Đang tải... Vui lòng chờ...

Vịnh Hạ Long - tuyệt tác của thiên nhiên

Ngày 17/12/1994, vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới với giá trị ngoại hạng về mặt thẩm mỹ, lần thứ hai, vào ngày 2/12/2000 Vịnh Hạ Long tiếp tục được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chuẩn về giá trị địa chất, địa mạo.

Vịnh Hạ Long nằm ở vùng Đông Bắc Việt Nam, là một phần phía tây Vịnh Bắc Bộ, bao gồm vùng biển của thành phố Hạ Long, thị xã Cẩm Phả và một phần của huyện đảo Vân Đồn. Phía tây nam giáp đảo Cát Bà, phía tây giáp đất liền với đường bờ biển dài 120 km, Vịnh có tổng diện tích 1553 km2 gồm 1969 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó 989 đảo có tên và 980 đảo chưa có tên.

Vẻ đẹp của vịnh Hạ Long khiến bao du khách ngỡ ngàng

Vịnh Hạ Long đã hai lần được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Lần thứ nhất vào ngày 17-12-1994 tại kỳ họp thứ 18 tại thành phố Phu kẹt (Thái Lan), Uỷ ban Di sản thế giới đã chính thức công nhận Vịnh Hạ Long vào danh mục di sản thiên nhiên thế giới với giá trị ngoại hạng về mặt thẩm mỹ theo tiêu chuẩn thứ 3 (tức tiêu chuẩn iii)  của Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Và lần thứ hai vào ngày 29-11-2000, tại kỳ họp toàn thể lần thứ 24 tại thành phố Cairns, Bang Qeensland, Australia, Uỷ ban di sản Thế giới đã công nhận Vịnh Hạ Long là di sản Thiên nhiên thế giới lần thứ 2 về giá trị địa chất địa mạo  theo tiêu chuẩn (i) của Công ước về bảo vệ di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới.

Về giá trị thẩm mỹ, vẻ đẹp của Hạ Long được tạo nên từ ba yếu tố: đá, nước và bầu trời. Vịnh Hạ Long nổi bật với hệ thống đảo đá và hang động tuyệt đẹp. Đảo ở Hạ Long có hai dạng là đảo đá vôi và đảo phiến thạch, tập trung ở hai vùng chính là vùng phía đông nam vịnh Bái Tử Long và vùng phía tây nam vịnh Hạ Long. Các đảo đá không đơn điệu, buồn tẻ mà là một thế giới sống động. Đảo giống như đôi gà hướng mỏ vào nhau (hòn Trống-Mái), đảo giống chú đại bàng đậu trên mỏm đá rình mồi (hòn Đại Bàng) hay ông già đang ngồi trầm ngâm câu cá (hòn Lã Vọng)... 

Cảnh đẹp Vịnh Hạ Long không chỉ  ở dáng núi, sắc nước mây trời, ẩn giấu trong lòng các đảo đá còn là hệ thống hang động vô cùng phong phú, mỗi hang động có một vẻ đẹp khác nhau tạo nên sức hấp dẫn, lôi cuốn lạ lùng. Động Thiên Cung chau chuốt, lộng lẫy như được chạm khắc từ pha lê; hang Đầu Gỗ được mệnh danh là “động các kỳ quan” với kiến trúc khỏe khoắn và hoành tráng; hang Sửng Sốt như mở ra một thế giới cổ tích, thần thoại ...

Hòn Trống - Mái

Vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long đã được tổ chức UNESCO khẳng định khi quyết định đưa vào danh mục Di sản thế giới: “Việc công nhận vào danh mục này khẳng định giá trị ngoại hạng và toàn cầu của một Di sản văn hoá và thiên nhiên cần phải được bảo vệ vì lợi ích của toàn nhân loại”.

Về giá trị địa chất, vịnh Hạ Long có nhiều giá trị địa chất khác nhau:

1. Giá trị địa chất khu vực:

Các đảo phụ cận và vùng ven bờ Vịnh bao gồm nhiều hệ tầng trầm tích có nguồn gốc lục địa và cacbonat, có tuổi từ 500 triệu năm trước đến ngày nay. Đó là những trang sử đá ghi lại những biến cố vĩ đại của các quá trình địa chất khu vực xảy ra, được thể hiện qua các đặc điểm màu sắc, thành phần vật chất, sự sắp xếp, cấu tạo các lớp đá, các di tích hóa thạch còn được bảo tồn cho đến ngày nay. Nhiều hệ tầng trầm tích chứa đựng các vết tích cổ sinh vật dưới các dạng hóa thạch khác nhau, trong đó có những nhóm ngành động, thực vật đã bị tiêu diệt hoàn toàn hoặc gần như bị tiêu diệt hoàn toàn trên trái đất. Đó là kho báu để tìm hiểu về quá trình phát triển, tiến hóa của sự sống trên trái đất tại khu vực này.

2. Giá trị địa chất Đệ tứ và địa chất biển:

khu vực Vịnh Hạ Long có nhiều nét độc đáo về địa chất thuộc kỷ Đệ tứ: Các hệ tầng trầm tích kỷ Đệ tứ, các bề mặt thềm biển nâng cao, các bề mặt đồng bằng phân bậc nằm chìm, các hệ thống thung lũng sông cổ bảo tồn dưới dạng các luồng lạch kế thừa dưới đáy Vịnh, hệ thống hang động và trầm tích hang động, các ngấn biển cổ dưới dạng các hàm ếch và các hệ hầu hà cổ bám trên vách đá là những vật chứng sống động về các sự kiện địa chất Đệ tứ. Dưới góc độ địa chất biển ven bờ, Vịnh Hạ Long được ghi nhận như là một bồn tích tụ hiện đại, được tạo nên không phải từ những mũi nhô của lục địa, mà nhờ sự tồn tại của hệ thống đảo chắn ngoài. Tại đây, quá trình bờ bị ăn mòn hóa học đá cacbonat rất phát triển trong môi trường nước biển kiềm tạo nên các ngấn hàm ếch sâu rộng làm tăng thêm dáng vẻ kỳ dị cho các đảo đá vôi trên Vịnh Hạ Long.

3. Giá trị địa mạo Karst:

Vịnh Hạ Long là một mẫu hình tuyệt vời về Karst trưởng thành trong điều kiện nhiệt đới ẩm. Nơi đây có một quá trình tiến hóa Karst đầy đủ trải qua 20 triệu năm nhờ sự kết hợp đồng thời của các yếu tố như tầng đá vôi dầy, khí hậu nóng ẩm và quá trình nâng kiến tạo chậm chạp trên tổng thể. Quá trình phát triển đầy đủ Karst khu vực Vịnh Hạ Long đã trải qua 5 giai đoạn: Giai đoạn khởi đầu là một đồng bằng cổ hoặc một cảnh quan bằng phẳng kế thừa; Giai đoạn hai là sự phát triển của địa hình phễu Karst; Giai đoạn ba hình thành các cụm đồi hình chóp, hình nón liên kết nhau; Giai đoạn bốn phát triển thành các tháp cao có vách dựng đứng tách rời nhau và cuối cùng là đồng bằng Karst.  Cảnh quan Karst Vịnh Hạ Long có ý nghĩa quốc tế và có tính nền tảng cho khoa học địa mạo. Một đặc điểm rất quan trọng tạo nên sự độc nhất vô nhị của Karst Vịnh Hạ Long là bị biển ngập và xâm thực biển cùng với qui mô của các tháp bị nước biển làm chìm ngập.

(Nguồn: sưu tầm)

Thơ Phạm

In văn bản