Vườn quốc gia Cát Tiên là khu bảo tồn rất nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Được UNESCO công nhận là “ khu dự trữ sinh quyển của thế giới ” và là một trong những khu dự trữ sinh quyển lớn của Việt Nam.
Vườn quốc gia Cát Tiên nằm trên địa phận ba tỉnh: Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước, được thành lập ngày 13/1/1992 theo quyết định của Thủ tướng chính phủ nước Việt Nam trên cơ sở kết nối khu rừng Nam Cát Tiên và khu bảo tồn thiên nhiên Tây cát Tiên.
Vườn Quốc gia Cát Tiên là khu vực còn bảo tồn được nhiều loại động, thực vật quý hiếm; là vùng quan trọng để duy trì hệ sinh thái rừng lá rộng. Độ che phủ của rừng tự nhiên trong khu vực này lên tới 80%, với hệ sinh thái đa dạng. Hiện nay, Vườn Quốc gia Cát Tiên là một trong những khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam, đã được UNESCO ghi danh. Theo số liệu thống kế, trong Vườn Quốc gia Cát tiên có 1.610 loài thực vật và 1.568 loài động vật. Trong đó, 31 loài thực vật và 84 loài động vật có tên trong Sách Đỏ Việt Nam, 50 loài chim được ưu tiên bảo vệ ở mức độ toàn cầu và được ghi vào Sách Đỏ IUCN, 2008). Đặc biệt, có một số loài và phân loài thuộc đặc hữu của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị diệt vong như chà vá chân đen và hoẵng Nam Bộ.
Đường vào vườn Cát Tiên
Vườn quốc gia Cát Tiên có tổng diện tích 77.878 ha, trải dài từ cao nguyên Nam Trường Sơn đến vùng đồng bằng Nam Bộ. Vườn có hệ sinh thái đất ngập mặn ven sông, dây là loại đất khá độc đáo của Việt Nam và thế giới. Bao quanh rừng ngập mặn là các rừng tự nhiên, bao gồm các sông suối, thác ghềnh, thung lũng... Đến thăm rừng Cát Tiên, ta sẽ được chiêm ngưỡng nhiều thắng cảnh đẹp như thác Trời, thác Bến Cự, thác dựng, thác Mỏ vẹt...
Thác Trời ở vườn quốc gia Cát Tiên
Một trong những hệ thống sinh thái nổi bật ở đây là hệ thống sông và các bàu. Sông Đồng Nai, đoạn chảy qua Vườn Quốc gia Cát Tiên dài khoảng 90km. Suối Đắc Lua dài khoảng 20 km, gom nước từ các bàu ra sông. Bàu Sấu là bàu lớn nhất, có diện tích mặt là 92,63 ha. Trong bàu có khoảng 100 cá thể cá Sấu Xiêm.
Cá sấu Xiêm ở vườn quốc gia Cát Tiên
Khu vực này cũng là nơi sinh sống của loài cá lăng nổi tiếng. Trong khu vực Cát Tiên còn có diện tích đồng cỏ khá rộng, nơi bảo tồn các loài thú lớn quý hiếm (bò tót, hoẵng), được bảo vệ tốt, hầu như không có tác động của con người.
Về hệ thực vật của khu vực Cát Tiên
Nổi bật là rừng thường xanh lá rộng ưu thế là các loài cây gỗ thuộc họ dầu như dầu rái, dầu lông, cẩm lai Bà Rịa, gỗ đỏ, giáng hương... Rừng lá rộng thường xanh nửa rụng lá: thành phần các loài cây gỗ rụng lá trong mùa khô như bằng lăng, ổi, râm... Rừng hỗn giao gỗ, tre nứa: đây là kiểu rừng thứ sinh nhân tác của rừng thường xanh và nửa rụng lá, do bị lửa rừng, chất độc hóa học, rừng bị mở tán và tre nứa xen vào, rừng này được hình thành dưới tác động của con người. Thảm thực vật ngập nước và bán ngập nước, phân bố chủ yếu ở vùng trung tâm khu vực Nam Cát Tiên như bồ am, lộc vừng, sen lẫn cỏ lau...
Hệ thực vật của vườn quốc gia Cát Tiên
Hệ động vật
Vườn quốc giaCát Tiên có hệ động vật đa dạng và phong phú về thành phần loài, các loài quý hiếm có ý nghĩa bảo tồn nguồn gen trên toàn thế giới. Các nhà nghiên cứu đã ghi nhận ở vườn quốc gia Cát Tiên có 113 loài thú. Trong đó có 43 loài thú đang bị đe dọa tuyệt chủng ở trong nước và trên toàn thế giới với 38 loài có trong Sách đỏ Việt Nam (2007).
Loài bò tót tại vườn quốc gia Cát Tiên
Ngoài ra, còn có 18 loài và phân loài thú là đặc hữu cho tiểu vùng địa sinh học Đông Dương và đặc biệt có 3 loài và phân loài là đặc hữu cho Việt Nam là chà vá chân đen, tê giác một sừng Việt Nam và hoẵng Nam bộ. Khu vườn cũng có 351 loài chim, trong đó có 17 loài quí hiếm đã được phát hiện và có tên trong sách đỏ Việt Nam.
Loài Hổ tại vườn quốc gia Cát Tiên
Có thể nói Cát Tiên là một “đất nước thu nhỏ” của các loài chim rừng Việt Nam, trong đó có quần thể của 3 loài chim trong vùng chim đặc hữu là: gà so cổ hung, gà tiền mặt vàng, chích chạch má xám. Ngoài ra nơi đây còn có nhiều loại bò sát, lưỡng cư và côn trùng được ghi tên trong sách đỏ Viêt Nam.
Các dấu tích khảo cổ học cho thấy, trong khu vực này đã từng tồn tại một nền văn hóa cổ. Trong lịch sử, khu vực Cát Tiên và vùng phụ cận là không gian cư trú của nhiều dân tộc thiểu số: Mạ, Chơro, S’Tiêng, Mnông, Tày, Nùng, H'mông, Dao, Hoa, Mường, Ê đê,… Các dân tộc này hiện còn bảo lưu nhiều sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, lễ hội đặc sắc và nhiều phong tục, tập quán, nghề thủ công truyền thống cần được nghiên cứu, bảo tồn.
Các nhà khảo cổ cũng đã phát hiện được 12 di chỉ khảo cổ học dạng gò (vốn là phế tích những đền, tháp) trong khu vực Cát Tiên, cùng nhiều hiện vật, phế tích kiến trúc khác.
Linga bằng đồng trong khu di tích Cát Tiên
Trong những năm gần đây đã có nhiều dự án trong nước và quốc tế thực hiện ở vườn quốc gia Cát Tiên: Chương trình nghiên cứu loài tê giác, Chương trình phục hồi cá sấu nước ngọt, Hợp tác với tổ chức Birdlife International điều tra chim năm 1997. Năm 2000 dự án bảo tồn Vườn quốc gia đã tiến hành kiểm kê, đánh giá các quần thể chim, thú móng guốc, linh trưởng. Chương trình xây dựng vườn thực vật (1999-2005). Đặc biệt hiện vẫn đang triển khai dự án bảo tồn Vườn quốc gia Cát Tiên do WWF tiến hành với sự trợ giúp tài chính của Chính phủ Hà Lan..
Với nhiều danh lam thắng cảnh, hệ sinh thái ngập mặn đặc sắc. Hê thống động thực vật phong phú, lịch sử địa chất hàng ngàn năm, cùng với những nét văn hóa truyền thống đa dạng, đậm đà bản sắc của các dân tộc nơi đây, vườn quốc gia Cát Tiên được Thủ nước chính phủ Việt Nam chính thức công nhận là danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt.
Vũ Dung
( Nguồn: Sưu Tầm)