Click Để Xem Nhanh [hide]
Ngày xưa có hai dây nhà ở hai bên trước mặt Ngọ Môn gọi là Pháo Xưởng để chứa 9 khẩu đại bác bằng đồng rất lớn gọi là Cửu Vị Thần Công, hiện đang nằm ở gần phía sau hai cửa Thể Nhơn (cửa Ngăn) và Quảng Đức của Kinh Thành Huế.
Nguồn gốc
Sau khi đánh bại nhà Tây Sơn và lên ngôi Hoàng đế, vua Gia Long đã hạ lệnh tập trung tất cả các khí mảnh bằng đồng tịch thu được của triều đại ấy, đem nấu chảy và đúc thành 9 khẩu súng lớn để “làm kỷ niệm muôn đời”, xem như một chiến lợi phẩm tượng trưng của triều đại mình. Sách Đại Nam thực lục cho biết bộ đại bác ấy được đúc tai Huế trong vòng 12 tháng, từ tháng 2-1803 đến tháng 1-1804, do lính thợ ở bộ Công và binh lính ở bộ Binh thực hiện. Ngay khi đúc, tên mỗi khẩu đã được đặt sẵn và được khắc thành chữ ở nấm từng đuôi súng. Chín tên súng này đặt theo “Tứ thời“ là Xuân, Hạ, Thu, Đông và “Ngũ hành” là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Đến năm 1816, cả 9 khẩu còn được triều đình Gia Long tặng thêm một cái tên mới nữa là Thẩn Oai Vô Địch Thượng Tướng Công Cửu Vị
Từ thời Gia Long, Cửu Vị Thần Công được chia ra làm hai nhóm đặt hai bên mặt trước cửa chính của Hoàng Thành (tức Ngọ Môn); nhóm “Tứ thời” bên trái, nhóm “Ngũ hành” bên phải.
Đến năm 1896, nhóm bên phải được chuyển qua đặt cùng một dãy với nhóm bên trái (Đạt Nam Nhất thống chí Kinh sư).
Sau đó 20 năm, Cửu Vị Thần Công lại được bộ Công chia thành hai nhóm và dời ra đặt tại vị trí như chúng ta đang thấy hiện nay (Richard Orband, Éphémérides Annaniites, B.A.V.H,1917,tr 305).
Khi đến xem Cửu Vị Thần Công, chúng ta có thể đọc được trọng lượng mỗi khẩu ghi rõ bằng đơn vị cân ta trên thân súng. Khẩu nặng nhất là 18.400 cân. Khẩu nhẹ nhất là 17.200 cân. Trọng lượng đồng của 9 khẩu cộng lại là 140.300. Đối xứng với chỗ ghi trọng lượng trên mỗi khẩu, còn có một bài văn ngắn chỉ về cách chế thuốc đạn để bắn.
Mỗi khẩu được kê trên một cái giá súng bằng gỗ chạm trổ rất công phu. Hai bên giá là 4 bánh xe bằng gỗ viền sắt, dùng để đi động và di chuyển.
Kích thước Cửu vị thần công
Theo một nhà nghiên cứu trước kia thì kích thước và trọng lượng của 9 khẩu nói chung như sau:
- Bề dài mỗi khẩu: 5,10m
- Khẩu kính chung: 225mm.
- Trọng lượng đồng trung bình mỗi khẩu: 11000kg.
- Bề dài giá súng: 2,75m.
- Bề cao giá súng:0,73m.
- Trọng lượng trung bình mỗi giá súng: 9,00kg.
- Trọng lượng chung 9 khẩu Thần công:
- (11000kg + 900kg) X 9 = 107.100kg
(H.Coserat, Les Canons Génies de la Citadelle de Hué, détails complémentaires, B.A.V.H, 1932, tr. 141-155).
Giá trị nghệ thuật
Ngoài giá trị lịch sử, Cửu Vị Thần Công còn mang giá trị nghệ thuật rất cao. Kỹ thuật đúc đồng, nghệ thuật trang trí và chạm khắc trên đồng cũng như trên 9 cái giá gỗ đều rất điêu luyện, tinh xảo. Đây là những khẩu Thần Công lớn nhất xưa nay của Việt Nam, một trong những bộ tác phẩm mỹ thuật bằng đồng có giá trị nhất của dân tộc. Chín khẩu đại bác đồ sộ này chưa bao giờ dùng để bắn. Chúng chỉ được triều Nguyễn dùng để trang trí cho bộ mặt của Đại Nội Huế thêm phần uy nghi và để kỷ niệm.
Tin cùng chuyên mục: