gia của hàng chục nước tới giúp tu bổ tôn tạo khu di tích Bôrôbuđua. Các chuyên gia này vừa giúp tu bổ tôn tạo di tích vừa đào tạo luôn chuyên gia bảo tồn cho Inđônêxia.
Tuy nhiên, việc áp dụng các kiến thức lý luận của UNESCO tại một số nước khác ngoài châu Âu, Mỹ và những di tích không phải bằng chất liệu vô cơ (như những công trình bằng đá và hầu như chỉ có một niên đại) tỏ ra có những điều bất cập và phiến diện. Quan niệm trên không hàm chứa nổi những di tích có lịch sử phát triển lâu dài, phức tạp, đa dạng như trường hợp của thành phố Toledo của Tây Ban Nha. Ở đây không chỉ phản ánh tất cả các nền văn hóa châu Âu từ thời La Mã tới thời trung cổ mà còn bao gồm cả các kiệt tác kiến trúc thực sự của người Mor. Hay thành phố Cuzcu ở Pêru cũng vậy. Trường hợp các thành phố Vacsawa của Ba Lan được khôi phục lại từ năm 1945 đến năm 1949 sau khi bị chiến tranh phá huỷ gần như hoàn toàn vào tháng 8 năm 1945 đã làm cho người ta nghi ngờ tính nguyên gốc của vật liệu di tích, nhưng người ta nghĩ đến tính nguyên gốc của chức năng, hình thức hoặc truyền thống. Chính vì vậy, thành phố này vẫn được ghi vào Danh mục Di sản văn hoá thế giới. Đối với đảo Anthony một di sản thế giới ở Canađa những yếu tố chính của di sản này là kiến trúc bằng gỗ, nhà ở và cột ăngten khác nhau của những người thợ săn và dân chài Haida, những di tích này đã bị phá huỷ nặng theo thời gian. Những người thổ dân đã không có biện pháp để ngăn chặn sự huỷ hoại của thiên nhiên, các thế hệ trẻ nhớ tới truyền thống cũ và những tôtem mới. Như vậy, tính xác thực của di sản được "nhấn mạnh vào tiêu chí văn hoá và truyền thống hơn là tiêu chí vật liệu"(1). Những điều thấy ở trên cũng xảy ra tương tự ở các nước châu Á và Đông Nam Á, bởi cứ áp dụng những lý thuyết dựa trên thực tiễn châu Âu trong bối cảnh toàn cầu hoá, không thể đáp ứng được những đòi hỏi thực tế và tinh thần truyền thống của ngưòi phương Đông đối với di tích của người xưa để lại.
Trên thực tế, các quan chức làm công tác bảo tồn của Nhật Bản sau khi ký vào bản Công ước Bảo vệ di sản văn hoá thế giới đã rất lo ngại về sự chấp nhận mang tính toàn cầu. "Người Nhật e rằng, các thông lệ của họ tháo dỡ định kỳ các công trình kiến trúc bằng gỗ quan trọng sẽ được xem là không có tính xác thực xét từ phạm vi theo khuôn khổ phương Tây. Trong thực tế sự lo ngại của họ là chính đáng, những mức độ hiểu biết về di sản Nhật Bản và bảo tồn của họ ở bên ngoài Nhật Bản là tương đối thấp"(2). Tình hình này cũng đã xảy ra tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Đông Nam Á.
Để tránh phụ thuộc hoàn toàn vào qui định của UNESCO, các nước Đông Nam Á đã cùng nhau trao đổi để đưa ra những chuẩn mực riêng nhằm vận dụng thực tiễn của UNESCO vào thực tiễn khu vực khí hậu nhiệt đới có những đặc điểm chúng về lịch sử, phong tục tập quán(3).
