Xung quanh Thăng Long xưa có bốn trấn – Kinh Bắc, Hải Đông, Sơn Nam và Sơn Tây, làm phên dậu cho kinh đô. Sơn Tây - Xứ Đoài, lấy theo quẻ Đoài trong Kinh Dịch trỏ hướng Tây, thực ra là một địa vực rất rộng, bao gồm tỉnh Hà Tây cũ, tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Yên. Do con sông Hồng cắt đôi miền đất này theo chiều Bắc Nam, Tây Đông, nên văn hóa đôi bờ có khác biệt, nên đôi khi người ta có cảm tưởng Xứ Đoài là một địa lý hành chính không thống nhất. Phía sau dẫy núi Ba Vì và Tam Đảo đã là khu vực các Mường của người Mường. Ngay cả văn hóa Mường Hòa Bình và Phú Thọ hai bên bờ sông Đà và sông Hồng cũng khác nhau, nên xuôi xuống dưới là các làng xã người Kinh cũng có phần như vậy.
Sông Hồng là sông lớn không chỉ cho xứ Đoài mà còn cho cả đồng bằng Bắc bộ, nhưng xứ Đoài còn có những con sông có tính địa phương nhỏ hơn – sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tích…Địa hình bán sơn địa, tùy theo từng huyện, núi non và đồi thấp xen kẽ đồng bằng, khiến cho xứ Đoài có hình ảnh địa lý phong phú. Người nông dân có đồng ruộng cầy cấy, có núi để hái củi và tìm kiếm lâm sản, những làng nghề hình thành, đâu đâu cũng có sơn có thủy, khiến các bậc đạo sỹ muốn tìm đến ẩn dật truyền đạo, do đó mà đạo Phật và đạo Lão có nhiều xây dựng. Những vùng Mường tiếp giáp có một tổ chức xã hội riêng, không theo và giống chế độ làng xã của người Việt. Người Việt hình thành các làng từ các công xã nông thôn, suốt từ thời Lý đến thời Lê sơ, từ thời Lê sơ thế kỷ 15, làng xã chính thức bước vào thời kỳ phát triển ổn định và được coi như tế bào quan trọng của xã hội phong kiến Việt Nam.
Ngôi đình chính là ngôi nhà sàn Mường được nâng lên ở mức độ cao, hay nói cách khác kiểu thức ngôi nhà sàn Mường là hình mẫu cho ngôi đình. Nhà sàn Mường, nhất là ở vùng Phú Thọ, thường đi vào phía đầu hồi. Một số kiến trúc đình, đền Bắc bộ cũng đi vào hướng đầu hồi như vậy, nhưng đa số cửa chính theo hướng ngang. Ngôi nhà sàn Mường lấy hình thức con rùa làm mẫu – con rùa được coi là vật thiêng dậy người Mường cách làm nhà, các chân là mai rùa là mái vẩy rộng ra rất xa hàng cột hiên, bụng rùa là sàn. Về đại để ngôi đình cũng như vậy, nhưng về hình tượng thì ngôi đình lấy con thuyền làm mẫu. Nhà sàn Mường hay ngôi nhà cộng đồng có chung dạng thức, dù bao giờ nhà cộng đồng cũng to hơn. Vùng tiếp giáp giữa xứ Đoài và các Mường Hòa Bình, Phú Thọ do hay có lũ quét trên núi ở địa hình dốc, nên nhà sàn thường chôn cột rất sâu, tới 2 – 3 thước, còn các xà và đòn tay chỉ gác lên cột chứ về căn bản không đục mộng. Khi gặp lũ, bộ mái và xà có thể trượt đi, nhưng cột vẫn cố định và người ta chỉ việc kéo chúng về vị trí cũ và lợp lại. Ngôi nhà và ngôi đình ở đồng bằng không sợ lũ quét mà cần chống gió bão, cho nên một bộ vì kèo chắc chắn giằng với nhau bằng mộng mẹo và mái dầy nặng là cần thiết. Các đình xứ Đoài hầu hết đều có sàn, và theo các nhà nghiên cứu, đình có sàn thuộc loại cổ, dấu tích sàn đình có ở nhiều nơi Bắc bộ, nhưng đình có sàn là đặc trưng của xứ Đoài.
Trong những ngôi đình được xác định là sớm nhất, vào thế kỷ 16, thì đình Lỗ Hạnh ở Bắc Giang, Kinh Bắc cũ, còn lại là hai ngôi đình Tây Đằng và Thụy Phiêu, Xứ Đoài. Từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18 các ngôi đình Xứ Đoài liên tiếp được xây dựng, tất nhiên cả trong thế kỷ 19, được coi là hậu kỳ của việc làm đình. Đình ra đời là ngôi nhà công cộng của cả làng, với ba chức năng - thờ Thành hoành làng, trụ sở hành chính và tổ chức hội lễ. Thần Thành hoàng làng ở Xứ Đoài, chủ yếu là thần Tản Viên và vài vị thần khác từ các nhân vật lịch sử tham gia chống xâm lược, điều này cho thấy Xứ Đoài lấy núi Ba Vì làm điểm tựa địa lý tâm linh và phong thủy có tính quốc gia.
Kiến trúc đình làng là tổng hợp của thành tựu kiến trúc gỗ Việt Nam, ít nhất có một nghìn năm lịch sử, tính đến thời nhà Mạc thế kỷ 16, thì việc xây dựng gỗ gạch, theo những gì còn lại đã có bốn trăm năm. Đình làng ra đời trong sự phát triển của làng xã, mà làng xã trong ba thế kỷ 16, 17, 18 nằm trong thời nội chiến của các thế lực phong kiến Việt Nam. Dường như họ (vua chúa) mải đánh nhau, chỉ cần làng xã đóng góp thuế đinh, thuế điền, và không nhòm ngó đến cái làng một cách kỹ lưỡng theo kiểu nhà cai trị. Làng xã tự trị có điều kiện phát triển một thứ dân chủ tự phát, địa phương cũng đủ để sản sinh một thứ văn hóa làng có sinh khí tự do nhất định, không Nho Lão Phật cứng nhắc, không áp chế cực đoan, đời sống thế tục có thể nào thì phản ánh thế đó trên điêu khắc đình làng.
Xứ Đoài cho đến nay vẫn đứng đâu về số lượng di tích và làng nghề, và cũng giống Kinh Bắc có một truyền thống văn hóa nghệ thuật một nghìn năm qua, sự kế thừa và diễn tiến liên tục các kiến trúc đình, đền, chùa, lăng mộ ở Xứ Đoài cho thấy một mật độ dầy đặc văn hóa theo chiều sâu lịch sử và chiều rộng không gian, trong đó ngôi đình đóng vai trò trung tâm của làng xã. Hiện chưa có một phân định rạch ròi nào về phong cách riêng của Đình Đoài, và xem ra việc đó cũng không nhất thiết, khi làng xã toàn Bắc bộ có một thể chế tương đối giống nhau và chung nhất bởi xã hội phong kiến Việt Nam. Tuy nhiên có vài đặc điểm, tính theo số đông các đình Xứ Đoài như vậy (nhưng không có tính tuyệt đối), đó là: Thần Tản Viên chiếm đa số trong các thần Thành Hoàng làng Xứ Đoài, phần trang trí cửa võng ban thờ thường sơn đen, đình thường để ngỏ bốn bề và dân làng bất cứ lúc nào cũng có thể vào đình, đình thường có sàn, hệ thống phù điêu trang trí phản ánh đời sống và tập tục Xứ Đoài…Chúng tôi không cho rằng đây đã được coi là những đặc điểm phân biệt, mà chỉ tổng kết trên nhiều Đình Đoài và so với các đình Bắc bộ khác. Đình Đoài là sản phẩm tinh thần đắc sắc của nền văn hóa nhân dân Xứ Đoài, sự đóng góp của cộng đồng làng, tuy nhỏ so với quốc gia phong kiến, nhưng đã là quá quy mô so với một ngôi làng.
Lựa chọn 22 trong 200 ngôi đình Xứ Đoài, với 200 bức ảnh, cuộc triển lãm và hội thảo Đình làng Xứ Đoài (các vùng thuộc Phú Thọ, Vĩnh Yên và các huyện phía tây Hà Nội) là một tổng kết chuyên sâu về một vùng văn hóa có thành tựu kiến trúc đình làng đặc sắc – thành tựu từng di dưỡng tinh thần của người Việt, đang có chiều hướng mai một, nếu không được bảo tồn tốt sẽ dần biến mất theo thời gian.
Phan Cẩm Thượng
2015