Thái lăng được xây dựng trên một quả đồi thấp có tên là đồi Tán (hay Trán) Quỷ nằm trong lòng của một thung lũng mà ba mặt Đông, Tây và Bắc được bao bọc bởi các dãy núi cao tạo thành thế tay ngai vững chắc
Vùng đất An Sinh (huyện Đông Triều) chính là quê gốc của nhà Trần. Vì vậy, ở đây có một hệ thống di tích lịch sử, văn hoá rất phong phú, đa dạng, đặc biệt là di tích về lăng mộ các vua Trần. Cùng với các cụm di tích chùa Hồ Thiên, am Ngoạ Vân, chùa Quỳnh Lâm v.v.. các khu lăng mộ vua Trần ở xã An Sinh đã cho thấy Đông Triều từng là một trung tâm văn hoá hết sức quan trọng thời nhà Trần. Hiện nay, ở các khu lăng mộ này còn để lại rất nhiều những dấu tích có giá trị lịch sử, với mặt bằng tương đối nguyên vẹn. Khu sơn lăng nhà Trần ở An Sinh có 6 lăng, trong đó Thái Lăng (lăng Đồng Thái) là lăng đầu tiên được xây dựng ở An Sinh vào năm 1320, là nơi an táng vua Trần Anh Tông (1276-1320), đây còn là nơi phụ táng Thuận Thánh Bảo Từ Hoàng Thái Hậu (1332) ở trên quả đồi có tên gọi là đồi Táng Quỷ (hay như dân địa phương vẫn quen gọi là đồi Vua) thuộc xã An Sinh. Theo sử sách ghi lại, khu lăng mộ vua Trần Anh Tông này là khu lăng mộ đầu tiên được nhà Trần xây dựng ở Đông Triều.
![Thái Lăng nơi thờ tự vua Trần Anh Tông - được trung tu tôn tạo hoàn thành năm 2013. Thái Lăng nơi thờ tự vua Trần Anh Tông - được trung tu tôn tạo hoàn thành năm 2013.](http://media.bizwebmedia.net/sites/79353/data/Upload/2014/9/thai_lang_noi_thoi_tu_vua_tran_anh_tong(1).jpg)
Thái Lăng nơi thờ tự vua Trần Anh Tông - được trung tu tôn tạo hoàn thành năm 2013.
Cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 của thế kỷ hai mươi, khu vực di tích đã bị biến đổi bởi việc xây dựng đập Trại Lốc, biến khu vực này thành một hồ thuỷ lợi lớn phục vụ cho nông nghiệp; khu đồi Táng Quỷ nổi lên trở thành hòn đảo giữa hồ nên người dân địa phương còn gọi là Đảo Vua. Cùng nằm trong khu vực hồ Trại Lốc nhưng có số phận rủi ro hơn là Mục Lăng (Đồng Mục lăng), lăng của vua Trần Minh Tông (1300-1357) được xây dựng năm 1357. Theo các mô tả trước đây thì Mục lăng được xây dựng trên một quả đồi thấp, lăng có quy mô tương đối lớn. Sách Trần triều thánh tổ các xứ địa đồ mô tả, lăng có 3 cấp nền, ngày nay lăng nằm trong khu vực hồ Trại Lốc. Tuy nhiên, chúng ta không còn cơ hội để nghiên cứu khu lăng này nữa, tòan bộ khu lăng đã bị phá huỷ khi đào đất đắp đập xây hồ Trại Lốc đã nói trên, hiện nay một phần của khu lăng đã bị đập chính của hồ đè lên.
![Đập Trại Lốc xây dựng lên trên Mục lăng Đập Trại Lốc xây dựng lên trên Mục lăng](http://media.bizwebmedia.net/sites/79353/data/Upload/2014/9/dap_trai_loc_xay_dung_tren_muc_lang(2).jpg)
Đập Trại Lốc xây dựng lên trên Mục lăng
Thái lăng được xây dựng trên một quả đồi thấp có tên là đồi Tán (hay Trán) Quỷ nằm trong lòng của một thung lũng mà ba mặt Đông, Tây và Bắc được bao bọc bởi các dãy núi cao tạo thành thế tay ngai vững chắc. Suối Phủ Am Trà bắt nguồn từ Ngọa Vân đến khu vực lăng thì chảy từ phía Đông ngang qua phía trước mặt của đồi Tán Quỷ rồi hội nước ở trước mặt tạo thành minh đường tụ thủy; phía xa là dòng sông Cầm uốn lượn nhiều khúc và xa hơn nữa là những núi đá vôi sừng sững của vùng Kinh Môn giống như tấm bình phong lớn che chắn cho lăng. Tất cả các yếu tố địa hình tự nhiên này đã tạo cho lăng có một vị thế đắc địa theo quan niệm phong thủy với các yếu tố: tả thanh long, hữu bạch hổ, minh đường tụ thủy, hậu chẩm có núi cao.
![Các nhà thầu đang khẩn trương thi công dự án tôn tạo di tích Thái Lăng ở hồ Trại Lốc. Các nhà thầu đang khẩn trương thi công dự án tôn tạo di tích Thái Lăng ở hồ Trại Lốc.](http://media.bizwebmedia.net/sites/79353/data/Upload/2014/9/thai_lang.jpg)
Các nhà thầu đang khẩn trương thi công dự án tôn tạo di tích Thái Lăng ở hồ Trại Lốc
Trải qua thời gian, Thái lăng đã bị phá hủy, các dấu vết còn lại chỉ là những phế tích dưới lòng đất và một số ít nổi trên mặt đất. Theo mô tả của Đại Nam nhất thống chí thì đến thế kỷ 19 Thái lăng đã bị phá hủy và chỉ còn lại " rồng đá, kỳ lân đá và bậc đá".Trong các năm 2007, 2008 các nhà khảo cổ học đã khai quật khu vực trung tâm của Thái lăng, kết quả khai quật đã xác định được cấu trúc mặt bằng của Thái lăng. Theo đó Thái lăng được xây dựng trên ngọn đồi Tán Quỷ và khu vực xung quanh, trong đó trung tâm của lăng nằm trên đỉnh đồi với cấu trúc gồm ba cấp nền hình gần vuông chồng xếp lên nhau theo kiểu “kim tự tháp”. Trong đó, cấp nền thứ hai là cấp nền có nhiều dấu tích kiến trúc quan trọng nhất, có hệ thống đường đi, thềm bậc đá vôi có lan can chạm rồng, chạm hình sấu; hệ thống chân tảng đá cùng nhiều di vật khác, như: Bia đá, ngói mũi sen đơn và sen kép; các mảnh lá đề trang trí rồng phượng gắn trên ngói úp nóc hay trên lưng ngói ống lợp ở triền mái; nhiều gạch ngói vỡ thời Trần, Lê, Nguyễn v.v.. Cấp nền thứ ba ở tầng trên cùng, nơi cao nhất, là vị trí đặt huyệt mộ vua Trần Anh Tông (gọi là tẩm).
![Dấu vết kiến trúc khu tẩm điện trung tâm của Thái lăng Dấu vết kiến trúc khu tẩm điện trung tâm của Thái lăng](http://media.bizwebmedia.net/sites/79353/data/Upload/2014/9/di_tich_thai_lang.jpg)
Dấu vết kiến trúc khu tẩm điện trung tâm của Thái lăng
Đầu năm 2012, dự án bảo tồn, tôn tạo di tích Thái Lăng chính thức được khởi công. Hiện nay các nhà thầu (gồm liên danh các đơn vị Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình văn hoá đô thị Hà Nội, Công ty CP Xây dựng Đức Thịnh, Công ty CPTM Sơn Dầu) đang khẩn trương thi công công trình. Với việc đầu tư tôn tạo này, cùng với các di tích nhà Trần khác, Thái Lăng sẽ là một trong những điểm di tích lịch sử - văn hoá hấp dẫn ở vùng đất Đông Triều trong tương lai.
Nguồn : sưu tầm
Minh Thu