0

Trấn Bình Đài

Ngoài Kinh Thành, Hoàng Thành và Tử Cấm Thành, triều đình nhà Nguyễn còn cho xây một cái thành khác nữa: Trấn Bình Đài. Thành này hoàn toàn mang tính cách phòng thủ quân sự, được xây dựng dưới thời Gia Long, một vị vua đã từng lăn lộn trên chiến trường hơn 1/4 thế kỷ (1775 – 1802). Bên trong thành ấy, tuyệt đối không xây bất kỳ tòa cung điện nào.

Trấn Bình Đài
Trấn Bình Đài

Nguồn gốc tên Trấn Bình Đài

Danh xưng Trấn Bình Đài có nghĩa là một công trình kiến trúc dùng để “giữ yên”. Trên quan điểm quân sự, các nhà kỹ thuật Âu châu thuờng gọi đó là “công trình bên ngoài” (ouvrage dehors). “Bên ngoài”, có nghĩa là nằm ngoài Kinh Thành – công trình kiến trúc chính còn bản thân nó là công trình kiến trúc phụ, nhưng không thể thiếu được.

Kết cấu

Mặt bằng kiến trúc Trấn Bình Đài hình lục giác không đều, chu vi khoảng 1.000m, được đắp bằng đất vào năm 1805; đến cuối thời Gia Long (1818) và giữa thời Minh Mạng (1832) mới được ốp gạch ở mặt trong và ngoài. Mô thành đắp bằng đất dày 14,75m ở chân và 13m ở đỉnh. Lớp gạch ốp dày ll,28m, thành cao 5,80m Chung quanh thành cũng có những bộ phận kiến trúc kiểu Vauban như Kinh Thành: phòng lộ rộng 8,60m tiếp đó là vòng hào rộng 33,50m, còn thành giai và sông Hộ Thành thì bề rộng không đều vì đoạn sông Hộ Thành ở đây không phải đào bằng tay mà là phần hạ lưu tự nhiên của sông Bạch Yên được giữ lại.

Trấn Bình Đài chỉ cách Kinh Thành bằng một cái hào chung, một chiếc cầu xây bằng gạch và đá bắc qua để nối liền với nhau.

Chức năng

Khi xây dựng Kinh đô Huế, các nhà kiến trúc thời Gia Long đã đầu tư nhiều trí tuệ vào vấn để xây thêm Trấn Bình Đài bên cạnh Kinh Thành. Bởi nó cần thiết về mặt chiến lược quân sự mà pháo đài ở góc phía bắc Kinh Thành không làm thay nổi nhiệm vụ mà các nhà quân sự giao phó. Bấy giờ, nếu đối phương từ bên ngoài muốn tấn công Kinh Thành thì phải đi bằng tàu thuyền của hải quân vào các cửa biển nằm dọc miền duyên hải Kinh đô, rồi ngược dòng sông Hương, ở góc này của Kinh Thành có đến hai nhánh của sông Hương chĩa vào. Phải có Trấn Bình Đài để kiểm soát và chế ngự tất cả tàu thuyền lạ mặt xuất hiện trên hai nhánh sông đó, nhất là nhánh sông bên trái – nơi có cảng Bao Vinh tấp nập thương thuyền từ phương xa tụ về.

Trước đây, có người cho Trấn Bình Đài chỉ là pháo đài thứ 25 của Kinh Thành Huế. Nhưng qua nhãn quan quân sự, trung tá Ardant du Picq trong bài “Les Fortifications de la Citadelle de Hué” căn cứ trên quy mô kiến trúc và hệ thống phòng thủ của nó, đã nhận định đây là cái thành riêng, có tương quan chặt chẽ với Hoàng Thành trong sứ mệnh bảo vệ chủ quyền của triều đình nhà Nguyễn.

Một số nhà nghiên cứu gọi Trấn Bình Dài là cái “cuống họng” (la gorge) của Kinh Thành, đóng vai trò rất quan trọng về phương diện võ bị tại Kinh đô. Cho nên chúng ta không lạ gì khi thấy chính quyền thực dân Pháp buộc triều Huế phải nhường Trấn Bình Đài cho họ đóng quân trong cuộc bàn cãi gay go kéo dài gần một năm trước khi ký hiệp định Patenôtre (1884). Sau đó hai năm (1886), họ lại ép Nam triều phải nhường thêm một phần đất sát đó nằm bên trong góc phía bắc Kinh Thành để tăng cường lượng đồn trú hầu khống chế Kinh đô. Một khi cái “cuống họng” ấy bắt đầu bị bóp lại, Kinh Thành có thể bị tiêu diệt vào bất cứ lúc nào. Lịch sử cho thấy rõ, sau khi chiếm cứ Trấn Bình Đài chỉ một năm (1885), người Pháp đã thâu tóm Kinh đô vào tay họ một cách dễ dàng, nghĩa là triều đình nhà Nguyễn hoàn toàn mất chủ quyền.

Đã gần hai thế kỷ trôi qua kể từ ngày Kinh Thành Huế được xây dựng nhằm làm nơi tập trung uy quyền của vương triều nhà Nguyễn. Diện mạo của công trình đồ sộ này từng thu hút sự chú ý của nhiều nhà văn hóa, chính trị, nhiều chuyên gia về quy hoạch, kiến trúc quân sự và dân sự, nhiều du khách trên thế giới cũng như ở nước ta.

Để kết luận, xin nhường lời đánh giá cho một số nhà chuyên môn nói trên:

  • Le Rey – một thuyền trưởng người Pháp:

“Kinh Thành Huế nhất định là cái pháo đài đẹp nhất và đều đặn nhất ở Đông Dương, kể cả pháo đai William Calcutta Saint-Georges Madras do người Anh thực hiện” (1819).

  • Ardant du Picq – một sĩ quan Pháp:

“Những lối tấn công của các địch thủ Gia Long ở Đông Dương đương thời đều sẽ trở nên vô hiệu trước vòng thành bằng gạch và mô thành bằng đất dày đến 20m ấy. Vào thời đó mà xây dựng thành trì được như vậy kể cũng hùng hậu lắm rồi” (1924).

  • Kiến trúc sư Bùi Hiệt:

“Nét ưu việt trong kiến trúc Kinh Thành Huế là sự kết hợp chặt chẽ đầy trí tuệ giữa kiến trúc và thiên nhiên, kéo thiên nhiên về phía mình để phục vụ cho ý đồ quy hoạch. Sông Hương không chỉ là trục giao thông quốc phòng đường thủy nối liền với các cửa khẩu mà còn là xương sống tạo nên vẻ đẹp của thành phố; hệ thống sông ngòi và hồ vừa có chức năng bảo vệ thành trì vừa là nơi trồng sen tạo nên vẻ yên tĩnh, sâu thẳm của thành phố từ hạ sang thu” (1986).


Trấn Bình Đài
5 (0) votes
This entry was posted in Bookmark the permalink.

Tin cùng chuyên mục: