0

Thế miếu

Ở vị trí Thế Miếu tọa lạc ngày nay, vua Gia Long đã cho dựng miếu Hoàng Khảo vào năm 1804 để thờ thân phụ mình (Nguyễn Phúc Luân). Đến năm 1821, sau khi vua Gia Long băng hà, vua Minh Mạng cho dời miếu Hoàng Khảo lui đằng sau vài chục mét, đổi tên thành Hưng Miếu, còn chỗ đất ấy được dùng để xây Thế Miếu (theo Đại Nam nhất thống chí).

Các vị vua được thờ trong Thế Miếu

Khi xây Thế Miếu vào những năm 1821 – 1822 cũng như khi đúc Cửu Đỉnh sau đó khoảng 15 năm, vua Minh Mạng đã nhắm đến một mục đích rất rõ ràng là để thờ vua Gia Long và các vua Nguyễn kế vị.

Thế miếu
Thế miếu

Nhưng, mãi đến cuối thời Pháp thuộc (1954) tại Thế Miếu chỉ có 7 án thờ, mỗi án một gian (còn những gian thừa thì để trống):

  • Án Chánh trung (giữa) thờ vua Gia Long (1802 -1819)
  • Án Tả nhất thờ vua Minh Mạng (1820 – 1840)
  • Án Hữu nhất thờ vua Thiệu Trị (1841 – 1847)
  • Án Tả nhị thờ vua Tự Đức (1848 – 1883)
  • Án Hữu nhị thờ vua Kiến Phúc (1884)
  • Án Tả tam thờ vua Đồng Khánh (1886 – 1888)
  • Án Hữu tam thờ vua Khải Định (1916 – 1925)

Ba vua Hàm Nghi (1885), Thành Thái (1889 – 1907) và Duy Tân (1907 – 1916) vì có tinh thần chống Pháp bị triều đình Huế liệt vào hàng “xuất đế” nên không được thờ ở đây. Vào tháng 10-1958, ba án thờ của ba vị vua yêu nước ấy mới được đưa vào thờ chung ở Thế Miếu bằng một cuộc lễ cung nghinh và an vị do bà con trong Nguyễn Phước tộc tổ chức.

Kiến trúc Thế Miếu

Vị trí

Tòa nhà Thế Miếu có diện tích mặt bằng kiến trúc khá lớn: 1.500m2, chiều dài 54,60m và chiều rộng 27,70m. Đây cũng là một tòa nhà kép làm theo kiểu “trùng lương trùng thiềm” như điện Thái Hòa. Tiền doanh (nhà trước) có 11 gian và chính doanh (nhà sau) có 9 gian. Hai doanh Bối lại với nhau bằng trần vỏ cua. Tất cả có “chung một đường mà ngăn riêng từng thất” (đồng đường dị thất), tức là trong cùng một tòa nhà mà chia ra nhiều gian, mỗi gian thiết trí một án thờ dành cho một vua.

Nền

Nền Thế Miếu khá cao (94cm). Mặt nền xưa lát gạch bát tràng tráng men vàng và lục. Qua những lần tu sửa trước năm 1975, nền tiền doanh được lát lại bằng gạch hoa tráng men vàng, còn nền chính doanh thì tráng xi- măng. Bộ giàn trò Thế Miếu làm bằng gỗ lim. Trên chính doanh có đóng trần. Tất cả cột, kèo, đòn tay, liên ba, đô” bản đều sơn thếp, màu sắc đến nay đã phai đi nhiều. Chỉ có các khám thờ và các án thờ là còn giữ được màu sắc sơn son thếp vàng rực rỡ như xưa. Các bức liên ba được chia thành ô hộc để chạm khắc thơ văn chữ Hán và hình ảnh xen kẽ nhau. Nghệ thuật điêu khắc các hoa văn, họa tiết trên hệ thống vi kèo ở tiền doanh rất điêu luyện, công phu. Trước mỗi khám thờ đều treo một bức sáo để che. Ngày xưa, đồ tự khí được thiết trí ở đây rất nhiều và rất quý.

Mái ngói

Bộ mái ngày xưa lợp ngói ống tráng men vàng (hoàng lưu ly) nay đã thay bằng ngói âm dương. Trên nóc tiền doanh chắp bầu rượu bằng pháp lam ngũ sắc. Cac bờ nóc và các bờ quyết đều đắp hình rồng, nhưng đơn giản, có lẽ vì mới làm lại trong những lần tu sửa. Trong các ô hộc ở bờ nóc, bờ quyết và dải cổ diêm được vẽ toàn tranh cảnh ước lệ cổ điển chứ không có thơ văn chữ Hán.

Phần sân

Sân Thế Miếu khá rộng, lát gạch Bát Tràng, chỉ trừ Thần đạo chạy dọc ở chính giữa là lát đá thanh. Gần thềm miếu có một hàng chậu sứ lớn 14 cái đặt trên 14 chiếc đôn bằng đá chạm (nay chậu đã cất). Trong sân, đặt hai hàng đế bằng đá thanh gồm 8 cái dùng để cắm tàng mỗi khi tế lễ. Tại hai góc sần phía trước, thiết trí hai con kỳ lân bằng đồng đứng trong thiết đình, như ở sân điện Thái Hòa. Chung quanh sân và hai bên ngôi mỉếu đều có xây bồn gạch để trồng nhiều loại hoa, cây cảnh và cây luu niên rất quý, trong đó có một cây tùng hình dáng cổ kính, quen gọi là “Cây tùng Thế Miếu”, nghe nói được vua Minh Mạng trồng từ năm 1822, khi Thế Miếu vừa xây xong.


Thế miếu
5 (0) votes
This entry was posted in Bookmark the permalink.

Tin cùng chuyên mục: