Đang tải... Vui lòng chờ...

Khu di tích Cố đô Hoa Lư

Cố đô Hoa Lư là quần thể di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Nơi đây là kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền ở Việt Nam. Với bề dày thời gian hơn 1000 năm, Cố đô Hoa Lư là nơi lưu trữ các di tích lịch sử qua nhiều thời đại.

Toàn bộ khu di tích Cố đô Hoa Lư nằm trên địa bàn giáp ranh giới 2 huyện Hoa Lư, Gia Viễn và thành phố Ninh Bình của tỉnh Ninh Bình. Hơn 1000 năm trước (năm 968) sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, chọn Hoa Lư làm kinh đô. Tồn tại trong 42 năm với 6 vị vua của 3 triều đại. Hoa Lư là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của Nhà nước độc lập, tự chủ của nước ta ở thế kỷ X. Là nơi gắn hiền với sự nghiệp dựng nước, giữ nước và cũng là nơi an nghỉ vĩnh hằng của Vua Đinh và Vua Lê. Năm 1010 vua Lý Thái Tổ dời kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long (Hà Nội), Hoa Lư trở thành Cố đô. Các triều đại sau dù không chọn Hoa Lư làm kinh đô nhưng vẫn cho xây dựng , tu bổ cố đô Hoa Lư thêm nhiều công trình, kiến trúc độc đáo.

                                                                  

                                 Cổng vào khu di tích Hoa Lư

Cố đô Hoa Lư trước đây rộng khoản 300 ha, được bao bọc bởi hàng loạt núi đá vòng cung, và cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Khoảng trống giữa các sườn núi được xây kín bằng đất ken gạch, chân thành có gạch bó, đắp cao từ 8 – 10 m. Kinh đô Hoa Lư bao gồm Thành Nội, Thành Ngoại và Thành Nam.                 Trải qua hơn 10 thế kỷ, các di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư hầu như đã bị tàn phá, đổ nát. Trong khu vực Cố đô Hoa Lư hiện nay còn lưu giữ được 678 di vật, cổ vật có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học, trong đó có hai di tích quan trọng nhất là đền vua Đinh và đền vua Lê được xây dựng vào thế kỷ 17 với nghệ thuật điêu khắc trên gỗ đá. Người dân địa phương đã phát hiện di tích, một tòa cung điện cũ cách đền vua Lê 50m.

Đền thờ Đinh Tiên Hoàng, được dựng trên nền chính điện của kinh đô Hoa Lư. Trước đền có núi Mã Yên làm bình phong, phía sau đền là dãy núi Dù bao bọc, các kiến trúc thành phần được bố trí đối xứng nhau qua đường “dũng đạo”. Kiến trúc chính của đền gồm: Bắc môn, nghi môn ngoại, nghi môn nội, sân rồng, nhà Khải Thánh, tiền đường, thiêu hương, hậu cung, nhà bia, sân vườn…

                                                                

                          Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng

Trải qua gần bốn thế kỷ, ngôi đền này vẫn giữ được vẻ uy nghi trầm mặc, lúc nào cũng nghi ngút khói hương. Các lối đi, tường gạch đều in dấu vết thời gian với những lớp rêu phong cũ kỹ. Trước cửa đền chính đặt long sàng làm bằng đá nguyên khối với đôi nghê đá hai bên rất sinh động. Các hình trang tri hoa văn được chạm khắc xung quanh long sàng rất tinh sảo.

                                                          

                               Gian thờ cúng vua Đinh Tiên Hoàng

Cách đền vua Đinh 500m là đền vua Lê, thờ Lê Đại Hành. Đền thờ vua Lê còn giữ được nhiều dấu tích kiến trúc cổ với những mảng chạm trổ công phu, điêu luyện. Tại đây, người ta đã tìm thấy di tích nền thờ cung điện cũ cùng một số đồ gốm sứ cổ. Những hiện vật quý này được lưu giữ tại phòng bảo tàng của khu đền.

                                                             

                                                          

                               Đền thờ Vua Lê

Cách đền vua Lê 200 m, là chùa Nhất Trụ, được xây từ đời vua Lê Đại Hành, trước cửa chùa có cột đá, cao 4,16 m hình tám cạnh, khắc bài kinh Lăng Nghiêm do nhà vua làm để dâng nhà Phật.

Cạnh đó là đền Phất Kim thờ công chúa thứ ba của vua Đinh Tiên Hoàng đã nhảy xuống giếng tự vẫn chứ không theo chồng phản tặc chống lại vua cha.

Trong khu Thành Ngoại xưa hiện vẫn còn nhiều chùa cổ khác, đều được xây dựng từ thời nhà Đinh như chùa Đìa, chùa Tháp, Bà Ngô.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của di tích Cố đô Hoa Lư, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Cố đô Hoa Lư là Di tích quốc gia đặc biệt.  

                                                                                                                                                                                                                                    Vũ Dung

                                                                                                                                                                                                                           Nguồn sưu tầm

 

In văn bản