Thiệt hại của di sản văn hóa Syria sau chiến tranh
Những cuộc xung đột ở Syria trở nên nghiêm trọng hơn từ sau năm 2011 không chỉ gây thiệt hại về vật chất, tinh thần cho Syria, mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới những di sản vô giá của đất nước này. Đồng nghĩa với đó là một tổn thất không thể bù đắp đối với nền văn hóa của nhân loại.
Theo báo cáo của Tổ chức Văn hóa, Khoa học, Giáo dục Liên hiệp quốc (UNESCO) thì mức độ hư hại của 6 di sản được công nhận là Di sản Thế giới ở Syria là vô cùng nghiêm trọng.
Thành phố cổ Aleppo là nơi lưu giữ nhiều di tích lịch sử và văn hóa độc nhất vô nhị nhưng đây cũng là chiến trường ác liệt giữa quân Chính phủ Syria với phe nổi dậy. Hậu quả là thánh đường Hồi giáo Umayyad nghìn năm tuổi ở phía bắc thành phố Aleppo, của Syria, đã bị phá hủy trong cuộc đụng độ giữa quân đội chính phủ và phe đối lập. Di tích cổ kính nhất của thánh đường Hồi giáo là tòa tháp có chiều cao 45m được xây dựng vào thế kỷ XI vốn được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Thêm nữa, khu phố cổ Salaheddin ở phía Tây Nam thành phố cũng bị tổn hại nặng nề. Khu phố cổ này là tập hợp các tòa nhà cổ từ thế kỷ từ XII đến XVI. Từ trước cuộc nội chiến Syria, khu phố cổ này luôn là một trong những địa danh thu hút nhiều khách du lịch nhất và đã được đưa vào danh sách các di sản thế giới của UNESCO năm 1986. Sau hàng loạt những cuộc giao tranh ác liệt ở khu vực thành phố cổ, khu chợ ngoài trời cổ xưa nhất thế giới al-Madina đã bị san bằng, kèm theo đó là những sạp hàng cổ xưa cùng với các sản phẩm thủ công địa phương bị cháy rụi hoàn toàn sau một trận độ súng giữa quân chính phủ và phe nổi dậy.
Rồi thành cổ Damascus, vốn có người ở từ cách đây 4.000 năm, cũng đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Trước nội chiến, thành cổ Damascus, với nhiều khu chợ, nhà hàng, nhà thờ (Công giáo và Hồi giáo), là một trong những điểm thu hút nhiều khách du lịch nhất của Syria. Tuy nhiên, hồi tháng 6, thành phố này đã phải hứng chịu nhiều cuộc dội bom dữ dội.
Đồng thời tại thành phố ốc đảo Palmyra cũng đang gặp nhiều rủi ro, nhiều di chỉ khảo cổ ở đây đã bị cướp phá. Palmyra là một trong những dấu ấn kiến trúc của Syria. Đại lộ của Palmyra có nhiều cột trụ Hy Lạp, song các bức tường của ngôi đền Baal đã bị thủng với nhiều lỗ đạn.
Còn pháo đài Qal`at al-Hosn (Krak des Chevaliers), tiếng Ả Rập có nghĩa là « pháo đài không thể bị chiếm ». Các bức tường vững chãi của pháo đài có thể kháng cự lại được các cuộc tấn công thời Thập tự chinh, bản thân pháo đài đã trụ được qua hàng thế kỷ không suy chuyển, thế nhưng trước các đợt không kích của Damas, pháo đài rã ra như một lâu đài bằng giấy.
Nhà hát Bosra nằm trong thành phố cổ nằm ở Syria, từng là một trong những nhà hát La Mã còn nguyên vẹn nhất thế giới.Thời hiện đại, nhiều nghệ sĩ và dàn nhạc khắp thế giới vẫn đánh giá cao độ vang âm đặc biệt của nhà hát. Tuy nhiên, trong một cuộc giao tranh mới đây, nó đã bị hư hại.
Rồi 700 khu định cư ở miền Bắc Syria, giữa Aleppo và Idlib, được mệnh danh là "những thành phố chết" và đã bị đưa vào danh sách di sản bị đe dọa của UNESCO. Các khu dân cư này có nhiều ngôi nhà từ kỷ nguyên Byzantine, và dấu tích của nhiều ngôi nhà cổ ở Jerada vẫn được giữ nguyên vẹn cho đến khi cuộc nội chiến nổ ra. Kể từ đó, nhiều ngôi nhà đã bị đốt cháy và bị cướp phá.
Ngoài ra nạn cướp phá di sản hiện là vấn đề lớn.Nhiều bảo tàng giá trị của Syria đang nằm tại tâm của các vùng chiến sự, như Bảo tàng Idlib, nơi lưu giữ phần lớn các tấm đất sét Ebla vô giá. Kể từ năm 2011, nhiều di sản có giá trị đã được chuyển khỏi các bảo tàng ở Damascus và Aleppo, được lưu giữ trong két sắt ở Ngân hàng Trung ương Syria. Tuy nhiên, hầu hết các bảo tàng đều không thoát khỏi nạn cướp phá. Tháng 5/2014, Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã cho thành lập một trạm quan sát tại thủ đô Beirut của Liban để giám sát sự phá hủy và đánh cắp cổ vật đồng thời thu thập thông tin chuẩn bị cho công tác phục hồi sau khi chiến tranh chấm dứt.
Như vậy,cuộc nội chiến kéo dài hơn 3 năm qua đã tước đi sinh mạng của hơn 150.000 người, đồng thời đẩy hàng triệu người khác chạy sang các nước láng giềng lánh nạn. Hơn thế, chiến tranh cũng hủy diệt một số di sản nghệ thuật và tượng đài văn hóa quý nhất của Syria. Trước thực trạng đó, UNESCO đã triển khai kế hoạch hành động nhằm giảm nhẹ thiệt hại mặc dù các cuộc xung đột vẫn không ngừng diễn ra gây cản trở việc thực hiện nhiệm vụ. Nhờ những biện pháp can thiệp, một số hiện vật của Syria đã được tìm thấy và trả lại. Những thành công tuy nhỏ nhưng đã khuyến khích các chuyên gia theo đuổi công việc của mình trong khu vực này.
Hoài Thanh