Một số vấn đề đặt ra với lễ hội cổ truyền
Nguyễn Thị Thu Trang
Cục Di sản văn hóa
Tóm tắt
Sự khác nhau về nhận thức và thái độ ứng xử đối với lễ hội cổ truyền hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề cho công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa cần cùng với các nhà khoa học nghiên cứu nâng cao nhận thức của cộng đồng, hỗ trợ họ trong việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống và hạn chế những tiêu cực còn tồn tại trong lễ hội cổ truyền.
Từ khóa: lễ hội cổ truyền; cộng đồng chủ thể; cộng đồng khách thể.
1. Lễ hội cổ truyền là một trong những loại hình di sản văn hóa phi vật thể, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng, đồng thời, có tác động tới quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hiện tượng lịch sử - văn hóa- xã hội này có mặt ở mọi vùng/miền, thu hút số lượng lớn người tham gia, bao gồm cả cộng đồng thực hành lễ hội và du khách thập phương. Tuy nhiên, thực tế hiện nay đang đặt ra một số vấn đề đối với việc bảo tồn loại hình di sản văn hóa phi vật thể lễ hội cổ truyền.
Thời gian qua, dư luận xã hội, các cơ quan truyền thông đã liên tục đề cập vấn đề tổ chức và quản lý lễ hội cổ truyền theo hướng tập trung phê phán các hiện tượng được cho là “tiêu cực”, mà thiếu sự nhận diện sâu sắc và phản ánh đầy đủ những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học đặc sắc liên quan đến lễ hội, cũng như những lớp tín ngưỡng dân gian và văn hóa tâm linh được tích hợp trong các nghi thức của lễ hội cổ truyền. Việc thiếu quan tâm quảng bá rộng rãi các giá trị lịch sử, văn hoá trong lễ hội mà chỉ khai thác những yếu tố mang tính chất “giật gân”, cho thấy cần nhiều hơn nữa các giải pháp nâng cao nhận thức của đông đảo người dân và định hướng truyền thông trong hoạt động quảng bá, tuyên truyền các giá trị di sản văn hóa phi vật thể nói chung, lễ hội cổ truyền nói riêng.
2. Sự đa dạng, phong phú của lễ hội cổ truyền có thể được coi là sự phản ánh về những thay đổi cả về vật chất lẫn tinh thần trong đời sống xã hội theo chiều hướng tích cực: khi đời sống vật chất nâng cao, thì nhu cầu hưởng thụ văn hóa của xã hội cả về tâm linh lẫn thư giãn cũng vì thế lớn hơn. Sự tích cực đó lại dẫn tới sự “thiếu” tích cực, đó là hiện tượng quá tải trong các dịp lễ hội. Tuy nhiên, xét về bản chất, lễ hội cổ truyền không phải là nguyên nhân phát sinh ra các hiện tượng tiêu cực, mà hiện tượng này có thể đã phản ánh những mặt khác nhau của thực tế xã hội, cụ thể là:
- Khả năng quản lý về lễ hội cổ truyền chưa theo kịp diễn biến của đời sống xã hội, chưa tương xứng với yêu cầu thực tế đặt ra. Hiện tượng “sân khấu hóa”, “hiện đại hóa”, “thương mại hóa”, “thế tục hóa” và “nhà nước hóa” lễ hội cổ truyền vẫn xảy ra ở đây đó khi bước vào mùa lễ hội.
- Nhận thức của xã hội, bao gồm của cả cộng đồng chủ thể thực hành lẫn cộng đồng khách thể tham gia lễ hội về các hiện tượng văn hoá trong lễ hội chưa thực sự toàn diện. Cụ thể, cộng đồng khách thể nhận xét, phê phán một số hiện tượng được cho là tiêu cực trong lễ hội, còn chủ thể lại chưa thực sự hợp tác, đồng thuận trong việc tự điều chỉnh các hành vi không phù hợp với xã hội hiện tại.
3. Vai trò của các ngành, các cấp trong hoạt động lễ hội cổ truyền là rất quan trọng, đặc biệt là ở những lễ hội lớn mang tính liên vùng: Lễ hội đền Hùng (Phú Thọ), Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương), chùa Hương (Hà Nội)…, vì nếu chỉ riêng cộng đồng địa phương, chắc chắn không đủ khả năng, điều kiện tổ chức và điều hành. Tuy nhiên, trong thực tế, có nhiều hình thức lễ hội với mô hình quản lý khác nhau đang được thực hành nên không thể áp dụng một mô hình quản lý duy nhất cho tất cả các hình thức lễ hội, mà cần có sự phối hợp linh hoạt giữa Nhà nước và cộng đồng, ví dụ:
- Cơ quan nhà nước, có thể từ cấp Trung ương tới tỉnh, huyện, xã… đóng vai trò trực tiếp điều hành và có sự kết hợp với cộng đồng cư dân địa phương, như tại lễ hội đền Hùng, chùa Hương, Côn Sơn - Kiếp Bạc, hội đền Sóc (Đông Anh, Hà Nội)…
- Chủ thể văn hóa, cộng đồng cư dân địa phương trực tiếp tham gia tổ chức, điều hành lễ hội; cơ quan quản lý nhà nước lo công tác bảo vệ an ninh, trật tự, kiểm tra và xử lý vi phạm, như ở lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam, hội Gióng ở đền Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội và hầu hết các lễ hội thuộc phạm vi làng, xã.
Thực tiễn cho thấy, mô hình quản lý nào có sự kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước (các ban, ngành liên quan của địa phương) với cộng đồng cư dân địa phương, để cộng đồng phát huy vai trò là chủ thể văn hóa thực sự trong hoạt động lễ hội, chính quyền quản lý các dịch vụ, an ninh trật tự, an toàn cháy nổ và vệ sinh môi trường… sẽ hạn chế được nhiều mặt tiêu cực, yếu kém đang tồn tại trong lễ hội. Cần có sự phân biệt giữa nghi thức khai mạc và nghi thức tế lễ truyền thống. Trong đó, các nghi thức tế lễ truyền thống của lễ hội vẫn do cộng đồng thực hiện theo đúng quy trình, đại diện cơ quan nhà nước không nên làm thay dân, ngay cả với nghi lễ thiêng liêng (dâng hương) trong ngày khai hội. Sau nghi thức tế lễ truyền thống, đại diện cơ quan nhà nước và du khách có thể thực hiện các nghi thức khai mạc mà không làm ảnh hưởng đến quy trình và “tính thiêng” của lễ hội. Bên cạnh đó, việc thay đổi các nghi thức cần xuất phát từ ý tưởng sáng tạo của cộng đồng mà không làm ảnh hưởng tới cấu trúc và giá trị di sản. Sự sáng tạo và thay đổi trong hội đền Sóc là ví dụ cụ thể, như các bài khấn do các thôn chuẩn bị như lệ, rồi Phòng Văn hóa huyện dịch lại cho dễ hiểu; voi và ngựa mã không hóa ngay sau khi hành lễ mà để khách thập phương được chiêm ngưỡng đến mùng 8 tháng Giêng mới hóa; giảm các môn thể thao hiện đại để tăng cường trò diễn, trò chơi dân gian.... đã nhận được sự đồng thuận của cộng đồng người dân nơi đây cũng như cộng đồng khách thể tham quan và nghiên cứu.
4. Không nên đặt vấn đề cấm hay thay đổi một lễ hội cổ truyền nào đó chỉ vì có các hiện tượng “tiêu cực” đi kèm, mà cần chủ động xây dựng chiến lược tuyên truyền, giáo dục, tạo được sự đồng thuận trong giới khoa học để định hướng cộng đồng, truyền thông. Hiện tượng tranh cãi quanh lễ hội Ném Thượng với tục hiến sinh lợn là ví dụ điển hình của sự khác nhau trong cách nhìn nhận của các nhà nghiên cứu văn hoá, cộng đồng chủ thể, du khách tham dự lễ hội và đặc biệt là giới trẻ. Trên thế giới, tục hiến sinh động vật cũng đang đối diện với sự phản đối mạnh mẽ của dư luận xã hội:
- Nepal với tục hiến sinh lớn nhất thế giới hiện nay: tại đền Gadhimai, làng Bariyarpur, quận Bara, cách thủ đô Katmandu 160km về phía Nam của Nepal (gần biên giới Ấn Độ), lễ hội Gadhimai được tổ chức 5 năm 1 lần, thực hiện nghi lễ hiến sinh hàng trăm con trâu (năm 2014: 300 con, năm 2015: 175 con1), lợn, dê, cừu, gà, thậm chí cả bồ câu đều bị chặt đầu, dâng lên thần Gadhimai (nữ thần quyền lực trong đạo Hindu). Người được trực tiếp tham gia thấy vinh dự và cho rằng, trong vòng 5 năm, mọi mong muốn của họ sẽ trở thành hiện thực. Các thày tu cho rằng: nữ thần cần máu và nghi lễ phải được duy trì. Do đó, Chính phủ đã cắt giảm ngân sách của lễ hội và có rất nhiều tổ chức tại Nepal cũng như trên toàn thế giới phản đối tục hiến sinh của lễ hội này2.
- Tây Ban Nha: lễ hội "ném dê" ở làng Manganeses, Polvorosa (Bắc Tây Ban Nha) diễn ra vào ngày chủ nhật cuối cùng của tháng 1 hàng năm, với nghi lễ ném dê từ trên đỉnh nhà thờ của làng. Chính quyền địa phương ban đầu đứng về phía cộng đồng và cố gắng bảo vệ tập tục. Dân làng cho rằng, lễ hội mà không ném dê thì cũng như ngày Giáng sinh không có cây thông Noel. Tuy nhiên, từ năm 2001, dân làng đã thay thế việc ném dê bằng hình nộm, do có những biện pháp xử phạt hành chính mạnh tay của chính quyền Nhà nước3.
Cũng tại Tây Ban Nha, lễ hội đâm bò Toro De La Vega diễn ra vào giữa tháng 9 ở thành phố Tordesillas. Trước đây, lễ hội này đã từng bị cấm tổ chức nhưng năm 1999 lại được phục hồi. Trong lễ hội, người ta thả một con bò tót ra đường phố để hơn 100 người đàn ông cầm lao đuổi theo đâm đến khi nó gục xuống. Người ta sẽ cắt bộ phận sinh dục của con bò trước khi nó chết, trong sự reo hò và cổ vũ của những người đứng xem, để tế Nữ thần đồng trinh theo một truyền thuyết có từ thế kỷ XV. Ngày 8/9/2014, tại Madrid, một sự kiện quy tụ hơn 45.000 người đã yêu cầu dẹp bỏ lễ hội Toro de la Vega với hy vọng nó sẽ được dẹp bỏ như hội đấu bò tót ở Catalan4.
Sau quần đảo Canary, nơi đầu tiên của Tây Ban Nha bãi bỏ tục đấu bò vào năm 1991, Catalan cũng đã ban hành lệnh cấm đấu bò vào ngày 28/7/2010, mặc dù tục lệ này được phần nhiều người dân Tây Ban Nha coi là biểu tượng văn hóa của đất nước họ5.
- Tại Pháp, Điều R521-1 và R655-1 Bộ luật hình sự quy định công khai trừng phạt những hành động lạm dụng nghiêm trọng hoặc những cách hành xử tàn ác với vật nuôi và động vật được thuần hóa, từ 02 năm tù giam và 3.050 € tiền phạt6.
Từ kinh nghiệm trong cách ứng xử của các nước đối với tục hiến sinh nêu trên cho thấy, về quan điểm các tập tục hiến sinh chứa đựng yếu tố bạo lực cần được thay thế thông qua quá trình giáo dục, nâng cao nhận thức, vận động cộng đồng chủ thể văn hóa lẫn cộng đồng khách thể, trong đó có cả chính quyền địa phương, nhằm tạo sự đồng thuận trong nhận thức, từ đó đưa ra giải pháp thay thế phù hợp cho từng lễ hội của từng cộng đồng người ở từng vùng cụ thể. Để làm được điều này, vai trò của Nhà nước, vai trò của các nhà khoa học là hết sức quan trọng trong việc hỗ trợ và định hướng cho cộng đồng. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu lễ hội truyền thống và các tập tục đi kèm, để một mặt phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa của lễ hội, mặt khác, điều chỉnh, thay thế dần những yếu tố không phù hợp với đạo lý hiếu sinh của dân tộc và sự phát triển chung của xã hội, trên tinh thần tuân thủ luật pháp, tôn trọng nguyện vọng của cộng đồng./.
N.T.T.T
Chú thích:
- http://news.bbc.co.uk/2/hi/south_asia/8375591.stm
- Sigdel, Chahana, "India confiscates hundreds of animals at Nepal border ahead of Gadhimai festival", Times of India, 20 November 2014.
- "Spaniards Won't Throw Goat", CBS News, 11 January 2011.
- http://www.30millionsdamis.fr/actualites/article/7938-espagne-cette-annee-encore-le-toro-de-la-vega-a-ete-supplicie/
- Remi. G, Về việc cấm đấu bò ở Catalan, Tạp chí Le Point ngày 28/7/2010.
- Điều R521-1 và R655-1 Bộ luật hình sự của nước Cộng hòa Pháp.