Nghệ thuật Bài Chòi là một thú vui nhẹ nhàng, tao nhã của người dân miền Trung Việt Nam nhân dịp đầu xuân. Đây vừa là loại hình nghệ thuật diễn xướng mang tính sáng tạo ngẫu hứng, vừa là trò chơi dân gian vui nhộn đầy trí tuệ được ra đời từ sự liên lạc với nhau giữa các chòi canh trên nương rẫy, lúc đầu diễn ra ở vùng trung du, rồi lan rộng ra các vùng nông thôn và lan tỏa đến cả miền biển. Bài Chòi là loại hình sinh hoạt giải trí phổ biến của dân gian, một hình thức chơi bài nhưng không mang tính sát phạt, ăn thua ở sòng bài, mà chỉ để đối đáp vui xuân. Người ta đến chơi Bài Chòi cốt để nghe hô Bài Chòi, thưởng thức giọng hô, hát, tài ứng đối và lối diễn trò của “hiệu” (người hô, hát chính).
Ở Bình Định từ xưa tới nay thịnh hành ba hình thức Bài Chòi gồm: Bài Chòi “truyện” có phông màn, có rạp che chắn, lưu diễn ở các thị tứ; Bài Chòi “lớp” thể hiện trên sân khấu chiếu, đi khắp các làng mạc miền quê và Bài Chòi dân gian truyền thống thường được trình diễn mỗi dịp xuân về.
Nơi diễn ra hội chơi Bài Chòi thường là sân đình làng hoặc những khoảng đất rộng, bằng phẳng gần các khu dân cư, gần chợ, thuận lợi cho mọi người đi dự hội. Người chơi dựng những chòi bằng tre, lợp tranh như những chòi canh giữ rẫy. Người chơi bài ngồi trên chòi, người ở dưới đất hô tên những con bài gọi là người cầm cái, chòi nào có con bài trùng khớp với con bài người cầm cái hô gọi là trúng, chòi nào trúng đủ 03 con bài gọi là tới một ván.
Người hô với chức năng quản trò, được gọi là “Hiệu”. “Hiệu” phải theo nhịp trống, nhịp sanh, có tiếng đàn tiếng kèn đệm theo, làm cho điệu hò thêm réo rắt, hấp dẫn. Đây là người rành các điệu hát nam, hát khách, hát lý... thuộc nhiều thơ, ca dao, biết pha trò đồng thời ứng đối nhanh nhẹn. “Hiệu” vừa hô tên con bài được rút từ trong ống thẻ giữa sân hội, vừa biểu diễn những động tác, giọng điệu để góp vui, tăng phần hấp dẫn cho người chơi và người xem hội. Bên cạnh những câu hô đơn giản lấy trong ca dao tục ngữ, hò vè, người chơi còn thi nhau sáng tác cho các câu hát cho hội chơi Bài Chòi thêm phần phong phú và phù hợp với nhu cầu thưởng thức của người dân đương đại.
Ngày nay, nghệ thuật Bài Chòi vẫn được duy trì ở các tỉnh Nam Trung bộ, thịnh hành nhất là ở Bình Ðịnh. Rất nhiều tục ngữ, ca dao, bài vè, những “câu thai” trong trò chơi Bài Chòi liên tục được biến tấu một cách linh hoạt, diễn tả sinh động mọi cảnh đời, từ tình yêu trai gái đến những khúc mắc nhân tình thế thái, tạo nên sự hấp dẫn và riêng biệt của Bài Chòi. Nét độc đáo của Bài Chòi khi lưu giữ và xướng lên những câu ca dao, tục ngữ, hò, vè… đóng góp không nhỏ vào kho tàng văn học và văn hóa của nước nhà.
Tỉnh Bình Định hiện còn duy trì được một số câu lạc bộ Bài Chòi cổ do những nghệ nhân tâm huyết, yêu nghề tập hợp hoạt động dưới sự bảo trợ, hỗ trợ của Trung tâm văn hóa tỉnh Bình Định vẫn thường xuyên trình diễn và truyền dạy cho thế hệ kế tiếp.
Thu Trang (Theo Tư liệu Cục Di sản)