Đang tải... Vui lòng chờ...

Kế hoạch quản lý quần thể di tích và danh thắng Yên Tử

KẾ HOẠCH QUẢN LÝ QUẦN THỂ DI TÍCH VÀ

DANH THẮNG YÊN TỬ VỚI TƯ CÁCH LÀ

MỘT DI SẢN THẾ GIỚI CÓ TÍNH CHẤT LIÊN VÙNG

 

PGS. TS. Đặng Văn Bài

Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam

 

Danh hiệu Di sản thế giới mà UNESCO vinh danh cho các Quốc gia  thành viên là một vinh dự lớn lao và cũng là niềm tự hào dân tộc, vì quốc gia đó đã có những đóng góp xứng đáng làm giàu thêm và tạo nên sự đa dạng trong kho tàng di sản văn hóa của nhân loại. Cùng với danh hiệu cao quý bao giờ cũng kèm theo trách nhiệm nặng nề. Bởi vì, trong Công ước 1972, UNESCO đã xác định rõ trách nhiệm  của các Quốc gia thành viên “mỗi Quốc gia tham gia Công ước này công nhận bổn phận đảm bảo việc xác định bảo vệ, bảo tồn, phục hồi và chuyển giao cho các thế hệ mai sau di sản văn hóa và thiên nhiên đã xác định trong Điều 1 và Điều 2 và tọa lạc trong lãnh thổ của mình, trước hết là thuộc về quốc gia đó. Họ sẽ nỗ lực đem hết sức mình vận dụng tối đa các tiềm năng có trong tay để thực thi nhiệm vụ này”[i].

Phải coi đây là lời hứa danh dự và cũng là thứ công cụ pháp lý cả ở cấp độ quốc gia và quốc tế, đảm bảo sự trường tồn của di sản và khả năng làm cho di sản thế giới có vai trò và chức năng trong đời sống văn hóa của nhân loại. Vả lại, UNESCO cũng đặt ra những cơ chế giám sát chặt chẽ, buộc các Quốc gia thành viên phải thực hiện cam kết mà họ đưa ra trong hồ sơ đề cử di sản. Bằng yêu cầu báo cáo định kỳ và cử nhóm thẩm tra thực địa chính thức và không chính thức, UNESCO có thể yêu cầu nước chủ nhà phải thực hiện các biện pháp hữu hiệu để bảo tồn di sản hoặc Ủy ban Di sản thế giới sẽ ra quyết định loại ra khỏi Danh mục di sản thế giới nếu Quốc gia thành viên không đảm bảo được tính toàn vẹn cũng như làm suy giảm nghiêm trọng giá trị nổi bật toàn cầu của di sản thế giới do mình quản lý. Do đó việc bảo tồn và phát huy Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử với tư cách là di sản thế giới mang tính chất liên vùng sẽ trở thành trách nhiệm của cả 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang.

1. Kế hoạch quản lý và chương trình hành động bảo tồn di sản là thành phần không thể thiếu trong bộ hồ sơ đề cử Di sản thế giới

Để hiểu rõ bản chất của kế hoạch quản lý di sản theo yêu cầu của UNESCO, chúng ta cũng cần luận giải rõ khái niệm quản lý nhà nước về di sản văn hóa. Có thể hiểu một cách tổng quát, quản lý di sản văn hóa là quản lý các hoạt động của con người, cộng đồng xã hội, là những tác nhân có thể tác động ở cả hai chiều thuận và nghịch tới di sản. Như vậy, về thực chất quản lý di sản văn hóa cũng tức là thiết lập mối quan hệ gắn bó giữa các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa và cộng đồng cư dân địa phương nơi có di sản nhằm tạo ra sự đồng thuận về cách thức ứng xử với di sản văn hóa. Và quan trọng hơn cả là nhận diện rõ các mặt giá trị nổi bật của di sản, đồng thời đưa ra được những giải pháp thích hợp làm cho các giá trị di sản trở nên thực sự cần thiết, có ích cho hôm nay và mai sau.

Về mặt chiến lược, quản lý di sản văn hóa đặt ra những nhiệm vụ chính phải thực hiện là: Nhận dạng các mặt giá trị tiêu biểu của di sản (trường hợp của chúng ta là giá trị nổi bật toàn cầu của di sản), tình trạng kỹ thuật và hiện trạng môi trường thiên nhiên và xã hội bao quanh di sản, làm rõ các yếu tố tác động tới di sản theo cả 2 chiều thuận và nghịch để có định hướng kiểm soát được những tác động tiêu cực làm ảnh hưởng tới sự toàn vẹn và suy giảm giá trị của di sản, nghiên cứu đề xuất giải pháp giảm thiểu các xung đột có thể xảy ra trong quá trình bảo tồn và phát triển trong khu vực di sản, cũng tức là tạo lập sự cân bằng động giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội; truyền thông giáo dục di sản, hình thành thái độ ứng xử có văn hóa cho cộng đồng nơi triển khai các hoạt động liên quan tới di sản. Và cuối cùng là, huy động các nguồn lực xã hội, đồng thời đầu tư thỏa đáng nguồn kinh phí của nhà nước cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị của di sản.

Tất cả các hoạt động xã hội đều hướng đến những mục tiêu nhất định, do đó công tác quản lý di sản văn hóa nói chung và kế hoạch quản lý di sản thế giới nói riêng cũng phải xác định rõ một số mục tiêu cụ thể là:

- Quản lý di sản văn hóa là nhằm góp phần xây dựng môi trường sống tốt đẹp và lành mạnh – một nhân tố quan trọng cho phát triển bền vững.

- Quản lý di sản văn hóa phục vụ mục tiêu giáo dục, hình thành nhân cách văn hóa, nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

- Quản lý di sản văn hóa nhằm giữ gìn lâu dài các giá trị văn hóa tiêu biểu của đất nước hay giá trị nổi bật toàn cầu của di sản hiện đang được tích hợp/vật chất hóa trong các di sản văn hóa với tư cách là nguồn tư liệu khoa học nguyên gốc chân thực, có khả năng cung cấp tri thức, hiểu biết, kinh nghiệm sống, bài học lịch sử có ích cho nhân loại hôm nay và mai sau.

- Quản lý di sản văn hóa với tư cách là tài sản văn hóa/tài nguyên du lịch, nếu được tổ chức tốt và có những loại dịch vụ phù hợp, có thể trở thành điểm đến du lịch, sản phẩm du lịch hấp dẫn (Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử cũng là ví dụ điển hình) góp phần thúc đẩy phát triển du lịch bền vững ở từng quốc gia.

Tài liệu Hướng dẫn thực hiện Công ước di sản thế giới của UNESCO  đặt ra yêu cầu“Các hồ sơ đề cử gửi cho Ủy ban phải bày tỏ cam kết đầy đủ của Quốc gia thành viên đối với việc bảo tồn di sản liên quan, trong khả năng của mình. Cam kết như vậy phải được thể hiện dưới hình thức các biện pháp chính sách, pháp lý, khoa học, kỹ thuật, hành chính và tài chính phù hợp để bảo vệ di sản đó và giá trị nổi bật toàn cầu của nó[ii].

Có thể hiểu, kế hoạch quản lý di sản là một phần cam kết quan trọng của Quốc gia thành viên phù hợp với yêu cầu của UNESCO, trong đó mục tiêu quan trọng bậc nhất phải là bảo vệ, duy trì được tính toàn vẹn, chân xác và giá trị nổi bật toàn cầu của di sản.

UNESCO cũng khẳng định“Để được coi là có giá trị nổi bật toàn cầu, một di sản cũng phải đáp ứng được các điều kiện về tính toàn vẹn và/hoặc tính xác thực, phải có hệ thống bảo vệ và quản lý đầy đủ để đảm bảo gìn giữ di sản này”[iii].

Như thế có nghĩa là, một di sản thế giới ít nhất cũng phải đáp ứng được 1 trong 10 tiêu chí về di sản văn hóa và thiên nhiên của UNESCO. Nhưng đó chỉ là điều kiện cần thiết ban đầu, còn muốn được coi là có giá trị nổi bật toàn cầu cần chứng minh là quốc gia thành viên có khả năng đáp ứng các điều kiện kèm theo:

- Bảo đảm tính toàn vẹn/và hoặc tính xác thực của di sản.

- Xác định được vùng lõi và vùng đệm đủ rộng để bảo tồn di sản, đủ khả năng ngăn chặn và hạn chế những tác động tiêu cực tới di sản.

- Có một tổ chức thống nhất quản lý di sản theo đúng mục tiêu của UNESCO.

- Xây dựng được kế hoạch quản lý trong đó có chương trình hành động cụ thể bảo tồn và phát huy di sản.

Trong điều kiện thực tế là chúng ta đang dừng lại ở mục tiêu tọa đàm nhằm thống nhất lựa chọn tiêu chí xác định giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử làm cơ sở cho việc xây dựng hồ sơ khoa đề cử di sản thế giới. Vì thế, chúng tôi chưa thể trao đổi tất cả các nội dung có liên quan tới kế hoạch quản lý di sản mà chỉ xin đề cập một vài khía cạnh có liên quan mà thôi.

Như đã khẳng định, muốn được công nhận có giá trị nổi bật toàn cầu, một di sản phải đáp ứng các điều kiện về tính toàn vẹn như: Các yếu tố cần thiết để biểu đạt giá trị nổi bật toàn cầu của di sản và quy mô phù hợp đảm bảo việc đại diện đầy đủ các đặc điểm và các quá trình chuyển tải ý nghĩa của di sản. Tôi nghĩ rằng, trong diễn đàn này có sự hiện diện của đại diện Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo 3 tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương, các nhà khoa học, các cơ quan quản lý di sản văn hóa, chúng ta rất cần thống nhất nhận thức về tính toàn vẹn của khu di sản mà chúng ta sẽ xây dựng hồ sơ khoa học đề cử trình UNESCO.

Tính toàn vẹn của di sản sẽ được xác định bởi các khu vực bảo vệ (vùng lõi và vùng đệm) nhằm đảm bảo các yêu cầu cần thiết cho việc bảo vệ có hiệu quả di sản sẽ đề cử, đồng thời tạo điều kiện thể hiện giá trị nổi bật toàn cầu và tính toàn vẹn, chân xác của di sản đó. Ta biết Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử hàm chứa các mặt giá trị chủ yếu liên quan tới các tiêu chí từ 1 đến 6 trong 10 tiêu chí có trong tài liệu Hướng dẫn thực hiện Công ước di sản thế giới. Do đó, đường ranh giới các khu vực bảo vệ cần được vạch ra để bao chứa tất cả các khu vực, các thành tố trực tiếp thể hiện rõ giá trị nổi bật toàn cầu của di sản cũng như các khu vực mà dựa vào khả năng nghiên cứu tương lai, có thể đưa lại những hiểu biết, nhận thức mới về di sản.

2. Sự cần thiết phải xác định tính liên vùng/liên tỉnh của Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử

Muốn nhận diện giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử, chúng ta cần đứng ở góc độ toàn cảnh để phân tích giá trị của từng bộ phận, sau đó, phải liên kết hệ giá trị của từng bộ phận để cấu thành giá trị nổi bật toàn cầu của cả khu di sản. Đây chính là quan niệm tiếp cận hiện đại về di sản mà chúng ta cần vận dụng. Trước hết, giá trị di sản được nhận diện trong mối quan hệ tương hỗ ở tầm vĩ mô/quốc gia, liên tỉnh và liên vùng (điều đang được UNESCO khuyến khích) và vi mô là trong cùng một loại hình di sản văn hóa, tức là càng tiếp cận từ nhiều góc nhìn thì chúng ta càng đến gần sự thật lịch sử, chân giá trị - cái làm nên tính chân xác của di sản. Trong trường hợp Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử, ta cần xem xét từ 3 yếu tố cơ bản như sau:

Thứ nhất: Yếu tố địa - văn hóa mang tính chất liên tỉnh/liên vùng. Yên Tử được xác định là một trong các dãy núi lớn, nếu không nói là dãy núi chủ đạo trong cánh cung Đông Triều. Ta cũng biết cánh cung Đông Triều nằm ở vùng Đông Bắc Việt Nam được cấu thành bởi hai dãy núi xếp hình cánh cung là Nam Mẫu và Bình Liêu. Cánh cung Đông Triều gắn kết không gian địa lý và văn hóa của các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương và Hải Phòng. Riêng dãy núi Yên Tử lại nổi tiếng trong lịch sử ở hai khía cạnh: cảnh quan thiên nhiên và lịch sử văn hóa mà mọi người vẫn quen gọi là: “Non thiêng Yên Tử” – dãy núi thiêng/cõi thiêng ở một khu vực văn hóa. Các nhà “Địa lý phong thủy” ví dãy núi Yên Tử trong vòng cung Đông Triều như một con rồng lớn mà đầu rồng là núi Yên Tử, thân rồng là núi Ngọc Thanh và đuôi rồng là núi Côn Sơn (núi Hun). Rõ ràng là, “Non thiêng Yên Tử” đóng vai trò kết nối không gian địa lý của các địa phương (thành phố Uông Bí, thị xã Đông Triều, huyện Chí Linh và huyện Sơn Động) thuộc 3 tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương.

Thứ hai: Về mặt lịch sử, dãy núi Yên Tử là vùng đất gắn với quá trình phát tích của triều Trần – một triều đại hưng thịnh vào bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, có nhiều vị vua anh minh, hết lòng vì dân, vì nước và các vị tướng lĩnh nổi tiếng trong lịch sử, có tài kinh bang tế thế. Vương triều Trần đã vun đắp và truyền lại cho đời sau “Hào khí Đông A” với chiến công 3 lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông - một đế quốc hùng mạnh nhất thế giới thời bấy giờ.

Đông Triều (Quảng Ninh) là nơi đầu tiên mà nhà Trần đến lập nghiệp và sau này được chọn làm nơi xây dựng khu sơn lăng thứ 2 để tưởng niệm và tôn vinh các vị vua Trần (Thái lăng của Trần Anh Tông, Mục lăng của Trần Minh Tông, An lăng của Trần Hiến Tông, Phụ lăng của Trần Dụ Tông, Huy lăng của Trần Duệ Tông, Nguyên lăng của Trần Nghệ Tông và lăng Tư Phúc nơi thờ vua Trần Thái Tông và vua Trần Thánh Tông), còn phải nói tới đền Thái với tư cách là “Thái miếu” của vương triều Trần.

Thứ ba: xét về mặt văn hóa, đất Yên Tử - gạch nối giữa Đông Triều - Uông Bí (Quảng Ninh) - Chí Linh (Hải Dương) và Sơn Động (Bắc Giang) hiện đang lưu giữ hàng loạt ngôi chùa nổi tiếng gần với Trung tâm Phật giáo Trúc Lâm – Yên Tử do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập. Đó là những Đại danh lam thắng cảnh của Đại Việt thời Trần như: Chùa Hoa Yên ở Uông Bí, chùa Quỳnh Lâm, chùa Am Ngọa Vân ở Đông Triều, chùa Vĩnh Nghiêm ở Yên Dũng (Bắc Giang), chùa Thanh Mai, chùa Côn Sơn ở Chí Linh (Hải Dương)… Các Đại danh lam kể trên đồng thời cũng là những trung tâm lớn của Phật giáo Trúc Lâm - Yên Tử, có mối liên hệ mật thiết với 3 vị Trúc lâm Tam Tổ (Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang).

Hệ thống chùa phật giáo Trúc Lâm - Yên Tử ngoài chức năng là các thiết chế tôn giáo, thực chất còn là những “Bảo tàng sống động” về văn hóa và mỹ thuật Phật giáo, trong đó nổi bật nhất phải kể tới các lễ hội Phật giáo gắn với các ngôi chùa thờ Phật có sức lan tỏa về mặt văn hóa ở những không gian văn hóa rộng lớn (Hội chùa Yên Tử, Hội suối Mỡ…).

Những nội dung phân tích ở phần trên cho thấy, nhất thiết phải xác lập vùng lõi và vùng đệm bảo vệ bao chứa được cả 3 yếu tố thiên nhiên, lịch sử và văn hóa thuộc phần đất của 3 tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương mới có khả năng kết nối thành một di sản thế giới mang tính liên tỉnh, đáp ứng yêu cầu giữ gìn tính toàn vẹn của một khu di sản – một trong các yếu tố cốt lõi làm nên giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản sẽ được đề cử.

3. Cần thiết lập hệ thống quản lý thống nhất các hợp phần di sản đề cử thuộc 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang

Trong Hướng dẫn thực hiện Công ước di sản thế giới, UNESCO đặt ra yêu cầu phải thiết lập một hệ thống quản lý thống nhất để đảm bảo những điều kiện cần thiết bảo vệ lâu dài và có hiệu quả của di sản đề cử cho thế hệ hôm nay và mai sau. Đồng thời, UNESCO cũng coi sự hiện diện của một tổ chức nhất thể hóa công tác quản lý di sản là một trong những điều kiện để Ủy ban Di sản thế giới công nhận giá trị nổi bật toàn cầu của di sản do Quốc gia thành viên đề cử.

Ta thấy rõ rang, văn bản Hướng dẫn thực hành Công ước di sản thế giới quy định các yếu tố chung của một hệ thống quản lý thống nhất như sau:

- Hiểu biết/nhận thức sâu sắc về di sản đề cử của các bên hữu quan tham gia quản lý.

- Một quy trình, kế hoạch triển khai, giám sát, đánh giá và phản hồi ý kiến.

- Giám sát và đánh giá tác động từ các xu hướng phát triển và thay đổi để có giải pháp ngăn chặn.

- Sự tham gia và hợp tác của đối tác có liên quan.

- Phân bổ nguồn lực cần thiết cho các hoạt động.

- Nâng cao năng lực hoạt động cho cán bộ quản lý cũng như cộng đồng cư dân địa phương.

- Quy định rõ ràng và minh bạch về cách thức vận hành hệ thống

Đây thực sự là vấn đề tế nhị và phức tạp khi phải thiết lập bộ máy thống nhất quản lý đối với Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử. Bởi vì, khu di sản được cấu thành từ 3 khu vực trực thuộc quyền quản lý của 3 tỉnh (Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương). Và ở từng tỉnh, các khu vực di tích lại có cơ chế và cấp độ quản lý hành chính khác nhau.

Quảng Ninh có hai Khu di tích quốc gia đặc biệt là Khu di tích Yên Tử do Ban quản lý trực thuộc thành phố Uông Bí và Khu di tích lịch sử Đông Triều do Ban quản lý trực thuộc huyện Đông Triều thực thi quyền quản lý nhà nước. Tuy vậy, cả hai Ban quản lý nói trên lại chịu sự giám sát và phối hợp quản lý của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh.

Bắc Giang có hai di tích quốc gia là Khu danh thắng Suối Mỡ do Ban quản lý trực thuộc huyện Lục Nam và chùa Vĩnh Nghiêm do Ban quản lý của huyện Yên Dũng quản lý. Đồng thời, cả hai Ban quản lý nói trên lại chịu sự giám sát và phối hợp của Ban quản lý di tích của tỉnh Bắc Giang là đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang.

Riêng Hải Dương có tính đặc thù hơn, Khu di tích Côn Sơn là bộ phận hợp thành của Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc. Và có chung một Ban quản lý trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương.

Vấn đề đặt ra là, Ủy ban nhân dân cả 3 tỉnh phải trao đổi, tiến tới đồng thuận xây dựng một bộ máy tổ chức thống nhất mà thành phần phải có sự tham gia của đại diện của 3 địa phương có liên quan. Sau nữa, phải đưa ra một cơ chế phối hợp điều hành phù hợp để kiểm soát được đồng bộ các mặt hoạt động của các di sản ở từng tỉnh riêng biệt để có thể xây dựng được quy hoạch tổng thể bảo tồn chung cho khu di sản dự kiến đề cử với UNESCO cũng như hoàn thiện kế hoạch quản lý chung cho tất cả các khu vực di sản.

Lần đầu tiên chúng ta gặp phải trường hợp đề cử di sản thế giới phân bố trong địa giới hành chính của 3 tỉnh liền kề nhau, chắc chắn vấn đề xây dựng kế hoạch quản lý và thiết lập bộ máy thống nhất quản lý sẽ còn phải trao đổi kỹ lưỡng hơn trên cơ sở một bộ hồ sơ khoa học về di sản đề cử được biên soạn một cách kỹ lưỡng và có chất lượng khoa học cao.

Trong khuôn khổ bài viết này tôi chỉ xin gợi mở một vài suy nghĩ bước đầu về ý tưởng chung của bản kế hoạch quản lý Khu di tích và danh thắng Yên Tử mà thôi./.

  •  

[i] Điều 4 Công ước về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới.

[ii] Bản dịch tiếng Việt “Hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản thế giới, tháng 7/2013”, mục IIA, Đoạn 53, trang 11.

[iii] Bản dịch tiếng Việt “Hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản thế giới, tháng 7/2013”, mục IID, Đoạn 78, trang 17.

In văn bản