Đang tải... Vui lòng chờ...

Quán Viên Dương

          "Đan Sơn tứ quán" là câu nói truyền miệng của người dân vùng Hoài Đức tự hào về quê hương mình có tới bốn ngôi quán đạo Lão. Một trong "tứ quán" đó được xây dựng ở thôn Chiền, xã Đức Thượng với tên gọi dân gian là quán Chiền. Ngôi quán còn có tên chữ là Viên Dương Quán.

Theo truyền thuyết của nhân dân địa phương và sự tích ghi trong bài minh trên quả chuông của Viên Dương quán thì ngôi quán được tể tướng Lã Gia (nhà Triệu) hưng công xây dựng cách ngày nay hơn hai nghìn năm cùng với quán Linh Tiên. Truyền rằng, Lã Gia đi du hành đến vùng đất này thì gặp các vị tiên đang đánh cờ, tể tướng bèn xuống ngựa bái yết, các vị tiên liền bay về trời. Nhân đó, Lã Gia cho xây dựng các quán Lão để cho các vị pháp sư tu luyện. Sau đó, có vị pháp sư là Lý Trang tu đạo thần tiên ở bản quán. Lúc trẻ, vị pháp sư này sống rất kham khổ, dùng rau phỉ để ăn nhưng vẫn kiên trì ngày đêm tụng kinh bản hạnh Ngọc Hoàng. Khi cây rau phỉ hoá thành cây xương bồ mọc trên đá thì vị pháp sư đắc đạo thành tiên bay lên trời... Nhân đó mới đặt tên cho huyện là Đan Sơn.

Năm Ất Dậu đời Mạc Mục Tông (1585) thấy Viên Dương quán nằm trên một địa thế rất đẹp, tuy không cao song có nhiều ao hồ, có dòng Nhuệ giang dẫn thuỷ, quy tụ hợp lưu nên Hiển cung Đại phu của triều Mạc là Nguyễn Định mới cho hưng công tu tạo Thượng điện và Hậu đường. Việc này được khắc trong bia đá dựng năm Hưng Trị thứ hai (1589) đặt tại quán. Từ đó về sau quán Viên Dương còn qua nhiều lần tu bổ sửa chữa. Toà Tiền đường hiện nay là kết quả của lần tu tạo năm Bảo Đại Giáp Tuất (1934), các hạng mục công trình khác như Tam quan - Gác chuông, Thượng điện, nhà Tổ đều đã được sửa chữa, phục hồi.

Viên Dương quán được xây dựng trông về hướng Đông (ghé Nam chút ít) ở rìa phía Đông làng Chiền, cách xa khu dân cư như tất cả các ngôi quán cổ khác (Hội Linh quán, Hanh Thông quán, Hưng Thánh quán...). Điều này phản ánh tính huyền bí, linh thiêng của nơi chọn đất lập quán đạo.

Mặt bằng tổng thể kiến trúc Viên Dương quán có bố cục kiểu chữ đinh (J) tương tự như phần lớn các ngôi chùa được xây dựng hoặc tu bổ ở thời Nguyễn vì thế nó không nằm trong bố cục tổng thể chung của các quán đạo Lão khác là mặt bằng chữ công ( I ).

Hạng mục mở đầu cho quán là Tam quan - Gác chuông được làm theo kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái. Hạng mục này đã có tự xa xưa, thời kỳ kháng chiến chống Mỹ do bị xuống cấp nặng không có điều kiện tu bổ nên đã dỡ đi. Tam quan hiện nay mới được phục hồi trên nền cũ theo kết cấu phổ biến của các Tam quan trong các ngôi chùa Việt thời Nguyễn. Toàn bộ tầng dưới của Tam quan để trống, tầng trên treo quả chuông đồng "Viên Dương quán chung" đúc vào năm Gia Long thập lục niên (1817).

Toà Tiền đường gồm 7 gian 2 dĩ được xây dựng theo kiểu thức tường hồi bít đốc 2 mái chảy. Các bộ vì được làm theo lối kèo kẻ quá giang trốn hàng cột cái tiền. Sát tường hậu các gian bên được xây các bệ gạch là nơi toạ lạc của các bộ tượng Hộ Pháp, Đức Ông, Thánh Hiền và tượng Hậu.

Toà Thượng điện 5 gian được nối liền với gian giữa Tiền đường kéo dài về phía sau tạo chuôi vồ. Các bộ vì Thượng điện được làm theo kiểu vì nóc chồng rường con nhị, vì nách kẻ suốt trên mặt bằng bốn hàng chân cột. Riêng bộ vì ngoài cùng được làm trốn hai cột cái, đặt trên hai thanh xà ăn mộng từ cột cái vì thứ hai ra tường hậu Tiền đường. Trong lòng Thượng điện được bài trí hương án và xây các bệ thờ bằng gạch làm nơi bài trí các pho tượng. Ở đây tượng thờ đã có sự đan xen giữa Đạo giáo với Phật giáo, song cơ bản vẫn là một Phật điện như: Bộ tượng Thập điện Diêm Vương; bộ tượng Cửu Long và Phạm Thiên - Đế Thích; bộ tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhãn với hai vị Bồ tát; bộ tượng Ngọc Hoàng với Tứ ngự ở xung quanh gồm hai tượng Nam Tào - Bắc Đẩu ở phía trước, Đông Nhạc Đại Đế và nữ thần Hậu Thổ Hoàng Địa Kỳ ở hai bên lùi về sau một chút; bộ tượng Tam Thanh; bộ tượng Di Đà tam tôn và tượng Quan Âm Thị Kính, Quan Âm Toạ Sơn. Những pho tượng này có niên đại chủ yếu ở các thế kỷ XVIII - XIX, được tạo hình tỉ mỉ, tinh tế từ chất liệu gỗ mít hay đất luyện. Điều đáng quan tâm là tượng Phạm Thiên và Đế Thích không đội mũ bình thiên như trong nhiều chùa mà lại được tạc như hai vị thần trong Đạo giáo có vẻ như Văn Xương và Đế Quân. Còn bộ tượng Tam Thanh ở đây đã có nhiều đổi khác về mặt tạo hình so với tượng ở các quán Hội Linh, Lâm Dương, Hanh Thông. Tượng Thái Thanh đã được thể hiện cụ thể là sự hoá thân của Lão Tử - một nhân vật lịch sử, là giáo chủ của đạo giáo ở Trung Quốc, được thể hiện khác hẳn Ngọc Thanh và Thượng Thanh, trong hình dáng một cụ già tóc đen nhưng có râu rất dài và bạc phơ. Bộ mặt của ba vị đều được làm khá thực theo những khuôn mẫu đời thường, không còn trầm tư nữa mà mở mắt nhìn thẳng, bình thản, da thịt trắng hồng, y phục màu nâu sẫm, chỉ có chụp tóc thếp vàng tạo sự loé sáng ở đỉnh đầu như muốn nhấn mạnh đến trí tuệ... Phải chăng đây là một cách Việt hoá để đưa đạo Lão từ cao xa vào đời sống thôn dã trong dân gian?

Khó mà nói được đạo Lão đã du nhập vào Việt Nam từ khi nào, nhưng theo Lược sử đạo Giáo Việt Nam của Vương Khả có thể coi đạo Lão (đạo Giáo) đã du nhập vào Việt Nam ngay sau khi ra đời ở Trung Quốc gắn liền với chính sách đô hộ của phong kiến phương Bắc. Hiện chưa có nhiều bằng chứng về sự phát triển của đạo Lão ở thời Bắc thuộc nhưng đến thời kỳ tự chủ ta đã tìm được quả chuông thời Ngô đúc năm 948 ở đình Đông Ngạc (Từ Liêm - Hà Nội) ghi chép một số thông tin về sinh hoạt đạo giáo và việc phụng thờ Thái Thượng tam tôn. Nhìn lại lịch sử và vai trò của đạo giáo có thể thấy thời Lý -Trần, Đạo giáo được phát triển cùng với Nho giáo và Phật giáo với những việc vua Lý Thái Tổ mới lên ngôi được 2 năm cho trùng tu chùa quán ở các lộ sau đó là xây dựng Quán Thánh (hay còn gọi là quán Trấn Vũ) thờ Huyền Thiên Trấn Vũ (Huyền Thiên đại đế) - một vị thần của đạo Lão, trấn giữ phương Bắc, về sau được hệ thống hoá thành một trong"Thăng Long tứ trấn"; Vua Trần Thái Tông cho "thi Tam giáo tử" (nghĩa là những người nối nghiệp Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo) năm 1227. Một tác phẩm văn học chịu ảnh hưởng rất lớn của đạo giáo là Lĩnh Nam chích quái của Lý Tế Xuyên đã chứng tỏ sự xâm nhập của đạo giáo vào rất nhiều lĩnh vực của đời sống chính trị, văn hoá, xã hội. Sang thời Lê sơ, đạo Phật bị triều đình hạn chế và đã bị khủng hoảng. Hệ tư tưởng chính thống của xã hội tập trung vào Nho giáo. Nhưng ngay sau đời Lê Thánh Tông đạo Nho cũng dần rơi vào khủng hoảng. Sự sa đoạ tàn ác của tầng lớp thống trị thời Lê sơ đã dẫn đến việc bị họ Mạc lật đổ là một tất yếu lịch sử. Song chính nhà Mạc cũng không đủ sức để tổ chức một xã hội theo hình thức mới, dù cho họ có tạo điều kiện cho kinh tế phát triển và đào tạo được một số trí thức lớn. Vì vậy mà các nhà Nho đương thời cảm thấy bế tắc và lẽ vô vi của Đạo giáo mang tư cách một trong những con đường giải thoát, một cây cầu đưa các nhà Nho từ bên bờ của tầng lớp thống trị sang bờ của quần chúng. Nhờ họ mà một số ngôi quán đã được chuyển hoá và mở mang.

Trên dòng trôi chảy của lịch sử, qua những tư liệu Hán Nôm hiện còn cho chúng ta biết ở Hà Nội mở rộng đến thế kỷ XVI, XVII những ngôi quán cũng sớm được nhập vào hệ thống di tích của làng xã, nên dân gian vừa tôn trọng các tượng Lão giáo vừa bổ sung nhiều tượng Phật vào điện thờ, nghĩa là các ngôi quán dần dần chuyển hoá thành chùa như: Hội Linh quán thành chùa Sổ (Tân Ước - Thanh Oai), Lâm Dương quán thành chùa Lâm Dương (Kiến Hưng - Hà Đông), Hưng Thánh quán thành chùa Mui (Tô Hiệu - Thường Tín)... Và Viên Dương quán (chùa Viên Dương) với những tư liệu (dù ít ỏi) đã góp phần xác nhận sự tồn tại của quán đạo Lão ở Hà Nội mở rộng - một loại hình riêng trong các di tích kiến trúc tôn giáo Việt cổ truyền.

Quán Viên Dương (chùa Viên Dương Quán) đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh, thành phố tại quyết định số 1230/QĐ-UBND ngày 10 tháng 3 năm 2011.

In văn bản