Click Để Xem Nhanh [hide]
Bảo tàng mỹ thuật cung đình Huế – Dưới góc nhìn của các nhà bảo tàng học cũng như du khách xưa nay, những bảo tàng nổi tiếng nhất về lịch sử và mỹ thuật tại Việt Nam là bảo tàng Louis Finot ở Hà Nội (nay là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam), Bảo tàng Blanchard de la Brosse (nay là Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh), Bảo tàng Parmentier (nay là Bảo tàng Chàm ở Đà Nẵng) và Bảo tàng Khải Định (nay là Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế). Đó là những bảo tàng vừa mang tính quốc gia, vừa có giá trị quốc tế, được thành lập ngay từ những thập niên đầu thế kỷ.
Lịch sử bảo tàng
Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế là một tổ hợp động sản và bất động sản gắn liền với triều Nguyễn. Hầu hết các di sản văn hóa đang tồn tại, tàng trữ cũng như trưng bày ở đây đều mang tính cung đình mà triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam để lại.
Nằm bên trong Kinh Thành Huế, khuôn viên của Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế hiện nay chiếm một diện tích rộng đến 6.330m2, trong đó có tòa nhà chính ở giữa với diện tích bằng kiến trúc 1.185m và một số nhà kho.
Tòa nhà chính vốn là ngôi điện Long An nằm trong cung Bảo Định được xây dụng vào năm 1845 ở bờ bắc sông Ngự Hà – một biệt cung của vua Thiệu Trị dùng làm “chỗ vui chơi” và “chỗ nghỉ chân hằng năm khi đi cày ruộng tịch điền”. Vào năm 1909, điện Long An được dời đến vị trí hiện nay để làm thư viện cho trường Quốc Tử Giám. Đến năm 1923, do yêu cầu mới, Nam triều cho di chuyển số sách vở trong thư viện này qua một dãy nhà khác nằm cạnh Di Luân Đường (thuộc trường Quốc Tử Giám) và đặt tên cho nó là Thư viện Bảo Đại, còn tòa điện Long An cũ thì dùng làm bảo tàng, gọi là Musée Khải Định.
Kiến trúc bảo tàng
Người ta đã rất có lý khi dùng điện Long An làm viện bảo tàng. Đây là một công trình kiến trúc tuyệt mỹ bằng gỗ quý theo nghệ thuật xây dựng cung điện độc đáo của Huế xưa. Tòa nhà làm theo kiểu trùng thiềm điệp ốc, có 128 cột. Trang trí nội, ngoại thất cực kỳ phong phú, giàu tính nghệ thuật và rất thanh nhã. Hầu hết trên mặt bộ tuồng gỗ của tòa nhà, trang trí hàng trăm ô hộc thơ vãn bằng chữ Hán và hàng trăm hình ảnh các cảnh vật cổ điển với những đường nét chạm trổ tinh tế và khảm nổi bằng những nguyên liệu quý hiếm như ngà, xương, xà cừ, đồi mồi. Đặc biệt nhất là hai bài thơ của vua Thiệu Trị, mỗi bài chỉ có 56 chữ, làm theo thể hồi văn kiêm liên hoàn sắp xếp theo hình bát quái, đọc thành 64 bài thơ thất ngôn và ngũ ngôn khác nhau. Trên bờ nóc và bờ quyết của tòa nhà thì trang trí hình “lưỡng long tranh châu” và hình tứ linh: long, lân, quy, phụng…
Nhiều nhà nghiên cứu đã đồng ý với nhau rằng đây là “tòa nhà nguy nga, tráng lệ vào hạng các cung điện đẹp nhất của Việt Nam”. Cũng có người cho đây là ngôi điện đẹp nhất ở Huế (le plus joli de la Capitale). Như vậy, riêng bản thân điện Long An đã là một hiện vật bảo tàng quý giá rồi.
Cổ vật tại bảo tàng
Vào khoảng năm 1945, số hiện vật được trưng bày và tàng trữ ở đây đã lên đến gần 10.000 đơn vị, làm bằng đủ loại nguyên liệu như gỗ, đá, đất nung, đồng, bạc, vàng, ngọc, thủy tinh, vải, da, giấy, mây, tre… Phần lớn các cổ vật ấy là đồ “ngự dụng” của vua, đồ dùng hàng ngày của hoàng gia, của triều đình, các tác phẩm nghệ thuật trang hoàng trong các cung điện tại Kinh đô triều Nguyễn.
Trải qua hàng chục năm chiến tranh liên miên, con số cổ vật tại đó không còn nguyên vẹn như xưa. Nhưng ngày nay đến đó, du khách vẫn còn có thể chiêm ngưỡng được rất nhiều sản phẩm văn hóa – nghệ thuật quý báu được trưng bày.
Đó là những sản phẩm thủ công mỹ nghệ do các “bàn tay vàng” dưới triều Nguyễn làm ra tại Huế hoặc tại các địa phương khác “cung tiến”cho Kinh đô. Chúng không phải là những mặt hàng sản xuất hàng loạt, mà là mỗi thứ một bộ hoặc một chiếc. Quý hiếm và độc đáo là vậy.
Ngoài các hiện vật được trưng bày, Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế hiện nay còn lưu trữ hàng ngàn hiện vật khác do triều Nguyễn cho sản xuất tại chỗ, hoặc đặt làm, đi mua ở nước ngoài, hay do các nước biếu tặng. Một khối lượng đồ xưa có giá trị lớn ở đó là hàng ngàn món đồ xứ men lam mà các nhà nghiên cứu gọi là Bleu de Hué. Đồ men lam khác với đồ pháp lam. Pháp lam là hiện vật bằng đồng tráng men nhiều màu được nung ở nhiệt độ cao. Còn đồ men lam là đồ sứ làm bằng đất nung, do triều đình Huế đặt cho các lò sản xuất đồ gốm bên Trung Quốc làm ra, theo mẫu, kích cỡ và sở thích của các vua Nguyễn. Trên các sản phẩm men lam ấy, có ghi niên đại của từng vua đặt hàng. Khoảng 100 bộ áo quần của các vua, hoàng hậu, hoàng tử, quan lại và lính tráng vẫn đang lưu giữ ở đây.
Trong Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế còn có một nhà kho tàng trữ hơn 80 hiện vật Chàm sưu tập được tại vùng Châu Ỡ, Châu Lỷ ngày xưa và mang ra từ Trà Kiệu sau những cuộc khai quật khảo cổ tại đó vào năm 1927. Riêng các hiện vật Chàm này đã được liệt vào loại di sản văn hóa quý hiếm chẳng những của vùng Viễn Đông mà còn của toàn thế giới nữa (J. Y. Claeys, Introduction à l’étude de l’Annam et de Champa, B.A.V.H., 1934, trang 47).
Nhìn chung từ tòa nhà cung điện cổ kính cho đến hàng ngàn hiện vật được trưng bày và bảo quản tại đây, Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế thể hiện rõ tài năng khéo léo, đầu óc sáng tạo của các nghệ nhân Việt Nam một thời, qua đó, chúng ta cũng thấy được phần nào bộ mặt sinh hoạt cung đình của triều Nguyễn. Nó là đối tượng rất hấp dẫn đôi với du khách, các nhà nghiên cứu về lịch sử và nghệ thuật Huế xưa.
Tin cùng chuyên mục: