Đang tải... Vui lòng chờ...
EN VI

Kết nối di sản văn hóa đặc biệt ở Đông Triều với các di sản văn hóa ở Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh

 Với tư cách là một không gian văn hóa - tâm linh gắn với Vương triều Trần và Thiền phái Trúc Lâm-Yên Tử, khu di tích đó có vai trò kết nối, gắn bó Quảng Ninh với Hải Dương và Bắc Giang trong suốt chiều dài lịch sử và cả trong hiện tại.

Người Đông Triều tự hào được cư trú trên mảnh đất địa linh nhân kiệt và cũng là một trong những địa phương giàu truyền thống văn hóa, cách mạng. Đông Triều hiện đang lưu giữ nhiều di tích lịch sử, văn hóa (25 di tích cấp tỉnh, 8 di tích quốc gia và 1 di tích quốc gia đặc biệt) trong đó tiêu biểu nhất là Quần thể di tích Nhà Trần gồm 14 điểm di tích phân bố trên địa bàn 4 xã: An Sinh, Bình Khê, Thủy An và Tràng An

Muốn xác định được vị thế của Quần thể di tích Nhà Trần ở Đông Triều cần xem xét nó trong bối cảnh hệ thống di tích thời Trần trong cả nước, các tỉnh, thành phố có liên quan tới vương triều Trần, với Thiền phái Trúc Lâm - Yên Tử và các di tích của tỉnh Quảng Ninh. Levi-Strauss rất đúng khi khẳng định trong phương pháp cơ cấu luận cần phải “đứng ở toàn cảnh nhìn vào từng bộ phận và nhận diện giá trị từng bộ phận bằng cách đã đặt chúng trong mối liên hệ và tác động với cái toàn bộ”. Đây là quan điểm tiếp cận hiện đại về di sản văn hóa trong đó giá trị di sản văn hóa được nhận diện trong mối quan hệ tương hỗ ở tầm vĩ mô - cả quốc gia, liên tỉnh, liên vùng và vi mô là trong cùng một loại hình di sản văn hóa, tức là càng tiếp cận từ nhiều góc nhìn thì càng gần với sự thật lịch sử, chân giá trị và đặc biệt quan trọng hơn là trải nghiệm cuộc sống thông qua tiếp cận trực tiếp với 14 điểm di tích trong Quần thể di tích Nhà Trần ở Đông Triều.

Thiền Viện Trúc Lâm - Yên Tử

Thiền Viện Trúc Lâm - Yên Tử

1. Cánh cung Đông Triều là điều kiện tự nhiên quy định mối liên kết giữa Đông Triều với các vùng miền khác của đất nước. Cánh cung Đông Triều nằm vùng Đông Bắc Việt Nam, được cấu thành bởi hai dãy núi xếp hình cánh cung là Nam Mẫu và Bình Liêu. Dãy núi này nằm trên địa phận các tỉnh và thành phố: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương và Hải Phòng.

Yên Tử được xác định là một trong các dãy núi lớn nằm trong cánh cung Đông Triều và rất nổi tiếng ở cả hai khía cạnh: Cảnh quan thiên nhiên và lịch sử văn hóa mà chúng ta vẫn quen gọi là “non thiêng Yên Tử”. Các nhà “địa lý-phong thủy học” ví dãy núi Yên Tử trong vòng cung Đông Triều như hình “một con rồng lớn” vươn mình ra biển. Đầu rồng là núi Yên Tử, thân rồng là vùng núi Ngọc Thanh (Phật Tích hay Tam Bảo) và đuôi rồng là núi Con Sơn (núi Hun). Núi Bảo Đài nơi có Am Ngọa Vân và cũng là nơi Trần Nhân Tông hóa Phật được gọi là núi Vây Rồng. Bia tháp Trùng Quang trước chùa Hoa Yên có tên “Thùy thế sùng tích linh sơn - Trường Quang tháp bi” tức là bia tháp Trường Quang núi Linh Sơn - di tích tôn quý để lại cho đời sau, mà theo quan niệm của người xưa “núi chẳng cần cao, có tiên ắt nổi tiếng, nước chẳng cần sâu, có rồng ắt thiêng”. Vì vậy Yên Tử xứng đáng được tôn vinh là “phúc địa”, “linh sơn” vì đã từng có nhiều vị cao tăng tu hành đắc đạo ở đây. Trước các vua Trần đã có: Thiền sư Thiện Quang, Viên Chứng, quốc sư Đại Đăng, thiền sư Tiêu Dao, Huệ Tuệ tu hành. Và sau Trúc Lâm Tam Tổ có: Quốc sư Quốc Nhất, An Tâm, Tổ Chân Nguyên là Tuệ Nguyệt Chân Trí cũng đã từng trụ trì ở chùa Hoa Yên.

Quần thể di tích Nhà Trần ở Đông Triều nằm ở sườn phía Đông của dãy núi Yên Tử, chắc chắn cũng ít nhiều gắn với các vị chân tu nêu trên. Hơn nữa, vùng đất Đông Triều xét về vị trí địa lý, phía Bắc giáp huyện Lục Nam tỉnh Bắc Giang, bằng vòng cung Đông Triều; phía Tây giáp huyện Chí Linh, Hải Dương; phía Đông Nam giáp huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng; phía Đông giáp thị xã Uông Bí, Quảng Ninh. Do đó, xét từ góc độ địa văn hóa, Quần thể di tích Nhà Trần ở Đông Triều phải có mối liên hệ với di sản văn hóa của Bắc Giang, Hải Dương và Quảng Ninh. Mối liên hệ đó được xác định trong không gian của một vùng địa văn hóa mang tính chất liên tỉnh.

Khu di tích nhà Trần ở Đông Triều

Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều

2. Về mặt lịch sử, vùng đất Đông Triều là một trong những địa danh nổi tiếng trong lịch sử, gắn liền với quá trình phát tích và thịnh vượng của vương triều Trần là An Sinh, Hưng Hà, Tức Mặc, Thăng Long… Vương triều Trần cũng là triều đại hưng thịnh nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, có nhiều vị vua anh minh hết lòng vì dân, vì nước và các vị tướng tài kinh bang tế thế. Có thể nêu ở đây ba vị vua đầu triều tiêu biểu nhất là Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông; các vị vương tôn quý tộc nhà Trần như: Thái sư Trần Thủ Độ và Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn với những tuyên ngôn bất hủ: “đầu thần chưa rơi, xin bệ hạ chớ lo”, hoặc “nếu bệ hạ muốn hàng, hãy chém đầu thần đi đã”. Vương triều Trần đã vun đắp và để lại cho chúng ta “Hào khí Đông A” với chiến công vang dội ba lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông, cũng như Thiền phái Trúc Lâm kết hợp giáo lý đạo phật với tín ngưỡng bản địa và đạo lý “uống nước nhớ nguồn”  thành hệ tư tưởng độc lập dân tộc của Việt Nam thời bấy giờ. Có thể coi đây là những hạt nhân văn hóa quan trọng làm nên sức mạnh nội lực “sức mạnh mềm” của văn hóa cố kết lòng người.

Huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh là nơi đầu tiên mà tổ tiên nhà Trần đến lập nghiệp (hay còn gọi là quê gốc) trước khi dời xuống định cư ở hạ lưu sông Hồng (vùng Long Hưng-Tức Mặc). Với tư cách là quê gốc của nhà Trần và sau này là ấp Thang Mộc mà Trần Thái Tông đã ban cho Trần Liễu, An Sinh đã được các vua Trần lựa chọn làm nơi xây dựng khu sơn lăng thứ 2 (trước đó là khu sơn lăng Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), để tưởng niệm và tôn vinh các vị vua Trần đối với một vương triều phong kiến ngoài kinh đô thì miền đất đặt sơn lăng có vị trí vô cùng quan trọng của quốc gia. Khu sơn lăng tại An Sinh gồm có 7 lăng: Thái Lăng của vua Trần Anh Tông, Mục Lăng của vua Trần Minh Tông, An Lăng hay còn gọi là lăng Ngải Sơn của vua Trần Hiến Tông, lăng Phụ Sơn hay Phụ Lăng của vua Trần Dụ Tông, Hy Lăng của vua Trần Duệ Tông, Nguyên Lăng của vua Trần Nghệ Tông và lăng Tư Phúc là nơi thờ thần vị của vua Trần Thái Tông và Trần Thánh Tông.

Xét về mặt không gian xã hội của nhà Trần, ta thấy có 4 phân vùng quan trọng nhất là: An Sinh - Đông Triều, Tức Mặc - Thiên Trường, Ngự Thiên - Long Hưng và Thăng Long. Đó là những vùng đất gắn với cội rễ quê hương khởi nghiệp, phát tích và hưng thịnh. Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Anh, đất An Sinh xưa là một vùng rộng lớn tương đương với toàn bộ đất huyện Đông Triều, một phần thành phố Uông Bí, một phần huyện Kinh Môn, Hải Dương và một phần huyện Yên Hưng ngày nay. Mặt khác, Đông Triều là huyện phía Tây của Quảng Ninh có ranh giới Tây Nam giáp tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng, Tây Bắc giáp các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang và Hải Dương. Đặc biệt, phía Đông Bắc của tỉnh giáp Trung Quốc và từ lâu đã được coi là đất “phên dậu” vùng Đông Bắc che chắn, bảo vệ cho Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay. Với vị trí địa lý quan trọng như vậy, suốt thời kỳ phong kiến tự chủ (trải qua các triều đại: Ngô, Đinh, Lý, Trần, Hồ, Lê, Nguyễn), Quảng Ninh nói chung và Đông Triều nói riêng đã ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử lớn của đất nước. Từ đó suy ra, Đền Thái với tư cách “Thái miếu” của nhà Trần và khu di tích quốc gia đặc biệt ở Đông Triều tất yếu phải có mối quan hệ mật thiết với hệ thống di sản văn hóa ở Bắc Giang và Hải Dương - hai tỉnh liền kề với Quảng Ninh.

3. Xét về mặt văn hóa, Quảng Ninh với đất Yên Tử - điểm gạch nối giữa Đông Triều - Uông Bí - Chí Linh, Hải Dương và Sơn Động, Bắc Giang, nơi đang lưu giữ hàng loạt di tích có giá trị văn hóa với trung tâm của thiền phái Trúc Lâm - Yên Tử do Phật Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập. Trước hết phải kể đến hàng loạt các ngôi chùa được coi là “những đại danh lam” của Đại Việt thời Trần như: chùa Hoa Yên (yên Tử), chùa Quỳnh Lâm, chùa Am Ngọa Vân (Đông Triều), chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng, Bắc Giang), chùa Thanh Mai, chùa Côn Sơn (Chí Linh, Hải Dương), chùa Báo Ân (Hà Nội), chùa Phổ Minh (Nam Định), chùa Đại Bi (Bắc Ninh)… Các đạnh danh lam nêu trên đông thời cũng là các trung tâm lớn của Thiền phái Trúc Lâm -Yên Tử, có mối liên hệ mật thiết với 3 vị Trúc Lâm Tam Tổ (Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang), đồng thời đánh dấu các giai đoạn hình thành và phát triển một thiền phái nổi tiếng của Việt Nam.

Trong hệ thống chùa Trúc Lâm, ta thấy hang loạt các tháp đá (Bảo tháp) có chứa xá lị của Phật hoàng Trần Nhân Tông và các vị chân tu nổi tiếng khác của Thiền phái này: Huệ Quang Kim tháp do Vua Trần Anh Tông và Pháp Loa cùng các tăng sỹ xây dựng năm 1309 tại chùa Hoa Yên, tháp Tịch Quang (tháp mộ nhà sư Chân Nguyên), chùa Lân Yên Tử, Phật Hoàng Tháp và Đoan Nghiêm tháp, chùa An Ngọa Vân, Quang Bảo Tịnh tháp, chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh), Viên Thông bảo tháp, chủa Thanh Mai, Đăng Minh bảo tháp, chùa Côn Sơn (Hải Dương), tháp Phổ Minh, chùa Phổ Minh (Nam Định)…

Các ngôi chùa thuộc Thiền phái Trúc Lâm-Yên Tử, ngoài chức năng của loại hình thiết chế tôn giáo, thực chất cón là những “bảo tàng” sống động về văn hóa Phật giáo, mỹ thuật Phật giáo, trong đó, đáng quan tâm nhất là lễ hội gắn với các ngôi chùa nhờ vào sức lan tỏa của chúng trong những vùng lãnh thổ lớn của đất nước. Lễ hội Phật giáo diễn ra tại các ngôi chùa thuộc Thiền phái Trúc Lâm (yên Tử, Quỳnh Lâm, Vĩnh Nghiêm, Thanh Mai, Côn Sơn, Phổ Minh….) xét về bản chất, là hạt nhân tâm linh (nơi chứa đựng những “thánh tích” Phật giáo), tạo ra sự gắn kết cư dân các địa phương có sự hiện diện các ngôi chùa Trúc Lâm và sau nữa là cộng đồng xã hội rộng lớn. Có thể coi đây là loại hình du lịch-văn hóa tâm linh. Đến với lễ hội Phật giáo, công chúng ngoài việc vãn cảnh, thưởng ngoại và giải trí, còn có khát vọng tìm đến sự giải thoát, nơi được trao nhận những “thông điệp” chứa đựng sự minh triết về giác ngộ, tình thương yêu đồng loại, sự hòa nhập giữa con người và thiên nhiên.

Trong phạm vi tỉnh Quảng Ninh, khu di tích quốc gia đặc biệt ở Đông Triều có mối liên hệ trực tiếp về mặt không gian-xã hội, lịch sử và vănhóa giữa 3 khu di tích quốc gia đặc biệt của Quảng Ninh là: Vịnh Hạ Long, Khu di tích Bãi cọc Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên), Khu tích và danh thắng Yên Tử (thành phố Uông Bí).

Xét ở cấp độ vi mô, Khu di tích lịch sử Nhả Trần ở Đông Triều có mối liên hệ trực tiếp với các di sản văn hóa của Bắc Giang, Hải Dương trên cơ sở hạt nhân là Khu di tích danh thắng Yên Tử (thị xã Uông Bí, Quảng Ninh) – trung tâm lớn nhất của Thiền phái Trúc Lâm do Phật Hoàng Trần Nhân Tông sang lập. Có thể dẫn ra đây những yếu tố cơ bản là:

- Yếu tố thiên nhiên là dãy núi Yên Tử trong vòng cung Đông Triều: Đông Yên Tử - Tây Yên Tử;

- Yếu tố văn hóa (tôn giáo, tín ngưỡng) là Thiền phái Trúc Lâm-Yên Tử và hệ thống lăng tẩm thờ các vị vua của Vương triều Trần;

- Yếu tổ lưu niệm danh nhân là các vị Trúc Lâm Tam Tổ - những người khai mở, đặt nền móng cho sự phát triển của một Thiền phái mang đậm ssắc thái văn hóa Đại Việt;

- Yếu tố lịch sử là các điền trang, thái ấp của vương tôn, quý tộc, danh tướng nhà Trần, các sự kiện lịch sử gắn với chiến công 3 lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông đã từng diễn ra trên địa phận 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang.

Khu di tích Tây Yên Tử - Bắc Giang

Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử - Bắc Giang

Đến đây, chúng ta có thể tạm kết như sau: Khu di tích nhà Trần ở Đông Triều được cấu thành bởi 3 hệ thống di tích gồm: Đền thờ (đền Thái, đền Sinh…), quần thể lăng tẩm các vị vua Trần (Lăng Tư Phúc, Thái Lăng, Mục Lăng, Ngải Sơn Lăng, Phụ Sơn Lăng, Nguyên Lăng và Hy Lăng); chùa Phật (chùa Quỳnh Lâm, chùa Trung Tiết, chùa quán Ngọc Thanh, chùa Am Ngọa Vân, chùa Thiện…). Với tư cách là một không gian văn hóa - tâm linh gắn với Vương triều Trần và Thiền phái Trúc Lâm-Yên Tử, khu di tích đó có vai trò kết nối, gắn bó Quảng Ninh với Hải Dương và Bắc Giang trong suốt chiều dài lịch sử và cả trong hiện tại.

Tôi cho rằng, rất khó tìm thấy một quần thể di tích lich sử, văn hóa nào lại có khả năng gắn kết liên vùng, liên tỉnh rộng lớn như khu di tích danh thắng Yên Tử và khu di tích nhà Trần ở Đông Triều. Đó là cơ sở lịch sử, văn hóa, khoa học và cả yếu tổ thiên nhiên, cho phép chúng ta nghĩ đến một khu di sản có tính chất hỗn hợp do 3 tỉnh cùng phối hợp trình UNESCO đưa vào Danh sách Di sản thế giới.

Nguồn: Đặng Văn Bài 

Minh Thu 

In văn bản

Dự án sắp tới
Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm - giá trị trường tồn
Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm - giá trị trường tồn

Chùa Vĩnh Nghiêm từ lâu đã được đồng bào trong tỉnh cũng như cả nước và nhiều khách quốc tế biết đến không chỉ đơn thuần là một điểm du lịch, bởi vẻ đẹp của kiến trúc và phong cảnh hữu tình hiếm thấy mà còn bởi bản sắc đặc biệt của văn hóa Phật giáo Việt Nam nơi đây…

Ngũ Hành Sơn - Thiên đường du lịch
Ngũ Hành Sơn - Thiên đường du lịch

Ngũ Hành Sơn là năm ngọn núi vươn ra như năm ngón tay có tên theo ngũ hành: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn và Thổ Sơn. Những ngọn núi ấy thành tên từ thế kỷ 19 do vua Minh Mạng đặt.

Mộc bản triều Nguyễn - khối tài liệu đặc biệt quý hiếm của Việt Nam
Mộc bản triều Nguyễn - khối tài liệu đặc biệt quý hiếm của Việt Nam

34.555 bản khắc mộc bản đã giúp lưu lại những tác phẩm chính văn, chính sử do triều Nguyễn biên soạn, các sách kinh điển và sách lịch sử. Ngoài giá trị về mặt sử liệu còn có giá trị về nghệ thuật, kỹ thuật chế tác, ...