Đang tải... Vui lòng chờ...

Mỹ Sơn - vẻ đẹp về nghệ thuật điêu khắc của người Chăm cổ

Mỹ Sơn đã làm cho con người thán phục về nghệ thuật, kiến trúc, điêu khắc của người Chăm cổ với hàng loạt công trình ấn tượng...

Khu đền tháp Mỹ Sơn nằm tại xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Nơi  đây là một thung lũng kín, xung quanh là những ngọn đồi núi hùng vĩ.

Một góc của thánh địa Mỹ Sơn

Mỹ Sơn là thánh địa Ấn Độ Giáo của vương quốc Chămpa, đây là nơi nghệ thuật Chăm cổ phát triển từ thế kỉ thứ VII đến thế kỉ XIII với hơn 70 công trình đền tháp chứa đựng những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật.

Thánh địa Mỹ Sơn được phát hiện vào năm 1898 bởi một người Pháp tên là Paris. Không lâu sau đó, một nhóm các nhà khoa học của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp đã đến nghiên cứu và vén lên bức màn bí mật của Mỹ Sơn. Thánh địa này được khởi công từ thế kỷ IV bởi vị vua Bhadravarman và kết thúc vào cuối thế kỷ thứ 13, đầu thế kỷ 14 dưới triều vua Jaya Simhavarman III. Mỹ Sơn là một quần thể với hơn 70 ngôi đền tháp mang nhiều phong cách kiến trúc, điêu khắc tiêu biểu cho từng giai đoạn lịch sử của vương quốc Chămpa, hầu hết các đền tháp phần lớn quay về hướng Đông - hướng mặt trời mọc, chỗ trú ngụ của thần linh. Các công trình kiến trúc, tác phẩm điêu khắc tại Mỹ Sơn đều chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo, thể hiện tư tưởng hướng về thế giới bên kia của các vị vua sau khi chết được phong thần và để tỏ lòng hoài niệm tổ tiên. Đền tháp ở Mỹ Sơn được chia thành nhiều cụm, xây dựng theo cùng một nguyên tắc. Kết cấu mỗi cụm gồm có một ngôi đền thờ chính (Kalan), bao quanh bằng những ngôi tháp nhỏ hoặc công trình phụ. Ngôi đền chính tượng trưng cho núi Meru - trung tâm vũ trụ, là nơi hội tụ của thần linh và thờ thần Siva. Các đền phụ (miếu phụ) thờ các vị thần trông coi hướng trời. Ngoài ra còn có những công trình phụ là những ngôi tháp thường có mái lợp ngói, là nơi khách hành hương sửa lễ, cất giữ đồ tế lễ. Đền thờ của người Chăm không có cửa sổ, chỉ các công trình tháp phụ mới có cửa sổ.

Những công trình còn lại của Mỹ Sơn sau chiến tranh

Những cuộc chiến tranh đã tàn phá nặng nề khu di tích làm cho đến nay Mỹ Sơn chỉ còn lại 20 tháp. Tuy nhiên với những gì còn lại cũng đủ làm cho con người thán phục về nghệ thuật, kiến trúc, điêu khắc của người Chăm cổ.

Với những giá trị nổi bật của một khu di sản văn hóa cần phải được bảo vệ vì lợi ích của cả nhân loại, tại hội nghị lần thưa 23 của Ủy ban di sản Thế giới ngày 1/12/1999 đã công nhận khu di tích Chăm Mỹ Sơn là Di sản Văn hóa Thế giới với tiêu chí: là điển hình nổi bật về sự giao lưu văn hóa với sự hội nhập vào văn hóa bản địa, những ảnh hưởng bên ngoài đặc biệt là nghệ thuật kiến trúc Ấn Độ giáo, và tiêu chí phản ánh sinh động tiến trình phát triển của văn hóa Chămpa trong lịch sử văn hóa Đông Nam Á.

(Nguồn: sưu tầm)

Thơ Phạm

In văn bản