Năm 1994, với sự tài trợ của một số cơ quan tổ chức ở Nhật Bản và Trung tâm Di sản thế giới thuộc UNESCO, ICCROM và ICOMOS, 45 chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực bảo tồn di sản của các tổ chức quốc tế và 25 quốc gia thành viên đại diện cho tất cả các châu lục trên thế giới đã họp tại Nara, Nhật Bản để trao đổi về tính xác thực của di tích. Các chuyên gia tham gia hội thảo đã đem đến hội nghị những lý luận kinh nghiệm, thực tế phong phú trong công việc bảo tồn di tích ở nước mình, những quan điểm có vẻ đi rất xa so với những quan điểm được quy định cách đó hai, ba chục năm. Tinh thần của hội thảo gần như thống nhất không nên lấy "châu Âu là trung tâm". Có những thảo luận còn nghi ngờ của tính xác thực như ông Pisit Charoenvongsa từ Thái Lan, đã từng giữ chức chủ tịch Spafa đặt vấn đề "Tính nguyên gốc thực sự có quan trọng lắm không". Ông này đã nêu lên tình hình đặc điểm, tinh thần của người Thái Lan và cho rằng "Những bức tượng Phật không hoàn chỉnh hoặc các tượng bán thân mất đầu trưng bày trong các bảo tàng thì "xác thực" đối với con mắt người phương Tây- trong phong cách phô diễn của họ- nhưng đối với người dân Thái đó là một thứ để tôn thờ chứ không phải là "một hiện vật bảo tàng", cái mà đòi hỏi càng phải được hoàn thiện về mặt vật chất càng sớm càng tốt. Vậy thì khái niệm xác thực đứng về phía nào - khái niệm về nghệ thuật mang tính tinh thần đối với người Thái khái niệm về nghệ thuật mang tính tượng trưng đối với người phương Tây"(4). Ông David Lơenthal lại nói đến sự thay đổi liên tục của tính xác thực qua các thời đại, các khu vực trên thế giới và sự đa dạng linh hoạt dưới cái nhìn triết học(5). Kết quả của cuộc hội thảo rộng rãi cởi mở này được quy tụ trong bản Văn kiện Nara về tính xác thực do tất cả 45 thành viên tham gia hội thảo cùng trao đổi thống nhất. Bản Văn kiện Nara về tính xác thực gồm 13 điều, ở đây xin trích các điều 11, 12 và 13, cụ thể như sau:
“Điều 11. Tất cả những sự đánh giá về các giá trị thuộc tính di sản cũng như độ tin cậy của các nguồn thông tin có liên quan có thể khác nhau giữa các nền văn hoá, thậm chí trong một nền văn hoá. Như vậy không thể đánh giá giá trị và tính xác thực dựa trên những tiêu chí đã ấn định. Mà ngược lại sự trân trọng thỏa đáng đối với tất cả các nền văn hóa đòi hỏi rằng di sản văn hoá phải được xem xét và đánh giá trong bối cảnh mà nó chi phối.
Điều 12. Do đó, điều tối quan trọng và khẩn cấp là, trong phạm vi mỗi nền văn hóa, cần phải công nhận bản chất đặc thù của các nguồn thông tin liên quan.
Điều 13. Tùy theo bản chất của di sản văn hóa, bối cảnh văn hoá, và sự vận động của nó qua thời gian mà sự kiểm định tính nguyên gốc có thể gắn với lượng giá trị của một sự đa dạng lớn các nguồn thông tin. Các nguồn thông tin này có thể bao gồm các mặt như kiểu dáng và thiết kế, vật liệu và chất liệu, chức năng và tác dụng, truyền thống và kỹ thuật, địa điểm và cảnh quan, tinh thần và tình cảm, các yếu tố bên trong và bên ngoài khác. Việc sử dụng các nguồn thông tin này cho phép thảo ra tỉ mỉ các tầm cỡ về tính nghệ thuật đặc trưng, tính lịch sử, tính xã hội của khoa học di sản văn hoá đang được thẩm định”(6). Như vậy theo Văn kiện Nara tính xác thực của di tích không chỉ dừng ở vật liệu, kỹ thuật, thiết kế, địa điểm cảnh quan như được biểu hiện trước đây mà phải tính tới các yếu tố động hơn có tính xã hội hơn và thực tế hơn là các yếu tố chức năng và tác dụng, truyền thông và kỹ thuật, tinh thần và tình cảm... Trong bản phục lục đính kèm Văn kiện Nara do ngài Herb Stovel Tổng thư ký ICOMOS đề nghị có nêu rõ “Sự trân trọng đối với tính đa dạng của di sản văn hoá đòi hỏi những nỗ lực có ý thức nhằm tránh áp đặt những công thức máy móc hoặc những thủ tục đã tiêu chuẩn hoá trong việc định ra hoặc hoặc xác định tính xác thực của những công trình kỷ niệm hoặc di tích cụ thể nào đó, và, những nỗ lực nhằm cập nhật những đánh giá về tính xác thực theo quan điểm thay đổi thay đổi giá trị và hoàn cảnh”(7).
Tại Việt Nam công tác tu bổ tôn tạo các công trình kiến thức cổ đã xuất hiện từ lâu. Qua các tài liệu chữ viết trên giấy vở và văn bia, các cấu kiện tại các di tích ta thấy những công trình kiến trúc xưa được tu bổ tôn tạo dưới nhiều cấp độ. Cái được sơ tu, tiểu tu, trung tu, trọng tu và đại tu, nhiều công trình được trùng tu mở mang ngày càng rộng lớn, khang trang. Tiêu biểu là thời Hậu Lê rất nhiều cung (phi) tần của chúa Trịnh đã đóng góp tiền của, ruộng đất cho việc trùng tu, mở mang các ngôi chùa lớn như chùa Tháp Bút (Bắc Ninh), chùa Đâu, chùa Mía (Hà Tây), Chùa Liên Phái (Hà Nội)... Việc tu bổ tôn tạo các công trình kiến trúc cổ theo truyền thống xưa để lại, cơ bản dựa trên nguồn kinh phí có được, nhiều thì trùng tu mở mang, tô thêm tượng, đúc thêm chuông, ít thì tu sửa, sửa chữa nhỏ. Hiện nay, đến một số di tích ta còn thấy dấu vết kiến trúc của nhiều thời khác nhau, có cả vết tích của thời Lý, Trần xen lẫn các kiến trúc thời Lê, Nguyễn.
Thực tế cho thấy, người xưa khi trùng tu các kiến trúc cổ đã cố gắng giữ gìn những gì có thể giữ được như kiến trúc trước đó nhưng không câu nệ, hễ có điều kiện là mở mang bởi vì các công trình đó không chỉ là di tích đơn thuần mà còn là nơi tôn thờ các vị thần, Phật. Từ khi thực dân Pháp đến Việt Nam, họ đã đem theo những quan niệm về việc bảo vệ, nhiệm vụ tôn tạo tu bổ di tích của chính quốc. Họ đã tiến hành xếp hạng di tích và bước đầu bảo vệ một số di tích, phục vụ cho công tác nghiên cứu để cai trị thuộc địa. Sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng(1954), Nhà nước ta đã tổ chức cho hàng loạt học sinh, sinh viên đi đào tạo tại nước ngoài, chủ yếu là các nước Đông Âu, việc đào tạo các cán bộ ngành Bảo tồn Bảo tàng cũng không ngoài thông lệ đó. Những người này không thể không chịu ảnh hưởng ít nhiều của các học thuyết phương Tây.
Do đất nước ta chịu tác động khốc liệt của chiến tranh, khí hậu, thiên nhiên khắc nghiệt nên phần lớn di tích bị huỷ hoại hoặc do bom đạn, tiêu thổ kháng chiến, nhiều di tích bị xuống cấp do sử dụng sai mục đích và mưa, bão, lụt lội, côn trùng và cây cỏ phá hoại. Sau khi thống nhất đất nước, non sông thu về một mối, Nhà nước và nhân dân ta đã nỗ lực chống xuống cấp, tu bổ tôn tạo di tích. Trong quá trình đó cũng nảy sinh nhiều vấn đề trong thực tiễn quản lý chống xuống cấp và tôn tạo di tích.
Nếu như ở Trung Quốc có hơn 350.000 di tích bất động sản được Nhà nước xác định và chỉ có khoảng vài nghìn công nhân (kể cả kỹ thuật viên) trực tiếp tham gia vào công việc bảo tồn (8), thì tại Việt Nam với hơn 3400 di tích thắng cảnh được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận, khoảng ngần ấy di tích được các địa phương ra quyết định bảo vệ, số lượng người tham gia trực tiếp vào công tác tu bổ di tích có tính chuyên nghiệp chỉ khoảng một vài trăm người. Hiện nay, chỉ có một công ty thuộc Bộ Văn hoá - Thông tin và một công ty thuộc Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội có tên tu bổ di tích và một trung tâm có chức năng vừa thiết kế vừa tu bổ di tích thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin. Với số cơ quan và số cán bộ chuyên môn quá ít ỏi chưa được đào tạo cơ bản về trùng tu di tích, nên không thể đáp ứng được nhu cầu tu bổ tôn tạo chống xuống cấp di tích ở khắp các địa phương, ấy là chưa kể đến những sự phiền hà về thủ tục xây dựng, sự thiếu thốn nguồn tài chính. Trước tình hình đó, ở nhiều nơi nhân dân đã tự động đứng ra vận động tu bổ tôn tạo di tích. Nhiều địa phương đã mời các cơ quan tư vấn thiết kế vốn không có chuyên môn về bảo tồn di tích xây dựng phương án thiết kế tu bổ tôn tạo di tích. Tại những nơi này nhân dân và địa phương thực hiện tu bổ tôn tạo di tích chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền thống do người xưa truyền lại, tức tuỳ theo số kinh phí có được để sửa chữa, mở mang, hoặc xây mới làm cho bộ mặt di tích trở nên khang trang. Đặc biệt là các di tích tín ngưỡng tôn giáo, do nơi này không chỉ là di tích dưới dạng “hiện vật bảo tàng” mà còn là nơi linh thiêng, nhân dân địa phương vẫn tới thờ cúng thần, Phật. Trong mỗi thôn xã Việt Nam giờ đây vẫn còn rất nhiều hiệp thợ nắm vững kỹ thuật truyền thống xây dựng và tô tượng, đúc chuông. Chính họ tham gia tu sửa di tích tại quê nhà. Hơn thế nữa, các di tích tôn giáo tín ngưỡng ở ta hầu hết đều đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, ngay cả tháp Chăm xây bằng gạch, đá trong khu di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam) cũng vậy. Tình hình đó cho thấy nếu đòi hỏi giữ gìn tính xác thực của một thời kỳ nào đó của di tích là không thể thực hiện được mà cần phải tôn trọng quá trình thay đổi của di tích. Một điều đáng quan tâm nữa là các di tích này vẫn còn là những nơi thờ cúng, vì vậy một số nơi mất tượng Phật người ta nghĩ ngay đến việc làm tượng mới thay vào (chùa Tây Phương - Hà Tây), mất đầu tượng người ta cũng không thể không làm đầu tượng mới. Người ta không thể cầu khấn ở nơi không có tượng hoặc trước pho tượng mất đầu. Tượng Bà tại tháp Ponagar - Nha Trang bị mất đầu, lập tức người ta làm lại cho tượng một cái đầu mới. Người Việt chúng ta không có truyền thống thờ tượng bán thân, hoặc chiêm bái tượng khiếm khuyết, việc này chỉ có từ khi Tây vào nước ta. Rõ ràng đối với các di tích này nếu đòi hỏi tính xác thực về chức năng và tác dụng, truyền thống và kỹ thuật, tinh thần và tình cảm của di tích như được đúc kết tại Văn kiện Nara. Đối với loại hình di tích lịch sử, cách mạng, việc tu bổ tôn tạo không thể nào chỉ dựa trên tinh thần của Bản hiến chương Venice và Bản Công ước Bảo vệ di sản văn hoá và thiên nhiên. Tại những nơi này do đặc điểm chỉ là những công trình tạm trong rừng, những địa điểm diễn ra các sự kiện lịch sử nên việc xây dựng mới các công trình tưởng niệm như tượng đài, tranh hoành tráng (tương tự người xưa xây đền miếu để thờ), tôn tạo mộ các danh nhân không thể tránh khỏi, trên thực tế chúng ta đã làm rất nhiều. Những công trình bằng kiến trúc gỗ dù được dân địa phương đứng ra tu sửa hoặc các cơ quan chuyên môn nhận làm phải thực hiện việc hạ giải, tháo dỡ để kiểm tra chất lượng các cấu kiện, loại bỏ những phần hư hỏng nặng, xử lý tăng tuổi thọ của các cấu kiện còn tốt bằng cách ngâm tẩm hoá chất, gia cố các bộ phận chịu lực. Điều này cũng đã xảy ra tại Nhật Bản, Trung Quốc (9) những nước có nhiều kiến trúc bằng gỗ. Hành động này đã gây nhiều tranh cãi vì làm như vậy có vẻ như kiểu xây dựng lại không đảm bảo tính xác thực của di tích. Điều này đã được ông Knut Larsen, trong tác phẩm Bảo vệ giữ gìn kiến trúc ở Nhật Bản cho việc can thiệp này vẫn phù hợp với tinh thần bản Hiến chương Venice nếu được tháo dỡ thận trọng các cấu kiện được ghi chép đánh số rõ ràng, cụ thể. Ông còn viết “Tuy nhiên cần có những thủ tục phức tạp để xin phép thay đổi hiện trạng của một công trình kiến trúc lịch sử ở Nhật Bản là hoàn toàn tuân thủ điều 11 của Hiến chương Vinece.(10)
Chúng ta cũng đã thực hiện việc cải tạo lối đi và hệ thống ánh sáng trong một số hang động của Vịnh Hạ Long, khu Thái học trong di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, sau nhiều năm suy nghĩ đã được cho phép xây dựng những công trình mới, phù hợp với kiến trúc truyền thống và đảm bảo cảnh quan chung của di tích.
Như vậy với Văn kiện Nara, các chuyên gia hàng đầu trên thế giới về bảo tồn di tích đã tiến thêm một bước quan trọng trong nhận thức, họ tỏ ra hiểu nhau hơn và thực tế hơn. Bản văn kiện giống như một sự tổng kết kinh nghiệm từ thực tiễn, những tiêu chuẩn đã định sẵn cho công nhận tính xác thực của một di tích.
Như vậy từ khi thuật ngữ tính xác thực xuất hiện trong bản Hiến chương Venice năm 1964, sau đó được đưa vào Công ước Bảo vệ di sản và thiên nhiên thế giới. Đến năm 1979, Uỷ ban di sản thế giới đã nêu lên tính xác thực của di tích về thiết kế, chất liệu, tay nghề và cảnh quan. Đến Văn kiện Nara khái niệm này đã được hiểu rộng ra bao gồm kiểu dáng, thiết kế, vật liệu và chất liệu, chức năng và tác dụng, truyền thống và kỹ thuật, địa điểm và cảnh quan, tinh thần và tình cảm và các yếu tố bên ngoài và bên trong khác. “Văn kiện Nara phản ánh một thực tế là học thuyết về bảo tồn mang tính quốc tế đã chuyển từ một phương pháp tiếp cận lấy châu Âu làm trung tâm đến một luận điểm hậu hiện đại được đặc trưng bởi sự công nhận thuyết tương đối về văn hoá. Điều này không có nghĩa là sự tranh luận mang tính quốc tế về tính xác thực của di sản văn hoá không có ý nghĩa gì nữa sau Văn kiện Nara. Trong tình huống này các chuyên gia bảo tồn buộc phải làm một cách rõ cách dùng khái niệm tính xác thực trong phạm vi đất nước và lĩnh vực văn hoá của mình”(11)
Theo tinh thần trên, cánh cửa cho các nhà bảo tồn di tích ở ngoài châu Âu (thậm chí ở cả châu Âu) đã được mở rộng hơn. Tại Việt Nam cuộc sống tâm linh của người phương Đông không cho phép chúng ta chấp nhận những gì của người xưa để lại bị tàn tạ, không được khôi phục, mở mang, làm thế có tội với quá khứ. Các tộc người sống trên đất nước ta chủ yếu với tư duy trực quan, ít duy lý, tự biện nên không nhẫn tâm nhìn những di tích của cha ông bị đổ nát mà không được phục hồi hoàn chỉnh chỉ vì nó là di tích. Càng không thể nhìn những bức tượng thần phật mất đầu, mất tay (dù tượng có niên đại rất sớm) mà không được khôi phục (giống như ở Thái Lan). Các di tích tôn giáo, tín ngưỡng của người xưa để lại hầu hết vẫn đang hoạt động, đang cùng sống với người đương đại. Hơn nữa, các kiến trúc người xưa xây dựng hầu hết không có hoặc không để lại bản vẽ. Khí hậu nước ta thuộc loại nhiệt đới gió mùa, độ ẩm cao. Mưa gió, lụt lội làm cho di tích xuống cấp nhanh chóng, nếu không có những giải pháp tu bổ tôn tạo triệt để sẽ không giữ gìn di tích được lâu. Vì những lẽ đó, những người làm công tác bảo tồn cần lựa chọn những phương án tu bổ tôn tạo cụ thể cho từng di tích. Không nên chỉ theo tinh thần châu Âu, nhưng cũng không được cẩu thả tuỳ tiện.
Theo tinh thần đó công việc bảo tồn di tích ở nước ta cần lưu ý đến tính xác thực của vật liệu. Quan niệm mở rộng hơn không phải để cho sự cẩu thả bừa bãi, tuỳ tiện, dễ dãi phát triển, mà nó đòi hỏi các nhà bảo tồn di tích phải chuyên sâu hơn, phải được đào tạo cơ bản tốt hơn và cũng phải có trách nhiệm hơn khi quyết định lựa chọn giải pháp tu bổ di tích. Nó đòi hỏi người làm công tác tu bổ tôn tạo di tích trang bị cho mình những kiến thức sâu hơn rộng hơn, kết hợp tốt hơn những kinh nghiệm truyền thống với những quy định chặt chẽ về tính xác thực của di tích để tìm ra những phương án tối ưu cho công tác tu bổ tôn tạo di tích. Trên thực tế, không thể có hoặc có rất ít di tích hội tụ hội đủ các yếu tố xác thực được nêu ra ở Văn kiện Nara, do vậy việc lựa chọn những yếu tố xác thực, tính xác thực để thực hiện tu bổ tôn tạo di tích tuỳ thuộc vào những người làm công tác tu bổ tôn tạo di tích, đó là lợi thế của văn kiện này trao cho chúng ta nhưng cũng là thách thức đối với chúng ta./.
NQH
(1). Berdvon Droste và Ulf Bertilson, tính xác thực và di sản thế giới, Văn kiện Nara về giữ gìn tính nguyên gốc của di tích, Tài liệu dịch của Cục Bảo tồn bảo tàng tr.20
(2). Herb Stovel, Làm việc nhằm đạt tới những Văn kiện Nara. Sđd, tr.11
(3). Từ 12 đến 19/12/1995 đã diễn ra Hội nghị soạn thảo hướng dẫn về các thủ tục và kỹ thuật thực địa khảo cổ học tại Bôrôbuđua-Inđônêxia của các chuyên gia ASEAN, từ 15 đến 15 -6-1999 các chuyên gia ASEAN lại cùng họp mặt tại Bôrôbuđua-Inđônêxia soạn thảo Những chuẩn mực về bảo tồn và trùng tu khảo cổ học.
(4). Pisit Charoenvongsa, Sđd, tr.191
(5). David Lowental, Sđd, tr.89-104
(6). Văn kiện Nara về tính xác thực, Sđd, tr.6
(7). Như trên, Sđd,tr.7
(8). Guo Zhan, Nét đặc thù của tính xác thực trong bảo tồn tài sản văn hoá ở Trung Quốc, Sđd, tr.214
(9), (10). Berd von Droste - Ulf Bertilsson, Sđd, tr.22
(11). Knut Einar Larsen, Điều phối viên của khoa học hội nghị Nara, Sđd, tr.13